Giao dịch chứng khoán phiên sáng 25/7: Hai cổ phiếu ngân hàng VCB và TCB nâng đỡ thị trường

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 25/7: Hai cổ phiếu ngân hàng VCB và TCB nâng đỡ thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường có dấu hiệu điều chỉnh sau chuỗi phiên tăng mạnh và gần chạm tới ngưỡng cản 1.200 điểm khi sắc đỏ có phần lan rộng. Nhưng cặp đôi ngân hàng lớn VCB và TCB lại đang là đầu kéo chính giúp VN-Index tiếp tục nhích lên.

Trong phiên hôm qua, thị trường đã xuất hiện những tín hiệu tích cực từ sớm, khi dòng tiền nhập cuộc sôi động hơn giúp bảng điện tử tràn ngập sắc xanh. Tuy nhiên, lực cầu giá cao vẫn chưa xuất hiện khiến VN-Index chỉ lình xình tăng.

Mặc dù vậy, sự tự tin hơn đã đến với nhà đầu tư sau đó, với lực mua gia tăng mạnh và lan rộng thị trường giúp VN-Index bay cao, tăng hơn 13 điểm lên trên 1.185 điểm khi đóng cửa với thanh khoản có thêm phiên trên 20.000 tỷ đồng, cùng các nhóm cổ phiếu lớn bé đua nhau khởi sắc.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 25/7, dù áp lực bán có phần lan rộng khiến bảng điện tử bị sắc đỏ chi phối, nhưng một số cổ phiếu ngân hàng lớn, đặc biệt là VCB bật cao đã giúp VN-Index đứng vững trên ngưỡng 1.195 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Hôm nay, hai cổ phiếu lớn là VCB và TCB bốc đầu tăng mạnh với mức tăng gần 4%, đóng góp hơn 5 điểm tích cực cho VN-Index. Trong đó, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VCB có ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 1.000:181.

Trong khi đó, TCB nhận hiệu ứng kết quả kinh doanh quý II với lợi nhuận trước thuế 5.649 tỷ đồng, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 đầu năm, TCB đạt 11.272 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương hơn 51% so với kế hoạch cả năm.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 15,1% vào thời điểm 30/6/2023, trong khi tỷ lệ nợ xấu (NPL) chỉ 1,07%, với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lành mạnh ở mức 115,8%.

Giao dịch không có nhiều thay đổi ở nửa sau của phiên, khi nhà đầu tư có phần thận trọng hơn với bảng điện tử nghiêng về số mã giảm, nhưng vẫn là VCB và TCB hoạt động tốt đã giữ cho VN-Index đứng vững trên 1.195 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 191 mã tăng và 258 mã giảm, VN-Index tăng 4,31 điểm (+0,36%), lên 1.195,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 470,3 triệu đơn vị, giá trị 9.407,5 tỷ đồng, giảm hơn 12% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 23 triệu đơn vị, giá trị 385,4 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu lớn VCB và TCB vẫn là điểm nhấn chính của nhóm bluechip và toàn sàn HOSE, khi đóng góp lớn nhất cho VN-Index, với VCB +3,6% lên 91.800 đồng và TCB +3,1% lên 33.450 đồng.

Phần còn lại của nhóm bluechip phân hóa và tăng, giảm với biên độ thấp, với SAB, NVL, TPB là những cổ phiếu còn tăng nhẹ hơn 1%, trong khi GAS, PLX, MBB, CTG, ACB chỉ tăng từ 0,3% đến 0,9%.

Trái lại, cũng chỉ hai mã giảm hơn 1% là GVR -1,6% xuống 21.850 đồng và MWG -1,7% xuống 53.600 đồng, các cổ phiếu khác như VHM, VIC, HPG, HDB, MSN, VJC chỉ mất điểm nhẹ.

Đối với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lực cầu giá cao chỉ xuất hiện lác đác tại một vài cái tên riêng lẻ như PHC tăng trần +7% lên 9.040 đồng, khớp hơn 2,19 triệu đơn vị, CIG +4,8% lên 7.860 đồng, VPH +4,4% lên 8.750 đồng dù có lúc đã tăng trần, AAA +4,2% lên 12.300 đồng, TVS +3,7% lên 25.500 đồng, OCB +3,3% lên 19.000 đồng, ITC +3% lên 13.900 đồng…

Ở chiều ngược lại, dù có hơn 250 mã giảm, nhưng lực cung giá thấp tiếp tục được tiết giảm nên các mã đỏ phần lớn không giảm sâu. Một vài cái tên giảm sâu, nhưng thanh khoản không đáng kể như CLW, TNC, LM8, BTT, VDP…

Trong nhóm cổ phiếu thanh khoản cao, MSB nổi lên khi khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 22,93 triệu đơn vị, giá cổ phiếu chỉ nhích 0,4% lên 13.650 đồng. Tuy nhiên, khối ngoại giao dịch rất sôi động khi bán ra 16 triệu đơn vị và mua vào hơn 10,4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giao dịch giằng co nhẹ quanh tham chiếu và tạm kết phiên tăng điểm nhờ một số cổ phiếu lớn đứng vững.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 72 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index tăng 0,54 điểm (+0,23%), lên 237,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,6 triệu đơn vị, giá trị 908 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,54 triệu đơn vị, giá trị 22,1 tỷ đồng.

Giao dịch đáng chú ý nhất vẫn tại CEO, khi mở cửa giảm sàn, nhưng lực cầu bắt đáy hoạt động mạnh đã kéo mã này hồi phục mạnh và có thời điểm đã tăng gần 8% trước khi hạ nhiệt về cuối phiên, còn +3,9% lên 18.700 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 9,6 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác đáng kể khác còn VHE +5,1% lên 4.100 đồng, TAR +3,5% lên 20.800 đồng, DTD +3,4% lên 36.300 đồng, trong khi AMV, MBS, TNG, DST, NVB chỉ nhích nhẹ.

Các mã giảm tương đối nhiều, nhưng phần lớn cũng chỉ mất điểm nhẹ với HUT, APS, IDC, PVS giảm trên dưới 1%. Trong khi đó, SHS, IDJ, NRC, AAV, VIG, PVC đứng tham chiếu, khớp từ 0,7 triệu đến hơn 6,6 triệu đơn vị,

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nhịp nảy đầu phiên đã hạ nhiệt về gần tham chiếu, sau đó gần như đi ngang và kết phiên giảm nhẹ.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,07%), xuống 88,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,4 triệu đơn vị, giá trị 456,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,93 triệu đơn vị, giá trị 8,77 tỷ đồng.

Đa phần các mã thanh khoản cao đều tăng, với VHG, DDV, BVB, LMH, CEN, PXI nhích hơn 2%. Các mã tăng tốt hơn có BOT +6,4% lên 5.000 đồng, AMS +5,6% lên 11.300 đồng, PFL +4,8% lên 4.400 đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn là mã thanh khoản cao nhất UpCoM với hơn 5,4 triệu đơn vị, tăng nhẹ 1,1% lên 18.500 đồng.

Tin bài liên quan