Trong phiên hôm qua, áp lực bán đột ngột dâng cao và khiến hàng trăm mã đua nhau nằm sàn, khiến VN-Index bốc hơi khoảng 35 điểm và rơi xuống vùng giá 1.150-1.160 điểm.
Điều bất ngờ đã không lặp lại khi lực cầu bắt đáy dường như đã không còn mạnh dạn như phiên cuối tuần trước (ngày 22/9) khiến thị trường đã đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày, về sát mốc 1.150 điểm khi bay gần 40 điểm và thanh khoản không mấy khả quan.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 26/9, thị trường đã có phần cân bằng trở lại, nhưng nhà đầu tư vẫn thận trọng cao khiến bảng điện tử phân hóa và VN-Index chủ đạo là giằng co nhẹ quanh tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.
Sự thận trọng cao khiến gần như không có nhóm nào biến động quá mạnh, ngoài một số cổ phiếu công ty chứng khoán, khi đang tìm lại đà hồi phục với SSI, HCM, CTS, BSI, FTS nhích từ gần 3% đến hơn 5%.
Trong khi đó, áp lực bán vẫn tiềm ẩn ở một số cổ phiếu vừa và nhỏ khác ở các nhóm xuất khẩu, bất động sản, dịch vụ như TCO, TNT, VPG, GIL, IDI, TLH, FIR, SGR, TCH, VPH…
Sau nửa đầu phiên cầm cự, thị trường có phần đuối sức về cuối phiên khi áp lực bán gia tăng, cùng một số bluechip nới đà giảm đã khiến VN-Index về dưới ngưỡng 1.150 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 151 mã tăng và 334 mã giảm, VN-Index giảm 7,97 điểm (-0,69%), xuống 1.145,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 495,7 triệu đơn vị, giá trị 10.225,6 tỷ đồng, tăng gần 90% về khối lượng và 75% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 51,7 triệu đơn vị, giá trị 1.078 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu gây sức ép lớn nhất đến chỉ số VN-Index là VIC -3% xuống 45.100 đồng, GVR -2,7% xuống 19.800 đồng, BCM -2,1% xuống 66.600 đồng. Bên cạnh đó là BID, VHM và VNM khi đều giảm 1,7%.
Sắc đỏ khác còn tại khá nhiều cổ phiếu như VCB, FPT, GAS, SAB, PLX, BVH, VRE, VJC…nhưng mức giảm chỉ trên dưới 1%.
Ở chiều ngược lại, SSI chỉ còn tăng hơn 2,1% lên 31.000 đồng, VIB nhích 1,6%, MSN, CTG và HPG tăng trên dưới 1%, và TPB, SHB, MBB là những cổ phiếu còn lại kết phiên trong sắc xanh nhạt.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu công ty chứng khoán sau những phút đầu tăng tốc thì đều đã chững lại, ngoài SSI nêu trên hạ độ cao thì các mã FTS +3,5% lên 38.700 đồng, dù có thời điểm đã chạm giá trần, HCM chỉ còn +1,7% lên 30.150 đồng, CTS nhích chưa đến 1%, còn VCI, ORS, TVS, BSI tăng nhẹ. Trong khi đó, VIX vẫn giảm khá mạnh, mất 4,2% xuống 15.850 đồng, APG -3,5% xuống 9.800 đồng…
Cổ phiếu đáng chú ý nhất là SRF, dù chỉ khớp hơn 0,3 triệu đơn vị, nhưng là mã duy nhất tăng kịch trần trên sàn, +6,6% lên 10.600 đồng.
Trong khi đó, một số cổ phiếu nới đà giảm và chạm giá sàn, với phiên này góp mặt LEC, TCO, DC4 và HTL.
Không ít cổ phiếu giảm sâu như VPG -6,6% xuống 18.400 đồng, TCH -6% xuống 11.850 đồng, SMC -5,9% xuống 11.100 đồng, IDI -5,6% xuống 13.550 đồng, PTL -5,5% xuống 5.690 đồng, FCM -5,3% xuống 5.500 đồng. Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, nguyên vật liệu như NBB, APH, KSB, FIR, LCG, ACL, KPF, DXS, DRH, ANV, PAN, VPH, GIL, TLH…mất từ 3,5% đến hơn 5%.
Trên sàn HNX, dù sắc đỏ lấn át, nhưng đa phần không giảm sâu đã giúp HNX-Index dù giảm điểm, nhưng mức giảm không quá sâu.
Chốt phiên, sàn HNX có có 46 mã tăng và 121 mã giảm, HNX-Index giảm 1,05 điểm (-0,45%), xuống 230,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 57,1 triệu đơn vị, giá trị 956,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,17 triệu đơn vị, giá trị 1,87 tỷ đồng.
Một vài cổ phiếu diễn biến đáng chú ý như MBS khi đã có lúc chạm giá trần, nhưng kết phiên chỉ còn +4,6% lên 20.600 đồng, hay ngược lại là hai mã APS và TAR, khi cũng có thời điểm chạm giá sàn và thu hẹp đà giảm, với TAR chỉ còn -4,3% xuống 15.600 đồng, trong khi APS vẫn còn giảm mạnh 8% xuống 6.900 đồng.
Ở những nơi khác, các mã SHS, HUT, PVS, IDC, NRC nhích nhẹ và CMS +7% lên 33.600 đồng, trong khi đó, CEO, MBG, PVC, DDG giảm hơn 2% và IDJ, VIG mất hơn 4%, cùng VGS -8,6% xuống 19.100 đồng, khớp từ 0,8 triệu đến hơn 5,3 triệu đơn vị, riêng SHS khớp lệnh vượt trội với hơn 16,3 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index phần lớn thời gian giao dịch ở trên tham chiếu, nhưng sức ép về cuối phiên cũng đã đẩy chỉ số này về sắc đỏ, dù điểm số mất không lớn.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,17%), xuống 88,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,8 triệu đơn vị, giá trị 367,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,7 triệu đơn vị, giá trị 28,5 tỷ đồng.
Nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao nhất đều mất điểm, với CEN giảm sàn -14,7% xuống 8.700 đồng. Các mã LMH, DGT giảm trên dưới 8%, VTP, HHG, VGT, PAS, AAS, KVC, VHG mất 3% đến hơn 5%.
Cổ phiếu BSR -2,4% xuống 20.700 đồng, khớp lệnh tốt nhất UpCoM khi có hơn 2,8 triệu đơn vị.