Trong phiên hôm qua, thị trường chứng khoán vẫn giao dịch với những phiên tăng, giảm đan xen với biên độ thay đổi của VN-Index gần như chỉ ở mức thấp, chủ yếu do dòng tiền đang bỏ rơi các cổ phiếu trọng số lớn, các bluechip.
Đồng thời, dòng tiền đánh ngắn hạn, thậm chí chỉ là T+ đã lên ngôi và xoay vòng rất nhanh, tập trung ở các cổ phiếu thị giá nhỏ dưới mệnh giá.
Trong phiên này, sức ép từ sắc đỏ lan rộng đã khiến VN-Index rơi về dưới tham chiếu và ngừng rơi khi về gần 1.060 điểm. Thanh khoản đạt hơn 13.700 tỷ đồng, mức cao nhất trong hơn một tháng qua.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 25/5, chỉ số VN-Index tiếp tục dao động trong biên độ hẹp quanh tham chiếu do các bluechip ít biến động.
Hướng đi chính của dòng tiền vẫn tìm đến các cổ phiếu nhỏ, với những cái tên HHP, EVG, DRH, NHA, VIX, VNE, ITA…được quan tâm nhất, với mức tăng từ 3% đến hơn 5%.
Đáng chú ý là cổ phiếu BMP đã có lúc tăng kịch trần lên 79.000 đồng, một số cổ phiếu nguyên vật liệu khác cũng tăng khá với SFH, PHR, DAG nhích 3-4%.
Các mã bất động sản, xây dựng khác cũng đang có mức tăng khá vững chắc như VCG, ASM, TIP, QCG, HHV, BCG, SZC, LHG…khi tăng 2% đến 3%.
Giao dịch trên thị trường vẫn khá sôi động, giúp thanh khoản tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, sắc đỏ lại có phần lấn át trên bảng điện tử, nhưng đa số chỉ mất điểm nhẹ, điều này cũng diễn ra ở các bluechip, khiến VN-Index gần như chỉ dao động quanh tham chiếu với biên độ hẹp đến khi kết phiên.
Chốt phiên, sàn HOSE có 137 mã tăng và 221 mã giảm, VN-Index giảm 1,44 điểm (-0,14%), xuống 1.060,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 325,9 triệu đơn vị, giá trị 5.616,9 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 3% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 33,2 triệu đơn vị, giá trị 755,7 tỷ đồng.
Không có quá nhiều điều để nói ở các bluechip, ngoài mức tăng tốt nhất của GVR +2,8% lên 16.500 đồng, khớp lệnh đạt hơn 3,41 triệu đơn vị. Các mã xanh khác chỉ còn tại MWG, VNM, GAS, BID, BCM, VHM, FPT khi nhích từ 0,1% đến 1,1%.
Ở chiều ngược lại, không mã nào giảm sâu, với PDR mất điểm lớn nhất cũng chỉ -1,8% xuống 13.400 đồng.
Thanh khoản tốt nhất thuộc về STB với hơn 15,4 triệu đơn vị và cũng dẫn đầu khối lượng khớp lệnh toàn thị trường, và cổ phiếu này giảm nhẹ 1,3% xuống 27.050 đồng.
Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu nổi bật nhất là HHP khi có thêm một phiên tăng trần lên 12.900 đồng, với khối lượng giao dịch cao khi có hơn 2,93 triệu đơn vị. Phiên hôm qua, cổ phiếu này cũng đóng cửa ở giá trần và khớp hơn 3,75 triệu đơn vị.
Cổ phiếu khác cũng rất đáng chú ý là BMP, dù không giữ được giá trần nhưng vẫn còn tăng mạnh +5,9% lên 78.700 đồng, khớp 0,62 triệu đơn vị. Một cổ phiếu cùng ngành nhựa khác cũng tăng tốt là DAG +3,2% lên 4.800 đồng,
Cổ phiếu VIX hút giao dịch với khối lượng khớp lệnh đứng thứ ba trên sàn khi có 12,55 triệu đơn vị và tăng 3,1% lên 8.700 đồng. Hôm nay cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức 2022 của VIX bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 20:1 và cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 10:1.
Ở những nơi khác, các cổ phiếu bất động sản, xây dựng như ITC, VCG, QCG, TIP, HHV, BCG, DRH, CIG, ITA tăng từ 1,6% đến gần 3%.
Tương tự như nhiều phiên trở lại đây, dù sắc đỏ có phần chiếm đa số, nhưng nhà đầu tư cũng không bán giá thấp, khiến các mã giảm sâu xuất hiện không nhiều.
Phiên này, các mã thanh khoản tốt mang sắc đỏ có tại nhiều nhóm như xây dựng, thép, công ty chứng khoán, bất động sản, ngân hàng với FCN, HCM, VCI, DXS, NKG, ORS, GEX, TCH, DXG, ACB, DIG, VND, SHB...khớp từ 1,57 triệu đến hơn 12,8 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm cũng đã khiến HNX-Index rơi dần về dưới tham chiếu sau nửa đầu phiên tích cực.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 56 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index giảm 2,77 điểm (-0,13%), xuống 215,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 37,1 triệu đơn vị, giá trị 700,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,4 triệu đơn vị, giá trị 124,3 tỷ đồng.
Một vài mã còn tăng như VC7 +5,4% lên 11.700 đồng, IDC +3,8% lên 41.000 đồng, IVS +4,6% lên 6.800 đồng, trong khi VC2, DTD, VGS, BCC chỉ nhích nhẹ.
Các cổ phiếu giảm điểm có SHS, CEO, PVS, IDJ, MBS, APS nhưng mức giảm cũng chỉ trên dưới 1%, trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn với 5,94 triệu đơn vị.
Khá nhiều cổ phiếu đã lùi về tham chiếu như MBG, TNG, NRC, LIG, MST, DVG, HUT, AMV, khớp từ 0,56 triệu đến 0,73 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nửa đầu phiên giằng co nhẹ cũng đã gặp áp lực gia tăng và lùi hẳn xuống dưới tham chiếu.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,4 điểm (-0,49%), xuống 80,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,33 triệu đơn vị, giá trị 183,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,4 triệu đơn vị, giá trị 55,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu KVC trong phiên giao dịch đầu tiên tại UpCoM đã tăng vọt 30,8% lên 1.700 đồng, khớp lệnh cao nhất với hơn 4,76 triệu đơn vị.
Hai cổ phiếu khác hút nhà đầu tư là MCG và BDT khi tăng trần lên 2.800 đồng và 14.600 đồng, khớp lệnh đều có hơn 0,22 triệu đơn vị mỗi mã.