Giao dịch chứng khoán phiên sáng 27/7: Nhà đầu tư mua mạnh cổ phiếu bất động sản

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 27/7: Nhà đầu tư mua mạnh cổ phiếu bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tiếp đà hưng phấn khi VN-Index chinh phục thành công ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, nhà đầu tư tiếp tục tranh thủ gom mua và hướng dòng tiền đến nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ.

Trong phiên hôm qua, ngay từ sớm ngưỡng 1.200 điểm một lần nữa cho thấy đây là ngưỡng cản khó bị khuất phục, bởi mỗi khi VN-Index tiến về gần mốc này, áp lực bán ngay lập tức gia tăng, đẩy chỉ số thoái lui trở lại.

Kịch bản này cũng đã tiếp tục diễn ra, nhưng với sự nâng đỡ của “cánh chim đầu đàn” của nhóm ngân hàng, cùng dòng tiền hoạt động tích cực hơn, VN-Index đã trở lại và chạm tay tới ngưỡng cửa quan trọng 1.200 điểm khi đóng cửa.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 27/7, các bluechip sau vài phiên gồng gánh thị trường đã trở nên ‘mệt mỏi’ và hoạt động kém khiến VN-Index chững lại ở vùng 1.200 điểm.

Dù vậy, điểm tích cực là dòng tiền đã có dấu hiệu gia tăng trở lại và lực cầu khá tích cực với một số cổ phiếu ở nhóm bất động sản, xây dựng đang tăng tốt như TCH, ITC, BCG, HDC, KHG, DXG, NVL, NHA, DXS, LDG, PHC khi tăng từ hơn 3% đến hơn 6,5%. Trong đó, NVL đang khớp lệnh vượt trội trên HOSE với hơn 30 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch.

Các cổ phiếu khác cũng đang có được sắc xanh còn có những cái tên quen thuộc như NLG, KBC, LCG, TCD, CII, VCG, GEX, DIG, PDR, …với khối lượng khớp lệnh cũng đang thuộc top cao nhất sàn.

Sau nửa đầu phiên cầm cự, lực bán đã gia tăng trên khắp bảng điện tử, nhưng dù lan rộng nhưng lại không quá mạnh, VN-Index theo đó chỉ giảm nhẹ về gần vùng 1.195 điểm và giằng co, trước khi có nhịp rơi khá nhanh ở những phút cuối, với thanh khoản tăng vọt.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 116 mã tăng và 324 mã giảm, VN-Index giảm 6,55 điểm (-0,55%), xuống 1.194,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 593,1 triệu đơn vị, giá trị 11.511,5 tỷ đồng, tăng hơn 50% về khối lượng và 53% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 26,1 triệu đơn vị, giá trị 510 tỷ đồng.

Nhóm bluechip có tới 21 mã giảm, trong đó, phần lớn là các cổ phiếu ngân hàng, cùng các cổ phiếu lớn như PLX, SAB, VRE, MSN, HPG, VHM…dù vậy, không mã nào giảm quá sâu, với VPB và PLX giảm mạnh nhất cũng chỉ mất 1,4% xuống 21.550 đồng và 39.950 đồng.

Ở chiều ngược lại, còn một vài cổ phiếu tăng như VJC, HDB, GAS, VIC, FPT, MWG, nhưng mức tăng khiêm tốn, chỉ từ 0,2% đến 1%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ chỉ còn số ít duy trì được mức tăng tốt như PHC +5,6% lên 9.450 đồng, khớp 1,09 triệu đơn vị, LDG +3,8% lên 6.000 đồng, khớp 13,3 triệu đơn vị, ITC +3,3% lên 13.950 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị, NHA +3,3% lên 21.600 đồng, VIP +3% lên 12.050 đồng, khớp 1,07 triệu đơn vị, NBB +2,7% lên 16.900 đồng, DXG +2,4% lên 17.300 đồng, khớp 20,5 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu còn tăng khác ở nhóm bất động sản, xây dựng đều hạ nhiệt với DXS, DRH, VCG, HDC, KHG, LDG, BCG và NVL chỉ còn tăng nhẹ, trong đó, NVL +1,5% lên 17.450 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường khi có hơn 43,7 triệu đơn vị.

Trái lại, dù có hơn 300 mã giảm, nhưng số cổ phiếu giảm sâu trên HOSE lại không đáng kể, với chỉ một vài cái tên nới đà giảm khá mạnh như ST8 giảm sàn -6,9% xuống 23.100 đồng, CTD -5,8% xuống 68.600 đồng, TLG -5,2% xuống 56.100 đồng, FIR -4,8% xuống 29.700 đồng, CIG -3,5% xuống 7.610 đồng, giảm hơn 3% cũng chỉ còn BCE, VPD, VNL.

Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm cũng đã khiến HNX-Index lùi về dưới tham chiếu khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 52 mã tăng và 106 mã giảm, HNX-Index giảm 1,16 điểm (-0,49%), xuống 235,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,1 triệu đơn vị, giá trị 940,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,6 triệu đơn vị, giá trị 114 tỷ đồng.

Các cổ phiếu tăng lác đác có CEO +0,5% lên 18.850 đồng, NRC +1,5% lên 6.700 đồng, TIG +2,5% lên 12.300 đồng, IPA +1,3% lên 16.200 đồng.

Phần còn lại ở nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao khác đều giảm như API, VIG, TNG, APS, PVC, AAV, MBG, IDC, IDJ, HUT, TAR, PVS, SHS, nhưng mức giảm cũng chỉ từ 1% đến 2%, thậm chí thấp hơn, như SHS -0,7% xuống 15.100 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 8,54 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, diễn biến tương tự hai chỉ số chính, khi UpCoM-Index đảo chiều xuống dưới tham chiếu ở nửa sau của phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,48 điểm (-0,54%), xuống 88,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,4 triệu đơn vị, giá trị 386,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,45 triệu đơn vị, giá trị 15 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là DVN, khi có thời điểm tăng kịch trần, trước khi kết phiên còn +10,8% lên 21.500 đồng, khớp 0,75 triệu đơn vị.

Các mã khác đều chìm trong sắc đỏ trong số những mã hút giao dịch nhất, nhưng cũng chỉ mất điểm nhẹ, với BSR -0,5% xuống 18.200 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có 3,62 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan