Trong phiên cuối tuần trước, dòng tiền nhập cuộc sôi động từ sớm giúp bảng điện tử tràn ngập sắc xanh. Tuy nhiên, lực cầu giá cao vẫn chưa xuất hiện khiến VN-Index chỉ lình xình tăng.
Mặc dù vậy, sự tự tin hơn đã trở lại, với lực mua gia tăng mạnh và lan rộng thị trường giúp VN-Index bay cao, tăng hơn 13 điểm lên trên 1.185 điểm khi đóng cửa với thanh khoản có thêm phiên trên 20.000 tỷ đồng.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 17,5 điểm (+1,5%), lên 1.185,9 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt hơn 89.670,6 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,1% so với tuần trước, khối lượng giao dịch tăng nhẹ 0,2% và vẫn duy trì trên mức trung bình 20 phiên.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 24/7, chỉ số VN-Index bật tăng gần 10 điểm lên 1.193 điểm ngay khi mở cửa nhờ một số mã lớn tìm được lực cầu giá cao. Tuy vậy, ngưỡng điểm không giữ được lâu khi chỉ số lùi nhẹ về dưới vùng 1.190 điểm khi nhóm VN30 dần phân hóa.
Giao dịch đáng chú ý nhất tại NVL, khi sớm tăng kịch trần lên 16.200 đồng và dù có chút thoái lui sau đó nhưng vẫn ở quanh mức tăng 6%, khớp lệnh vượt xa phần còn lại với gần 63 triệu đơn vị chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch và nếu với ‘tốc độ’ khớp lệnh này, cổ phiếu NVL hoàn toàn có thể vượt qua phiên kỷ lục gần 130 triệu đơn vị ngày 22/11/2022.
Thông tin mới liên quan đến NVL gần đây có việc cổ đông lớn là CTCP NovaGroup đã bị bán khớp lệnh hơn 2,1 triệu cổ phiếu NVL và giảm sở hữu tại Novaland xuống còn 451,6 triệu cổ phần, tỷ lệ 23,159%.
Mặt khác, gần đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản về ý tưởng quy hoạch Khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao Nguyên Lâm Viên tại huyện Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc gửi tới Sở Xây dựng, Novaland và các đơn vị liên quan.
Theo đề xuất của NVL trước đó, Công ty sẽ đầu tư xây dựng một khu đô thị phức hợp trên diện tích 30.000 ha, bao gồm nhà ở, biệt thự du lịch, trung tâm thương mại, trường học, công viên cây xanh tại địa điểm trên, Tổng mức đầu tư cho dự án lên tới khoảng 10 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu CTD bị bán khá mạnh, đang mất hơn 5%, sau khi công bố ước kết quả kinh doanh quý II với doanh thu tăng khoảng 12% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế đạt 53 tỷ đồng, tăng 12%.
Giao dịch trên thị trường vẫn rất sôi động, nhưng chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi nhóm bluechip bị ‘bỏ quên’ khiến VN-Index không thể tiến xa mà chỉ lình xình gần ngưỡng 1.190 điểm trong phiên còn lại của phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 290 mã tăng và 149 mã giảm, VN-Index tăng 2,71 điểm (+0,23%), lên 1.188,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 537 triệu đơn vị, giá trị 10.595,5 tỷ đồng, hơn 33% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 27,5 triệu đơn vị, giá trị 768,2 tỷ đồng.
Không có quá nhiều điều để nói ở các bluechip phiên sáng nay, khi phân hóa mạnh, nhưng biên độ tăng, giảm phần lớn ở mức thấp.
Trong đó, những sắc xanh thuộc về VRE, MWG, CTG, BID, SAB, MSN, GVR…với mức tăng từ 0,2% đến hơn 1% và PDR nhích 2,2% lên 21.250 đồng. Trong khi ở chiều ngược lại, chỉ duy nhất GAS giảm 1%, còn lại VHM, TCB, HCM, BVH, VJC, VIB, PLX chỉ giảm nhệ, cùng với đó, HPG, MBB và VIC đứn tham chiếu.
Dù vậy, điểm nhấn chính của nhóm và toàn thị trường là cổ phiếu NVL, khi có thời điểm đã tăng kịch trần, trước khi kết phiên còn +6,3% lên 16.100 đồng, khớp lệnh đạt tới gần 70 triệu đơn vị, cao nhất sàn và bỏ xa phần còn lại.
Đà tăng tốc của NVL đã kéo theo không ít các cổ phiếu bất động sản, xây dựng khác khởi sắc hơn, như những cái tên CIG, PHC, VPH và VCG tăng kịch trần, với VCG khớp được hơn 10,7 triệu đơn vị.
Tăng mạnh khác ở nhóm trên còn LDG +5,3% lên 5.790 đồng, LCG +5,1% lên 14.500 đồng, KDH +4,4% lên 34.300 đồng, FCN +3,8% lên 17.800 đồng, HHV +3,5% lên 16.400 đồng, TDH +3,1% lên 5.260 đồng, EVG +3% lên 6.600 đồng. Các mã LGL, ASM, TCD, NTL, GEX, DXG nhích từ 2% đến hơn 2,5%. Các cổ phiếu DIG, BCG, CII, SCR, HQC, TCH, DRH cũng có được sắc xanh, thanh khoản thuộc top cao nhất sàn với khối lượng khớp lệnh từ 2,97 triệu đến hơn 17,2 triệu đơn vị.
Ở những nơi khác, một số cổ phiếu riêng lẻ ở các nhóm công ty chứng khoán, logistics, nguyên vật liệu, nông nghiệp, dịch vụ có mức tăng đáng kể như TVS tăng trần +7% lên 24.600 đồng, PAN +6,3% lên 22.850 đồng, BMC +4% lên 15.600 đồng, CTS +3,7% lên 25.050 đồng, GMD +3,7% lên 59.600 đồng, NAF +3,2% lên 14.450 đồng, SCS +3,2% lên 71.100 đồng, ABS +3,1% lên 7.920 đồng…
Ở chiều ngược lại, lực cung giá thấp tiếp tục được tiết giảm, khi phần lớn các cổ phiếu đều không giảm sâu, ngoại trừ cổ phiếu CTD, khi có thời điểm giảm sàn, trước khi kết phiên -5,4% xuống 74.900 đồng, khớp hơn 1,83 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu đảo chiều hoặc nới đà tăng đã kéo HNX-Index trở lại sau khi chớm đỏ đầu phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 87 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 1,89 điểm (+0,80%), lên 236,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65,5 triệu đơn vị, giá trị 1.104,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,28 triệu đơn vị, giá trị 3,5 tỷ đồng.
Một số cổ phiếu tăng đáng kể như VC2 khi chạm giá trần +9,6% lên 16.000 đồng, SCI tăng trần +9,5% lên 15.000 đồng, TAR cũng đã có lúc tăng trần, trước khi kết phiên +8,7% lên 19.900 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn khi có 4,81 triệu đơn vị. Các cổ phiếu PLC +6,3% lên 40.700 đồng, S99 +5,3% lên 9.900 đồng, C69 +4,5% lên 11.700 đồng…
Cổ phiếu SHS phiên này thanh khoản cao nhất sàn với 11,93 triệu đơn vị và tăng 2% lên 15.000 đồng.
Giao dịch đáng kể khác là CEO, khi mở cửa trong sắc đỏ và có thời điểm giảm sàn, nhưng đã trồi sụt, có thời điểm đã hồi phục lên sắc xanh, trước khi kết phiên giảm nhẹ -0,6% xuống 17.900 đồng, khớp hơn 4 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, phần lớn những cổ phiếu thanh khoản tốt đã kết phiên tăng điểm đã giúp UpCoM-Index đứng vững trên tham chiếu sau nửa đầu phiên rung lắc.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,4 điểm (+0,46%), lên 88,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,56 triệu đơn vị, giá trị 492 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,16 triệu đơn vị, giá trị 1,64 tỷ đồng.
Các cổ phiếu tăng mạnh có LTG +8% lên 38.000 đồng, DGT +7,6% lên 8.500 đồng, PAS +7,5% lên 5.700 đồng.
Các cổ phiếu BSR, C4G, G36, MSR, HHG nhích từ 2% đến hơn 4%, trong đó, BSR và C4G khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có lần lượt 4,96 triệu và 4,79 triệu đơn vị khớp lệnh.