Cổ phiếu VNE của Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) có 11 phiên giảm liên tiếp, trong đó có 6 phiên giảm liên tiếp tính tới phiên hôm qua (24/10), mất tới 40% giá trị. Trong chuỗi lao dốc này, ngày 17/10, thị trường ghi nhận 391.500 cổ phiếu VNE của ông Trần Quang Cần, Phó chủ tịch HĐQT VNE đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp. Sau giao dịch, ông Cần giảm nắm giữ VNE còn hơn 6,7 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 8,67% xuống còn 8,19%.
Giải trình về lý do giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp, VNECO cho biết, giá cổ phiếu giảm trong thời gian gần đây nguyên nhân do diễn biến tâm lý chung trên thị trường chứng khoán, đặc biệt tại phiên ngày 17/10 đã tác động trực tiếp tới cổ phiếu VNE.
Việc giao dịch cổ phiếu là do các nhà đầu tư quyết định nằm ngoài sự kiểm soát của VNECO và Công ty không có sự tác động đến giá giao dịch trên thị trường.
Thông tin liên quan VNECO được công bố gần đây không mấy tích cực khi Công ty bị loại khỏi Gói thầu 07-LXACCD Cung cấp, xây dựng và lắp đặt vật tư thiết bị công trình đường dây 110kV Long Xuyên 2 - An Châu - Cái Dầu (bao gồm thí nghiệm đo thông số đường dây) 127 tỷ đồng do không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật.
Ngoài ra, nhiều cổ đông nội bộ và tổ chức liên quan ồ ạt thoái vốn. Cụ thể, ông Trần Văn Huy, Phó tổng giám đốc VNE đã bán 100.000 cổ phiếu trong thời gian từ 19/9 - 13/10 để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Sau giao dịch, ông Huy chỉ còn nắm 4.500 cổ phiếu VNE, tương đương 0,0055%.
Đặc biệt, cổ đông lớn CTCP Malblue, đồng thời là tổ chức có liên quan tới ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT VNECO đăng ký bán 3,6 triệu cổ phiếu VNE trong thời gian từ 12/10 - 9/11. Nếu giao dịch thành công, Malblue giảm sở hữu tại VNECO từ 7,2% xuống còn 3,2% (tương đương hơn 2,9 triệu cổ phiếu). Trước đó, Malblue đã bán tổng cộng 4,6 triệu cổ phiếu VNE từ ngày 13/9 - 3/10.
Có thể do những thông tin này đã ảnh hưởng tới diễn biến cổ phiếu VNE trên sàn. Cổ phiếu này đã có chuỗi giảm liên tiếp kể từ ngày 10/10, trong đó có chuỗi 6 phiên giảm sàn liên tiếp từ 17/10 và chốt phiên hôm qua còn dư bán sàn hơn 3 triệu cổ phiếu.
Tiếp nối đà này, mở cửa phiên sáng nay, VNE tiếp tục bị đẩy xuống mức kịch sàn 6.470 đồng. Tuy nhiên, khác với các phiên trước đó, sau chuỗi giảm mạnh và mất hơn 44% giá trị (kể từ ngày 10/10), lực cầu bắt đáy sáng nay đã nhập cuộc, hấp thụ hết lượng dư bán sàn, sau đó là các lệnh dư bán dưới tham chiếu, kéo VNE có sắc xanh trở lại. Có thời điểm, cổ phiếu này lên mức cao nhất ngày 7.200 đồng, tương đương mức tăng 3,6% (tăng 11,28% so với đáy - mức sàn). Tuy nhiên, áp lực bán vẫn còn lớn trong khi lực mua giá cao không còn được duy trì khiến VNE quay đầu trở lại xuống dưới tham chiếu, đóng cửa với mức giảm 3,6% xuống 6.700 đồng, thanh khoản 8,43 triệu đơn vị, mức kỷ lục.
Trở lại với thị trường chung, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử sau phiên hồi tích cực chiều qua, đặc biệt là nhóm bất động sản vẫn duy trì được phong độ, bên cạnh nhóm ngân hàng, chứng khoán và thép cũng có giao dịch tích cực, giúp VN-Index duy trì đà tăng, chinh phục mốc 1.110 điểm. Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động vẫn cầm chừng khiến đây đang là vùng cản khó vượt, VN-Index theo đó bị đẩy lùi nhẹ trở lại.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 3,32 điểm (+0,3%), lên 1.109,22 điểm với 294 mã tăng và 143 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 253,4 triệu đơn vị, giá trị 5.082 tỷ đồng, tăng 23,8% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 15,5 triệu đơn vị, giá trị 352,2 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản, NVL, PDR và DIG có giao dịch khá tốt cả về giá và thanh khoản, trong khi DXG không giữ được phong độ quay đầu giảm điểm. Trong đó, NVL tăng 2,93% lên 14.050 đồng, khớp 9,95 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau VIX trên sàn HOSE. DIG tăng 0,7% lên 21.450 đồng, khớp 9,7 triệu đơn vị, đứng sau NVL. PDR tăng 3,78% lên 24.700 đồng, khớp 7,87 triệu đơn vị, đứng thứ 5 sau VNE về thanh khoản.
Trong khi đó, tăng mạnh nhất nhóm xây dựng, bất động sản vẫn là CTD, dù không có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp. Chốt phiên sáng, CTD tăng 4,73% lên 55.400 đồng, tiếp đến là VRC tăng 4,29% lên 8.020 đồng. Có mức tăng ở giữa PDR và NVL là HAR với 3,01% lên 3.760 đồng.
Không chỉ nhóm bất động sản, nhóm chứng khoán cũng có giao dịch tích cực sáng nay. Trong đó, VIX có thanh khoản tốt nhất sàn với 13,56 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,7%, lên 14.950 đồng. Trong khi đó, SSI tăng 0,64% lên 31.250 đồng, khớp 7,12 triệu đơn vị; VND tăng 1,52% lên 20.050 đồng, khớp 6,65 triệu đơn vị.
Nhóm ngân hàng cũng có sắc xanh chiếm ưu thế, dù mức biến động giá không lớn. Trong đó, MSB và OCB là 2 mã có mức tăng tốt nhất cùng tăng 1,15% cùng lên 13.150 đồng, trong khi HDB giảm mạnh nhất nhóm cũng chỉ mất 1,14% xuống 17.350 đồng.
Nhóm thép cũng giao dịch tích cực khi chủ yếu tăng giá, trong đó HPG tăng 1,88% lên 24.450 đồng, khớp cao nhất nhóm 6,77 triệu đơn vị. Tiếp đến là HSG khớp 3,04 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,98% lên 18.050 đồng.
Sàn HNX cũng có giao dịch tích cực tương tự với sự dẫn dắt của nhóm chứng khoán, dầu khí và bất động sản, nhưng đà tăng cũng hạ nhiệt trong nửa cuối phiên.
Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 0,89 điểm (+0,39%), lên 229,79 điểm với 79 mã tăng và 45 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,4 triệu đơn vị, giá trị 830,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 10 triệu đơn vị, giá trị 207 tỷ đồng.
Trên sàn này, ấn tượng nhất về giá là PVC khi có lúc đã được kéo lên mức trần 14.300 đồng trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng và cổ phiếu phát hành thêm. Chốt phiên, dù không giữ được sắc tím, nhưng PVC cũng tăng 9,23% lên 14.200 đồng, khớp 1,29 triệu đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản trên sàn.
Một mã dầu khí khác là PVS cũng sắp đến ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức (ngày 26/10) cũng có mức tăng 0,26% lên 38.200 đồng, khớp 1,21 triệu đơn vị.
Trong khi đó, SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX với 12,83 triệu đơn vị, vượt trội so với phần còn lại, đóng cửa tăng 1,21% lên 16.700 đồng. Trong khi mã có thanh khoản thứ 2 là CEO khớp 3,68 triệu đơn vị, lại không giữ được sắc xanh khi đóng cửa giảm 0,95% xuống 20.800 đồng.
Một mã khác có mức tăng giá tốt sáng nay và nằm trong nhóm 8 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là IDJ khi tăng 6,9% lên 6.200 đồng, có lúc đã chạm trần 6.300 đồng.
Thị trường UPCoM cũng có được sắc xanh trong phiên sáng nay, dù đầu phiên giằng co nhẹ quanh tham chiếu.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,26%), lên 85,77 điểm với 129 mã tăng và 59 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10,4 triệu đơn vị, giá trị 171 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Sáng nay UPCoM chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BSR và VGI. Trong đó, BSR đứng đầu với 3,32 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,5% xuống 19.900 đồng, còn VGI khớp 1,7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,93% lên 29.100 đồng.