Trong phiên hôm qua, ngay từ sớm thị trường đã chứng kiến lệnh bán giá thấp ồ ạt khiến VN-Index có thời điểm giảm gần 30 điểm về 1.155 điểm. Lượng lệnh mua bán gia tăng khiến hệ thống giao dịch trên sàn HOSE gặp sự cố và tình trạng loạn giá lại diễn ra.
Sau giờ nghỉ trưa, với khoảng đầu thời thông suốt với lệnh vào và khớp tốt, giúp VN-Index thu hẹp đà giảm, thị trường đã đứng hình và chỉ số gần như đi ngang trong khoảng hẹp 1.161-1.163 điểm cho tới khi đóng cửa.
Thông tin được nhà đầu tư quan tâm nhất là nội dung cuộc phỏng vấn ông Lê Hải Trà, Tổng giám đốc HOSE từ VTV được phát sóng sáng nay.
Theo đó, ông Trà cho biết, theo tính toán, nếu tất cả đều áp dụng lô 1.000 sẽ giảm được khoảng 40 - 50% số lượng lệnh. Giả sử dùng mốc 30.000 đồng/cổ phiếu để ngăn cách và áp dụng lô 1.000 cho cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng/cổ phiếu thì HOSE sẽ giảm được cỡ khoảng hơn 20% số lượng lệnh.
Bên cạnh đó, ông Trà cũng đặt tham vọng rằng, 100 ngày tới sẽ hoàn thành và đưa vào hệ thống dự phòng để giải quyết tình trạng quá tải của HOSE…
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 25/3, đà rơi mạnh của VN-Index trong hôm qua dường như có tín hiệu được chặn lại, khi chỉ số nhanh chóng bật lên trên 1.165 điểm ngay khi mở cửa.
Mặc dù sau đó, áp lực bán quay trở lại khiến chỉ số đổ đèo nhanh về dưới tham chiếu, nhưng tâm lý nhà đầu tư có phần ổn định hơn hôm qua và mỗi nhịp giảm của VN-Index lại là cơ hội gom hàng, qua đó, giúp thị trường có phần cân bằng hơn.
Giao dịch đáng kể vẫn tại cặp đôi FLC và ROS, khi đã gặp áp lực bán chốt lời và đều xuống dưới tham chiếu từ sớm, mất từ 2% đến hơn 4%. Tuy nhiên, vẫn có những "tay to" không muốn sóng FLC dừng lại, mà muốn cổ phiếu này trở về mệnh giá như "lời hứa ngày xưa", nên tung tiền vào, kéo FLC tăng trở lại và đóng cửa phiên đã trở lại được mệnh giá.
Trong khi đó, tân binh SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á chưa hết độ nóng, khi nhảy vọt lên mức giá trần 21.550 đồng ngay khi mở cửa, khớp gần 1,5 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch và có tới gần 4,4 triệu cổ phiếu dư mua giá trần.
Sau nửa đầu phiên giằng co, thị trường có nhịp nảy khá tốt lên trên 1.170 điểm, mặc dù vậy với áp lực bán quay trở lại và sự phân hóa mạnh của nhóm bluechips đã khiến VN-Index không giữ được ngưỡng này khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 210 mã tăng và 228 mã giảm, VN-Index tăng 5,51 điểm (+0,47%), lên 1.167,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 506,1 triệu đơn vị, giá trị 12.143,5 tỷ đồng, giảm 17% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên sáng hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 43 triệu đơn vị, giá trị 1.963,4 tỷ đồng, trong đó, đáng kể là hơn 1.013 tỷ đồng của hơn 18,76 triệu cổ phiếu CVT.
Như đã đề cập, nhóm bluechips phân hóa mạnh, với rổ VN30 có 14 mã tăng, 12 mã giảm cùng HPG, POW, TCH và VHM đứng tham chiếu.
Đáng kể nhất là đà tăng mạnh của VIC, sau phiên lội ngược dòng hôm qua, đã tiếp tục bật 3% trong phiên sáng nay lên 111.100 đồng, khớp hơn 3,2 triệu đơn vị.
Tăng tốt khác chỉ còn STB +2,7% lên 18.900 đồng, khớp 13,79 triệu đơn vị, CTG +1,8% lên 39.700 đồng, khớp 12,5 triệu đơn vị, PNJ +1,7% lên 85.500 đồng, khớp hơn 0,2 triệu đơn vị.
Các mã khác như VJC +1,2%, HDB +1%, NVL +0,9% cùng nhóm ngân hàng VCB, TPB, MBB, BID, TCB tăng nhẹ từ 0,3% đến 0,9%, trong đó, MBB khớp hơn 9 triệu đơn vị, TCB khớp hơn 8 triệu đơn vị…
Ở chiều ngược lại, SBT -2,6% xuống 22.100 đồng là mã giảm sâu nhất. cổ phiếu KDH -1,6% xuống 30.400 đồng, các mã còn lại giảm nhẹ từ 0,3% đến 0,8% như VPB, VRE, REE, PDR, GAS…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, FLC được kéo mạnh từ dưới sắc đỏ, có thời điểm giảm tới 4,3%, nhưng kết phiên tăng 3% lên 10.100 đồng, chính thức về mệnh giá. Giao dịch cũng sôi động nhất thị trường với gần 35 triệu đơn vị khớp lệnh.
Cổ phiếu anh em ROS cũng nhận cầu bắt đáy, nhưng không mạnh như FLC, nên vẫn giảm 2,1% xuống 4.190 đồng, khớp lệnh cũng chỉ đứng sau FLC với hơn 25,6 triệu đơn vị.
Phần còn lại chia đôi ngả với sắc xanh tại LDG, HQC, VIX, TTF, HSG, PVD, HAP, HHS, HCM, CII, khớp từ 2,79 triệu đến gần 11 triệu đơn vị.
Trong khi HNG, DLG, ITA, MSB, HAI, AMD, KBC, GVR, DXG giảm điểm, và RIC vẫn nằm sàn tại 15.750 đồng, tiếp tục mất thanh khoản với chỉ 9.300 đơn vị khớp lệnh và dư bán giá sàn chất đống hơn 370.000 đơn vị.
Tân binh SSB hút mạnh dòng tiền và duy trì sắc tím +6,9% lên 21.550 đồng, khớp gần 1,5 triệu đơn vị và dư mua giá trần tăng lên hơn 4,7 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nửa đầu phiên rung lắc mạnh cũng đã phần nào tìm được sự ổn định khi biến động nhẹ quanh tham chiếu sau đó cho đến khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 52 mã tăng và 111 mã giảm, HNX-Index tăng 0,07 điểm (+0,02%), lên 268,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66,46 triệu đơn vị, giá trị 889,34 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,2 triệu đơn vị, giá trị 47,1 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn có thanh khoản cao tăng điểm gần như chỉ còn SHB +1,1% lên 18.200 đồng là đáng kể, bên cạnh đó là VCS +2,4% lên 91.100 đồng, BVS +0,9% lên 21.700 đồng, S99 +2,7% lên 26.900 đồng.
Còn lại đa số giảm nhẹ như PVS -0,4% xuống 22.600 đồng, SHS -0,7% xuống 27.500 đồng, CEO -0,8% xuống 12.600 đồng, TNG -0,9% xuống 22.600 đồng, AMV -3,1% xuống 12.300 đồng, MBS -0,9% xuống 22.100 đồng.
Một số cổ phiếu nhỏ như DST, TTH, HHG, MPT, SVN tăng kịch trần, trong khi NVB, HUT, BCC, VIG, TIG đứng tham chiếu.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng giằng co mạnh quanh tham chiếu ở nửa đầu phiên và sau đó chững lại, và biến động nhẹ quanh tham chiếu trong phần còn lại của thời gian giao dịch.
Gần như trong các mã thanh khoản tốt nhất chỉ còn SSN giữ sắc tím, +13,9% lên 8.200 đồng và BSR +1,2% lên 16.400 đồng, khớp lệnh hơn 6,4 triệu đơn vị, cao nhất UpCoM, còn lại đều giảm như DDV, G36, PAS, AAS, VGT, PMV, TVB hoặc đứng tham chiếu như ABB, VHG, OIL BVB, CG4…
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,03%), lên 80,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31,4 triệu đơn vị, giá trị 498,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,68 triệu đơn vị, giá trị 109,4 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hơn 1,18 triệu cổ phiếu MCH, giá trị 105,4 tỷ đồng.