Giao dịch chứng khoán phiên sáng 23/5: PLX tăng vọt, nhưng nhà đầu tư quan tâm hơn đến các mã nhỏ

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 23/5: PLX tăng vọt, nhưng nhà đầu tư quan tâm hơn đến các mã nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường tiếp tục chững lại khi chỉ số vẫn chỉ đang ngấp nghé dưới vùng đỉnh gần nhất, giao dịch cũng trở nên thận trọng hơn, chưa xuất hiện nhóm ngành nào dẫn dắt để nhìn ra xu hướng. Nhưng điểm nhấn là vẫn có, khi sáng nay bluechip PLX bất ngờ tăng tốc, trong khi các mã bất động sản vừa và nhỏ cũng hút dòng tiền.

Trong phiên hôm qua, VN-Index đã nỗ lực tiếp cận ngưỡng kháng cự 1.280 điểm từ rất sớm, nhưng chưa đủ “sức mạnh” để vượt qua, thậm chí áp lực bán đã gia tăng khiến chỉ số đảo chiều và có thời điểm nới rộng đà đi xuống, về gần 1.260 điểm trước khi thu hẹp đôi chút đà giảm về cuối phiên.

Điểm tích cực vẫn là thanh khoản duy trì ở mức cao với hơn 1,1 tỷ cổ phiếu khớp lệnh, giá trị giao dịch gần 28.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trên HOSE, cho thấy dòng tiền vẫn tham gia sôi động trên thị trường.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 23/5, nhà đầu tư đã sớm lưỡng lự, khiến bảng điện tử sớm trở nên phân hóa và VN-Index theo đó giằng co, rung lắc trong biên độ hẹp và kéo dài trạng thái này sau hơn 1 giờ giao dịch.

Một vài điểm nhấn đáng chú ý như bluechip PLX khi bất ngờ tăng kịch trần +6,9% lên 40.300 đồng và khớp hơn 4,33 triệu đơn vị khi chưa kết thúc phiên sáng, nhưng đã xác lập mức cao nhất kể từ giữa tháng 3 năm ngoái.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ với những cái tên ở ngành bất động sản, xây dựng như SGR, HDG, CTI, HQC, PC1 và QCG nhích 3% đến hơn 6%. Trong đó, hai cổ phiếu PC1 và HQC đang khớp lệnh thuộc nhóm cao nhất sàn HOSE.

Nhóm một số cổ phiếu công nghệ nhận hiệu ứng bên ngoài và đồng loạt tăng khá với ICT, ITD, ELC, CMG tăng 3-5%, nhưng thanh khoản chưa gây ấn tượng.

Giao dịch vẫn trong trạng thái khá ảm đạm và thận trọng từ nhà đầu tư, khi đâu đó lực mua thăm dò túc tắc hoạt động và ở chiều ngược lại là tranh thủ tái cơ cấu danh mục, nhưng áp lực bán để dịch chuyển dòng tiền không quá lớn. Chỉ số VN-Index vẫn giằng co ở nửa sau của phiên và tạm thời nghỉ trưa trong sắc đỏ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 149 mã tăng và 265 mã giảm, VN-Index giảm 2,56 điểm (-0,20%), xuống 1.264,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 435,2 triệu đơn vị, giá trị 10.807,3 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 19,2 triệu đơn vị, giá trị 435,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu lớn đáng chú ý nhất vẫn là PLX khi giữ vững mức giá trần +6,9% lên 40.300 đồng, khớp lệnh hơn 4,6 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 4 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác trong rổ VN30 chia đôi ngả và phần lớn chỉ biến động nhẹ về giá, với GAS nhích 2,5% lên 87.500 đồng, HPG tăng 1,4% lên 28.850 đồng, khớp lệnh hơn 20,7 triệu đơn vị trong ngày giao dịch không hưởng quyền phát hành cổ phiếu tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 10:1.

Những cổ phiếu giảm điểm có MWG, HDB, SSI, FPT, VRE khi giảm 1% đến 1,5%, trong khi các mã giảm khác giảm nhẹ như SHB, TPB, MSN, VIC, VHM, VIB, CTG…

Các cổ phiếu vừa và nhỏ tăng điểm tốt đầu phiên phần lớn đã thu hẹp đà tăng về cuối phiên và chỉ còn một vài mã giữ được đà tăng cao như CNG +4,5% lên 34.050 đồng, các cổ phiếu công nghệ ELC +4,4% lên 28.500 đồng, ITD +4,4% lên 11.900 đồng, CMG +3,3% lên 63.200 đồng, cổ phiếu ngành điện PC1 +4,3% lên 29.150 đồng…

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VND bất ngờ vươn lên khớp lệnh cao nhất sàn với gần 22 triệu đơn vị, giá cổ phiếu giảm nhanh và mất 4,5% xuống 20.350 đồng.

Giảm đáng kể khác còn VIX, SMC, BCG, HPX, APH, DXS khi mất từ 2,5% đến hơn 3%...

Trên sàn HNX, lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến HNX-Index đảo chiều giảm về dưới tham chiếu, dù mức giảm cũng chỉ dừng lại ở mức thấp.

Chốt phiên, sàn HNX có 62 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index giảm 0,4 điểm (-0,16%), xuống 244,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 62,6 triệu đơn vị, giá trị 1.316,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 72 tỷ đồng.

Các cổ phiếu LIG, NTP, API, PVC và KSQ phiên này hút dòng tiền, khi đều có thời điểm đã tăng trần, nhưng chỉ LIG và NTP giữ được sắc tím khi kết phiên, còn lại đều hạ độ cao, thậm chí KSQ còn giảm 6,8% xuống 4.200 đồng, API về tham chiếu tại 7.900 đồng.

Các cổ phiếu lớn phân hóa và ít biến động về giá với SHS, CEO, MBS giảm nhẹ, trong khi PVS, HUT, IDC nhích trên dưới 1%.

Thanh khoản SHS phiên sáng nay vẫn cao nhất và bỏ xa phần còn lại với hơn 14,7 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đảo chiều giảm về cuối phiên sau nửa đầu phiên sáng khởi sắc.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,19%), xuống 94,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,9 triệu đơn vị, giá trị 741,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,95 triệu đơn vị, giá trị 23,7 tỷ đồng.

Phiên này, cổ phiếu BSR trở lại với vị trí dẫn đầu thanh khoản, khi khớp được hơn 14,1 triệu đơn vị, giá cổ phiếu cũng tăng mạnh +7,1% lên 22.600 đồng.

Các mã khác đáng kể như SDD tăng trần +14,3% lên 2.400 đồng, HHG tăng hơn 9%, OIL tăng gần 7%, các mã C4G, DGT, MSR, KVC, TVN tăng trên dưới 4%.

Tin bài liên quan