Trong phiên hôm qua, phần lớn thời gian giao dịch thị trường vẫn trong trạng thái đi ngang và chưa có động thái để vượt được ngưỡng kháng cự 1.400 điểm.
Tuy nhiên, áp lực bán đã tăng tăng trong đợt khớp ATC, đặc biệt tập trung vào nhóm cổ phiếu bluechip, đẩy VN-Index về vùng giá đỏ, mất gần 4 điểm khi đóng cửa.
Theo phân tích của một số công ty chứng khoán thì thanh khoản tăng mạnh, nhưng tạo mẫu nến engulfing tiêu cực cho thấy một phiên phân phối lớn và làm gia tăng rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh.
Bên cạnh đó, việc VN-Index nhiều lần thất bại trước mốc 1.400 điểm và quay đầu giảm có thể sẽ gây tác động tâm lý xấu lên phần lớn nhà đầu tư và tiếp tục kích hoạt lực bán trên thị trường.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 26/10, lực bán ngay từ sớm xuất hiện đã khiến VN-Index giảm khá nhanh và để mất mốc 1.380 điểm, nhưng ngưỡng hỗ trợ mạnh này đã phát huy tác dụng, giúp thị trường bật trở lại tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.
Dù vậy, nhìn chung vẫn là hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng”, khi độ rộng bảng điện tử đang bị sắc đỏ bao phủ lớn, ngoại trừ điểm tích cực là các cổ phiếu đang giao dịch sôi động nhất đều tăng giá, mặc dù phần lớn là các mã vừa và nhỏ như HQC, SCR, FLC, FIT, PSH, PVD, VOS, LDG, ITA… và nhóm cổ phiếu thép với HPG, HSG, NKG, nhưng đa số cũng chỉ tăng với biên độ thấp.
Nhóm cổ phiếu bảo hiểm hạ nhiệt, chỉ còn BMI tăng cao gần 5%, còn lại những cái tên như BVH, PVI, MIG, ABI chỉ còn nhích nhẹ, thậm chí BIC còn giảm điểm và PGI, PTI, VNR giằng co quanh giá tham chiếu.
Sau khi lên trên tham chiếu vào giữa phiên, thị trường đã quay đầu điều chỉnh, áp lực đến từ nhóm bluechip phân hóa mạnh và bảng điện tử bị sắc đỏ lấn át.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 143 mã tăng và 276 mã giảm, VN-Index giảm 2,46 điểm (-0,18%), xuống 1.382,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 450 triệu đơn vị, giá trị 12.305,2 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 22,9 triệu đơn vị, giá trị 750,3 tỷ đồng.
Nhóm bluechia đôi ngả với sự phân hóa mạnh, khi rổ VN30 có 11 mã tăng, 16 mã giảm, cùng MSN, CTG, PNJ đứng tham chiếu.
Nhưng cũng như nhiều phiên trở lại đây, biên độ giá phần lớn chỉ ở mức thấp trên dưới 1%, ngoại trừ GAS, PLX nhích 1,2% và 1,1%.
Ở chiều ngược lại là PDR -2,4% xuống 95.600 đồng, VRE -2% xuống 29.800 đồng, VPB -1,8% xuống 36.350 đồng, GVR -1,3% xuống 38.800 đồng.
Phần còn lại, HPG, SSI, MBB, BVH, FPT kết phiên trong sắc xanh và TCB, STB, POW, ACB, NVL giảm, thanh khoản HPG vượt trội với hơn 19,1 triệu đơn vị khớp lệnh, TCB khớp hơn 10 triệu đơn vị, SSI khớp hơn 6,39 triệu đơn vị, STB khớp 5,22 triệu đơn vị.
Thiếu đi sự dẫn dắt và đồng thuận của các nhóm ngành lớn, dòng tiền tìm đến các cổ phiếu riêng lẻ và tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu vừa và nhỏ, với HQC phiên này trở thành sóng, khi vọt lên khớp hơn 27,7 triệu đơn vị và tăng kịch trần +6,9% lên 5.080 đồng.
FLC theo ngay sau với hơn 20 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng khá mạnh, +3,4% lên 12.150 đồng. Các cổ phiếu liên quan cũng có mức tăng khá như ROS +2,4% lên 5.650 đồng, AMD +2,3% lên 5.270 đồng, HAI +1,3% lên 4.770 đồng.
Một vài điểm nhấn khác đến từ VOS, TLD, VRC, khi cũng kết phiên tại mức giá trần, với VOS giao dịch sôi động nhất khi khớp được hơn 3,79 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu FIT, PVD, DCM, IDI, DLG, CII, cặp đôi phân bón DCM, DPM tăng điểm, nhưng tăng cũng chỉ từ 1 đến hớn 2%, khớp từ 3,68 triệu đến 6,11 triệu đơn vị.
Trái lại, QCG trở thành đại diện giảm giá đáng kể nhất, khi lùi về mức giá sàn -6,9% xuống 8.370 đồng, khớp hơn 2,37 triệu đơn vị.
Hôm qua và sáng nay, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, Viện kiểm sát nhân dân TP. HCM yêu cầu Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. HCM tiếp tục điều tra, xác định và kết luận về trách nhiệm của các cá nhân thuộc CTCP Quốc Cường Gia Lai trong vụ án chuyển nhượng 2 dự án khu dân cư Phước Kiển và khu dân cư Ven Sông.
Trước đó, hồi tháng 8, kết luận về vụ án, cơ quan điều tra xác định ở cả 2 dự án trên bà Nguyễn Thị Như Loan (Tổng giám đốc QCG) trực tiếp đàm phán, ký kết các hợp đồng. Tuy nhiên, nhà chức trách xác định việc QCG mua các phần đất "là đúng pháp luật" và không có cơ sở xử lý hình sự.
Ở nhóm thanh khoản cao khác, DIG, KBC, ITA, LDG, TTF, JBC, IJC, ASM, HHS, FCN cũng chìm trong sắc đỏ, khớp từ 2,49 triệu đến 7,1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, giao dịch cũng khá ảm đạm và số mã giãm cũng vượt trội, khiến HNX-Index sau nửa phiên cố gắng ở lại với sắc xanh, nhưng đã bất thành khi lực bán gia tăng khiến chỉ số kết phiên giảm điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 71 mã tăng và 126 mã giảm, HNX-Index giảm 0,52 điểm (-0,13%), xuống 395,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 74,4 triệu đơn vị, giá trị 1.575,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,3 triệu đơn vị, giá trị 57,3 tỷ đồng.
Các mã lớn đều chìm trong sắc đỏ, với IDC -3,2% xuống 64.200 đồng, IDJ -3,4% xuống 50.600 đồng, BCC -3,9% xuống 24.900 đồng, CEO -1,7% xuống 11.400 đồng, APS -3,1% xuống 34.900 đồng, các mã PVS, PVI, VCS, TVC, TNG cũng mất điểm, trong khi SHS, MBS đứng tham chiếu.
Hai cổ phiếu nhỏ hoạt động tốt hơn với KLF và DL1, khớp lệnh cao nhất sàn với 5,36 triệu và 4,84 triệu đơn vị, với KLF +2% lên 5.000 đồng, DL1 +8,3% lên 11.800 đồng.
Trên UpCoM, sau nửa đầu phiên giằng co nhẹ quanh tham chiếu, chỉ số UpCoM-Index đã có nhịp nảy khá mạnh, trước khi hạ nhiệt về cuối phiên.
Nhưng giao dịch cũng phần lớn ảm đạm, khi các cổ phiếu thanh khoản tốt nhất đều giảm với BSR, VGT, VHG, NED C4G, HHV, TVN, chỉ còn PAS, PVP nhích lên.
Trong đó, BSR khớp hơn 5,3 triệu đơn vị, giảm 1,3% xuống 23.100 đồng, NED -5,5% xuống 12.000 đồng, khớp 2,13 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,26%), lên 101,18 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48 triệu đơn vị, giá trị 952 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,95 triệu đơn vị, giá trị 104,8 tỷ đồng.