Giao dịch chứng khoán phiên sáng 23/7: Chưa thể hồi phục

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 23/7: Chưa thể hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý giao dịch thận trọng vẫn đang chiếm lĩnh thị trường, ngay cả khi hai phiên giảm khá mạnh gần nhất cũng không đủ giúp bảng điện tử có tín hiệu hồi phục kỹ thuật.

Trong phiên hôm qua, sau khi để thủng hỗ trợ 1.250 điểm vào cuối phiên sáng, thị trường tiếp tục lùi bước sau giờ nghỉ trưa. Tuy nhiên, VN-Index chỉ giảm thêm đôi chút trước khi ngưỡng hỗ trợ trên thêm một lần phát huy tác dụng và kéo chỉ số dần thu hẹp đà giảm.

Thậm chí có thời điểm đã chạm gần 1.260 điểm, trước khi bị đẩy ngược trở lại ở những phút cuối.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 23/7, tưởng chừng hai liên tiếp hai phiên giảm mạnh sẽ khiến lực cầu bắt đáy gia tăng, nhưng điều này chỉ diễn ra trong hơn 1 giờ đồng hồ sau khi thị trường mở cửa, sau đó áp lực bán đã quay trở lại và khiến VN-Index đảo chiều xuống dưới tham chiếu, với sắc đỏ lan rộng trên bảng điện tử dù lực cung giá thấp chưa dày đặc như phiên hôm qua.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất vẫn là QCG, khi thêm một phiên giảm sàn từ sớm xuống 7.850 đồng và một bộ phận nhà đầu tư đã bắt “dao rơi” khi khớp hơn 0,3 triệu đơn vị và vẫn còn dư bán sàn hơn 6,5 triệu đơn vị.

Tương tự là một số cổ phiếu vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao khác như KPF, RDP cũng đã sớm giảm sàn.

Trong khi cổ phiếu CSV và STK cũng có thời điểm giảm sàn, trước khi thu hẹp đôi chút đà giảm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Giao dịch vẫn trầm lắng, thanh khoản sụt giảm mạnh, còn VN-Index cũng bật lên từ hỗ trợ 1.250 điểm nhưng không đủ giúp chỉ số này chạm tham chiếu.

Chốt phiên, sàn HOSE có 154 mã tăng và 228 mã giảm, VN-Index giảm 0,72 điểm (-0,06%), xuống 1.253,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 208,4 triệu đơn vị, giá trị 5.245,8 tỷ đồng, giảm 60% về khối lượng và 55% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 27 triệu đơn vị, giá trị 720 tỷ đồng.

Nhóm các trụ cột VN30 phân hóa mạnh, nhưng biên độ thay đổi về giá lại chỉ ở mức thấp. Trong đó, giảm mạnh nhất là MBB và MWG cũng chỉ mất hơn 1,6% xuống 24.800 đồng và 64.200 đồng. Ở chiều ngược lại, FPT dẫn đầu khi +2,4% lên 127.100 đồng, VRE nhích 1,3% lên 20.300 đồng.

Thanh khoản MBB cao nhất nhóm với chỉ hơn 10 triệu đơn vị và con số này cũng đủ để dẫn đầu khối lượng khớp lệnh toàn sàn HOSE.

Theo sau với những HDB, HPG, ACB, SHB, VRE và TCB cũng chỉ khớp được từ hơn 3,1 triệu đến hơn 4,3 triệu đơn vị.

Nhóm các mã vừa và nhỏ đa phần cũng hoạt động kém, với chỉ lác đác một vài cái tên tích cực nhất như CSM +4,5% lên 15.000 đồng, VOS +3,3% lên 17.200 đồng, NO1 +3% lên 7.110 đồng. Các mã HTV, NNC, HRC, HTL, SRC dù tăng mạnh, nhưng thanh khoản thấp.

Ở phía bên kia, cổ phiếu QCG vẫn nằm sàn tại 7.850 đồng, khớp lệnh dừng lại ở mức 0,31 triệu đơn vị và vẫn còn hơn 6,8 triệu đơn vị giá sàn không thể khớp.

Hai cổ phiếu khác cũng chạm giá sàn khi kết phiên này là STK và KPF. Giảm mạnh khác còn DCL, SMC, YEG, DGC, CSV, TVS, RDP khi để mất từ 3% đến hơn 6,5%.

Trên sàn HNX, áp lực bán không quá mạnh, nhưng giao dịch cũng ảm đạm khiến HNX-Index lùi về dưới tham chiếu sau nửa đầu phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 48 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index giảm 0,72 điểm (-0,30%), xuống 237,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,9 triệu đơn vị, giá trị 2704, tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,39 triệu đơn vị, giá trị 103,2 tỷ đồng.

Giao dịch trầm lắng khi khớp lệnh cao nhất sàn là hai cổ phiếu MBS và SHS cũng có chỉ 1,04 triệu và 1,48 triệu đơn vị.

Giá các cổ phiếu cũng gần như ít thay đổi, với SHS, DVM, DTD, LAS, VTZ, IDC, HUT, BVS chỉ mất trên dưới 1%, trong khi MBS, PVS, PVC, VGS cũng chỉ tăng nhẹ.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng có diễn biến tương tự hai chỉ số chính, khi đảo chiều giảm xuống dưới tham chiếu ở nửa sau của phiên, dù mức giảm cũng không lớn.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,32 điểm (-0,34%), xuống 95,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,7 triệu đơn vị, giá trị 216,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,65 triệu đơn vị, giá trị 54,8 tỷ đồng.

Các cổ phiếu thanh khoản cao đều giảm điểm, dù may mắn là đa phần chỉ giảm nhẹ, như VEA, DDV, VGT, OIL, BVB, BSR chỉ mất 1-3%, nhưng hai mã giảm đáng kể là TVN -6,3% xuống 9.000 đồng và VGT giảm sàn -14,9% xuống 72.400 đồng, khớp hơn 2,47 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan