Giao dịch chứng khoán phiên sáng 22/8: Nhà đầu tư chậm lại, thị trường rung lắc

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 22/8: Nhà đầu tư chậm lại, thị trường rung lắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực có phần gia tăng trên bảng điện tử và thanh khoản suy yếu thấy rõ trên bảng điện tử, nhưng diễn biến này không bất ngờ khi VN-Index đã trải qua liên tiếp bốn phiên tích cực tăng tổng cộng hơn 50 điểm.

Trong phiên hôm qua, áp lực chốt lời xuất hiện từ sớm khiến thị trường gặp rung lắc với biên độ hẹp trong suốt cả phiên sáng.

Tuy nhiên, sau giờ nghỉ trưa, bên mua đã tự tin xuống tiền, giúp nhiều mã nới rộng đà tăng, qua đó kéo VN-Index bứt tốc chinh phục mốc 1.280 điểm, vượt hẳn lên trên dải bollinger, vốn đang mở rộng, báo hiệu một đợt biến động mạnh của thị trường sắp diễn ra.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 22/8, không đáng ngạc nhiên khi thị trường liên tiếp đã tăng điểm mạnh trong bốn phiên liên tiếp và khiến áp lực rung lắc xuất hiện từ khá sớm.

Nhưng nhà đầu tư vẫn đang cầm khá chắc hàng, trong khi cũng không có lý do để bán giá thấp và VN-Index theo đó chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch. Cũng có nghĩa là giao dịch đang khá cầm chừng khiến thanh khoản thị trường trở lại mức thấp và không có nhóm ngành nào nổi bật trên bảng điện tử.

Một vài cái tên riêng lẻ đáng kể như các bluechip TCB, VRE khi khớp lệnh đang dẫn đầu sàn HOSE và đều tăng điểm, với VRE có phần vượt trội khi đứng vững ở mức trên 3%, trong khi TCB nhích nhẹ hơn 1,5%.

Một số những cái tên khác ở nhóm ngân hàng, thép, công ty chứng khoán, bất động sản, bao gồm cả những bluechip đang thu hút dòng tiền, khớp lệnh cao như CTG, VPB, MBB, VIB, VIX, VND, HPG, HSG, NVL, DIG…nhưng ít thay đổi về giá.

Giao dịch không có nhiều điểm nhấn ở nửa sau của phiên, khi dòng tiền dừng lại ở mức thấp, nhà đầu tư đứng lại quan sát, tìm kiếm các tín hiệu mới và khả năng phải chờ sang đến phiên chiều, khi lượng lớn cổ phiếu trong các phiên tăng trước tiếp tục dồn về tài khoản.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 164 mã tăng và 228 mã giảm, VN-Index tăng 0,72 điểm (+0,06%), lên 1.284,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 322 triệu đơn vị, giá trị 7.124,5 tỷ đồng, giảm 26% về khối lượng và 32% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,9 triệu đơn vị, giá trị 360 tỷ đồng.

Dù thị trường nhìn chung khá ảm đạm, nhưng vẫn có những điểm nhấn riêng lẻ. Trong đó, nhóm bluechip nổi lên cổ phiếu VRE khi tăng vọt 5,3% lên 19.900 đồng, khớp lệnh cao nhất rổ VN30, đồng thời dẫn đầu toàn thị trường với hơn 17 triệu đơn vị.

Hai cái tên khác trong rổ bluechip nổi bật khác là SSB khi +3,5% lên 22.400 đồng, khớp 2,29 triệu đơn vị và cái tên lớn hơn là TCB +2,5% lên 22.500 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau VRE trên sàn với hơn 14,1 triệu đơn vị.

Ở những nơi khác, các bluechip còn giữ được sắc xanh còn FPT, VIC, TPB, VHM, CTG, PLX, VIB với mức tăng nhẹ. Trong khi ở chiều ngược lại, VCB, MBB, GAS, MWG, SSI, HDB, BID, HPG, VNM chìm trong sắc đỏ, nhưng cũng chỉ mất điểm không đáng kể.

Các cổ phiếu vừa và nhỏ phần lớn ảm đạm, ngoại trừ một vài cái tên riêng lẻ như VRE tăng trần +6,9% lên 4.660 đồng, nhưng chỉ khớp được hơn 0,23 triệu đơn vị, SGR +4,4% lên 34.500 đồng, khớp 0,42 triệu đơn vị; CMG +3,8% lên 54.600 đồng, khớp 1,23 triệu đơn vị; BMP +3,4% lên 106.900 đồng, khớp 0,23 triệu đơn vị và NVL +2,4% lên 12.900 đồng, khớp lệnh đứng thứ ba toàn sàn với 11,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tạm nghỉ giảm điểm nhẹ sau những nhịp rung lắc đầu phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 55 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index giảm 0,28 điểm (-0,12%), xuống 238,13 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,8 triệu đơn vị, giá trị 467,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,15 triệu đơn vị, giá trị 78,5 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa mạnh và biên độ thay đổi về giá ở những cổ phiếu lớn hoặc thanh khoản cao đều chỉ dừng lại ở mức thấp.

Theo đó, những cái tên như CEO, MBS, VTZ, API, BVS, NTP, VCS tăng điểm nhẹ, trong khi PVS, IDC, LAS, TNG, HUT, VGS, LD1 giảm, còn SHS, TIG, NRC, ID đứng giá tham chiếu.

Trong đó, CEO vươn lên dẫn đầu thanh khoản trên sàn với hơn 5,09 triệu đơn vị khớp lệnh, theo sau là SHS với 3,34 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index sau nửa đầu phiên nỗ lực giữ sắc xanh nhạt cũng đã yếu đi khi lực cung gia tăng, khiến chỉ số này đảo chiều lùi về dưới tham chiếu, nhưng số điểm mất đi cũng không đáng kể.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,05%), xuống 94,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,8 triệu đơn vị, giá trị 284,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,18 triệu đơn vị, giá trị 5 tỷ đồng.

Các cổ phiếu thu hút nhà đầu tư là SBB +7,2% lên 16.300 đồng, MSR +5,6% lên 13.300 đồng, PHP +4% lên 28.700 đồng, SBS +3,6% lên 5.700 đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu BSR -0,4% xuống 24.200 đồng, khớp lệnh vẫn là mã cao nhất UPCoM với 2,85 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan