Trong phiên hôm qua, thị trường vẫn giao dịch khá ảm đạm từ sớm và có thời điểm VN-Index giảm gần 15 điểm trước khi bật hồi trở lại quanh tham chiếu.
Sau giờ nghỉ trưa, bảng điện tử có phần khởi sắc hơn, mặc dù tâm lý giao dịch thận trọng khiến VN-Index vẫn tiếp diễn trạng thái rung lắc nhẹ sau đó, nhưng áp lực bán đã có dấu hiệu suy yếu, giúp thị trường đảo chiều tăng điểm nhẹ khi đóng cửa lên gần 1.240 điểm.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 25/7, tâm lý nhà đầu tư có phần bị tác động mạnh bởi thị trường bên ngoài, đặc biệt trên Phố Wall đêm qua với đà lao dốc của những cổ phiếu lớn.
Chỉ số VN-Index theo đó mở cửa đã giảm điểm khá nhanh về gần 1.230 điểm và dù có nhịp bật hồi nhẹ, nhưng cũng đã thủng mốc điểm này sau hơn 1 giờ giao dịch khi mà nhóm bluechip gần như đồng loạt giảm và sắc đỏ mở rộng trên bảng điện tử.
Áp lực bán tháo chưa xuất hiện, nhưng việc nhà đầu tư sẵn sàng bán khi có thể là điều dễ nhận thấy trên thị trường và những cổ phiếu vừa và nhỏ, có tính đầu cơ cao vẫn là tâm điểm xả hàng, với những cái tên như QCG, NVT, LDG, RDP đã hoặc có thời điểm giảm sàn. Trong đó, QCG tiếp tục mất thanh khoản, chỉ khớp được hơn 37.000 đơn vị và còn gần 6 triệu đơn vị dư bán giá sàn chất đống.
Thị trường khép lại phiên sáng ảm đạm khi phần lớn nhà đầu tư đã đứng ngoài quan sát, trong khi những người còn tham gia vẫn tiếp tục bán ra. Dù sự quyết tâm xả hàng là không lớn, nhưng việc thủng 1.230 điểm đã phần nào kích hoạt thêm lệnh bán và khiến VN-Index tiếp tục giảm.
Chốt phiên, sàn HOSE có 68 mã tăng và 339 mã giảm, VN-Index giảm 10,61 điểm (-0,86%), xuống 1.227,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 212,7 triệu đơn vị, giá trị 4.909,3 tỷ đồng, giảm 50% về khối lượng và 52% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 10,7 triệu đơn vị, giá trị 326 tỷ đồng.
Nhóm các trụ cột VN30 chỉ còn VIC tăng 2,6% lên 41.950 đồng, cùng hai cái tên khác liên quan là VRE, VHM đứng tham chiếu.
Còn lại đều chìm trong sắc đỏ, nhưng phần lớn chỉ mất điểm nhẹ, ngoài SSI -3% xuống 31.900 đồng, MWG -2,44% xuống 59.900 đồng, CTG -2,2% xuống 31.500 đồng. Các cổ phiếu TCB, STB, MBB, PLX, SSB, POW giảm 1,5% đến 1,9%.
Điểm đáng chú ý là các cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn HOSE đều thuộc nhóm VN30, với VHM, HPG, TCB, STB, ACB, TPB, SHB, VPB, VRE, SSI và MBB khớp từ 4,4 triệu đến hơn 9,8 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với chỉ cổ phiếu TTA đáng kể nhất khi ngược dòng, tăng lên giá trần +7% lên 10.700 đồng, khớp hơn 1,44 triệu đơn vị.
Tăng hơn 2% toàn sàn chỉ có OGC, VPH, HMC, AGG, ABT, TCO, CLL, CSV, CNG, khi nhích 2,07% đến 3,8%.
Trong khi ở chiều ngược lại, QCG vẫn mất thanh khoản, khớp chỉ hơn 38.000 đơn vị và còn dư bán giá sàn tại 6.800 đồng với hơn 6,1 triệu đơn vị.
Cổ phiếu LDG cũng giảm sàn -7% xuống 2.410 đồng, khớp 3,4 triệu đơn vị và còn dư bán sàn tới hơn 18,2 triệu đơn vị.
Dù vậy, giảm mạnh khác cũng không quá nhiều, với chỉ một số cái tên như HAP, SCR, MIG, RDP, PLP, CSM, SMC khi mất 3% đến hơn 4,5%.
Trên sàn HNX, giao dịch cũng ảm đạm, chỉ số HNX-Index sau nhịp cố gắng hồi phục vào giữa phiên cũng đã yếu đi sau đó.
Chốt phiên, sàn HNX có 44 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index giảm 1,89 điểm (-0,80%), xuống 234,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,8 triệu đơn vị, giá trị 354,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,6 triệu đơn vị, giá trị 71,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng kể nhất là NTP khi tăng khá mạnh +6,5% lên 61.000 đồng, khớp 0,82 triệu đơn vị.
Trong số các cổ phiếu thanh khoản cao khác, sắc xanh chỉ còn tại C69, LAS, LIG và CEO, khớp từ 0,41 triệu đến hơn 1,4 triệu đơn vị.
Phần còn lại giảm điểm, dù mức giảm đa số chỉ trên dưới 1,5% như MBS, PVS, TNG, HUT, VTZ, IDC, VFS…
Cổ phiếu SHS -2,4% xuống 16.600 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 4,33 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, dù nhiều cổ phiếu thanh khoản cao vẫn giữ được sắc xanh, nhưng UPCoM-Index vẫn chìm trong sắc đỏ khi kết phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,50%), xuống 94,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,5 triệu đơn vị, giá trị 212,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,21 triệu đơn vị, giá trị 18 tỷ đồng.
Như đã đề cập, những mã khớp lệnh cao phần lớn đều tăng, với PSB dẫn đầu khi tăng trần +14,5% lên 7.900 đồng, khớp 0,25 triệu đơn vị và VGI +10,6% lên 72.900 đồng, khớp 0,36 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu DDV và TTN nhích hơn 5%, còn MSR, TVN, ACV, PHP tăng 3-4%, còn BSR, AAH, VGT, OIL, DRI, AAS tăng điểm nhẹ, với BSR vẫn là mã thanh khoản cao nhất UpCoM khi có hơn 3,1 triệu đơn vị.