Giao dịch chứng khoán phiên sáng 28/3: Dòng tiền sôi động hơn sau tin tích cực

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 28/3: Dòng tiền sôi động hơn sau tin tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giao dịch sôi động hơn khá nhiều giúp thanh khoản được cải thiện. Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn tồn tại và nhóm cổ phiếu tác động mạnh đến chỉ số lại chưa có nhiều phản ứng khiến thị trường vẫn chững lại ở quanh vùng cản mạnh 1.050 điểm.

Trong phiên hôm qua, tâm lý lưỡng lự của bên mua và bên bán thể hiện rõ từ sớm, VN-Index gần như chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu cùng thanh khoản thấp.

Mặc dù vậy, lực cầu có sự cải thiện đôi chút cùng sự hồi phục tích cực của dòng bank, đã giúp thị trường “phá” được rào cản 1.050 điểm.

Chỉ số VN-Index tiếp tục nhích bước và chỉ thử thách ở vùng 1.055 điểm rồi chững lại trong bối cảnh thị trường thiếu vắng dòng tiền mạnh.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 28/3, thị trường đón nhận thông tin được đánh giá khá tích cực là việc Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định về việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023 ngày 5/3/2023, sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường TPDN, việc Ngân hàng Nhà nước soạn thảo Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 16 được đánh giá sẽ giúp thị trường TPDN nói chung và các doanh nghiệp nói riêng dễ thở hơn nữa.

Dường như nhà đầu tư trong nước đã có phản ứng tích cực với thông tin này, thể hiện ở việc dòng tiền nhập cuộc sôi động hơn hẳn trong phiên giao dịch sáng nay, giúp sắc xanh tiếp tục chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Tuy nhiên, dù thanh khoản có được cải thiện, nhưng phần lớn các cổ phiếu vẫn chỉ nhích nhẹ, trong khi nhóm bluechip chưa sẵn sàng dẫn dắt đã khiến VN-Index đuối sức và về gần tham chiếu sau khi tiến lên thử thách ngưỡng 1.060 điểm.

Một vài cổ phiếu đáng kể như TCB tại nhóm VN30 khi vượt trội với mức tăng gần 4%, trong khi ở phía ngược lại cũng là 1 cổ phiếu ngân hàng khác là VPB dẫn đầu đà giảm, dù chỉ mất khoảng 2,5% và thanh khoản cũng đang cao nhất sàn HOSE.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số mã đầu cơ hoạt động tốt như TGG và QBS khi đã chạm giá trần tại 3.860 đồng và 1.880 đồng. Các mã liên quan đến đầu tư công, bất động sản như HHV, KSB, HTN, HQC nhích từ 3% đến gần 5%, trong đó, HQC có thời điểm chạm giá trần, khớp lệnh đứng thứ ba trên sàn chỉ sau VPB và NVL.

Dù dòng tiền có sực cải thiện đáng kể, nhưng lại vắng bóng nhóm dẫn dắt đã khiến VN-Index không thể tiến xa mà chỉ giằng co và kết phiên tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 228 mã tăng và 121 mã giảm, VN-Index tăng 2,97 điểm (+0,28%), lên 1.055,22 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 332,1 triệu đơn vị, giá trị 5.819,7 tỷ đồng, tăng hơn 33% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 30,5 triệu đơn vị, giá trị 887,5 tỷ đồng.

Phản ánh sự thận trọng nhất định của thị trường, phần lớn các mã tăng trong số các bluechip đều chỉ nhích nhẹ, như MSN, VIC, BVH, SSI, PLX, GAS, ACB chỉ có mức tăng từ 0,3% đến 0,8%. Tăng hơn đôi chút có GVR, STB, BID, MBB với mức tăng từ 1% đến 1,4%.

Vượt lên trên có NVL +2% lên 12.950 đồng, MWG +2,2% lên 38.950 đồng và TCB +3,4% lên 27.400 đồng, dù đều không phải là mức cao nhất trong phiên đạt được.

Ở chiều ngược lại, VPB thu hẹp đà giảm, chỉ còn -1,9% xuống 20.850 đồng và vẫn là cổ phiếu được nhà đầu tư quan tâm giao dịch nhất với khối lượng cao nhất thị trường khi khớp hơn 16,88 triệu đơn vị.

Các mã giảm còn lại chỉ mất điểm nhẹ với BCM, VRE, PDR, HDB, VHM khi chỉ giảm từ 0,2% đến 1,1%. Trong khi đó, VJC, VNM, HPG, FPT đứng giá tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng như đầu phiên sáng, một số cổ phiếu thuộc nhóm đầu tư công, bất động sản hoạt động tốt với TGG giữ giá trần +6,9% lên 3.860 đồng, HQC +5,2% lên 3.840 đồng, HTN +4,1% lên 11.450 đồng, HHV +3,4% lên 13.800 đồng, KSB +3,3% lên 27.900 đồng, TDC +3,1% lên 9.740 đồng, DRH +3% lên 5.210 đồng, các cổ phiếu KHG, HT1, LCG, CTI, HHS tăng từ 2% đến gần 3%. Trong đó, HQC khớp lệnh hơn 12 triệu đơn vị, HHV khớp 10,4 triệu đơn vị, là hai mã thanh khoản thuộc top cao nhất sàn.

Cũng như nhiều phiên gần đây, lực cung không thực sự mạnh, giúp phần lớn các mã giảm cũng chỉ mất điểm ở mức thấp, toàn sàn HOSE chỉ khoảng hơn 10 mã giảm từ 2% đến 6,7%, nhưng đều chỉ có thanh khoản nhỏ giọt, ngoại trừ ST8 khi -6,9% xuống 18.900 đồng, khớp hơn 0,48 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chỉ cầm cự được ở mức trên tham chiếu trong nửa đầu phiên, sau đó chịu áp lực lớn hơn và đảo chiều xuống tham chiếu, kết phiên trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 82 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index giảm 0,98 điểm (-0,48%), xuống 205,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,5 triệu đơn vị, giá trị 512,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,36 triệu đơn vị, giá trị 6,7 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhỏ được nhà đầu tư giao dịch mạnh, với FID, PVL, HHG vọt lên giá trần, trong khi PCH và VKC giảm sàn, khớp từ 0,23 triệu đến 0,49 triệu đơn vị.

Ở phía trên, với các mã thanh khoản cao hơn, phần lớn đều tăng giá, nhưn ngoài PLC +6%, MST +5,1%, API +4,8% và IDJ +3,6%, thì các mã còn lại như CEO, PVS, IDC, MBS, NRC, PVC, TNG chỉ tăng nhẹ.

Trong khi đó, SHS -1,1% xuống 9.000 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 7,74 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nhịp tăng sớm đã yếu đà và xuống dưới tham chiếu khá nhanh và kết phiên ở mức thấp nhất.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,29 điểm (-0,38%), xuống 75,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,44 triệu đơn vị, giá trị 143,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,66 triệu đơn vị, giá trị 20,6 tỷ đồng.

Giao dịch giằng co mạnh khiến nhiều cổ phiếu như VHG, ABB, BVB, PPT, PXS, BOT, G36 đứng tham chiếu.

Còn lại các mã thanh khoản cao khác đều tăng, với LMH nổi bật khi vọt lên giá trần +13,3% lên 3.400 đồng, khớp 1,78 triệu đơn vị.

Cổ phiếu SBS phiên này là mã có giao dịch tốt nhất với 3,67 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 5,8% lên 5.500 đồng. Ngay phía sau là BSR với 2,33 triệu đơn vị, tăng 1,3% lên 15.600 đồng.

Tin bài liên quan