Giao dịch chứng khoán phiên sáng 22/7: Các cổ phiếu vừa và nhỏ đang chịu áp lực bán gia tăng

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 22/7: Các cổ phiếu vừa và nhỏ đang chịu áp lực bán gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dường như tuần giảm điểm khá mạnh vừa qua chưa đủ kích hoạt lực cầu bắt đáy trong phiên đầu tuần mới. Trái lại, nhà đầu tư có phần mất kiên nhẫn và quay sang bán giá thấp các cổ phiếu vừa và nhỏ ở nhiều nhóm ngành.

Thị trường khép lại phiên cuối tuần với mức giảm gần 10 điểm khi chịu áp lực chốt lời bởi lượng cổ phiếu giá rẻ trong phiên 17/7 về tài khoản, đã đẩy VN-Index về mức thấp nhất trong 13 phiên giao dịch nhưng vẫn trong vùng giá khá an toàn 1.260 -1.265 điểm.

Kết thúc cả tuần giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 15,97 điểm (-1,25%), xuống 1.264,78 điểm. Thanh khoản khớp lệnh trên HOSE tăng hơn 11,5% so với tuần trước.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 22/7, thị trường nhanh chóng bị đẩy ngược xuống dưới tham chiếu rất nhanh và chỉ khi về dưới 1.255 điểm mới bật trở lại. Nhưng đà đi lên cũng chỉ dừng lại ở gần vùng tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch nhờ một nửa trong nhóm VN30 duy trì được sắc xanh.

Trong khi đó, áp lực bán vẫn tương đối mạnh ở nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ, như KPF, TVS, STK và QCG, khi đều đang giảm sàn. Trong đó, QCG mất thanh khoản, chỉ khớp vỏn vẹn chưa đến 20.000 đơn vị và còn hơn 6,4 triệu đơn vị dư bán giá sàn.

Nhiều mã khác cũng đang giảm sâu đi kèm thanh khoản tương đối cao, chủ yếu là các mã bất động sản, xây dựng, công ty chứng khoán, vận tải, như TCH, NVL, DCL, VNE, SHI, CRE, DPG, VTO, PC1, HCD, VIX, HDG, VOS, CTS khi mất 3% đến hơn 6%. Ngay cả những cái tên ở nhóm hóa chất, phân bón – vốn duy trì đà tăng gần đây cũng bị bán mạnh như BFC, SFG, CSV, giảm 3% đến 4%.

Áp lực bán ngày một mạnh lên trên diện rộng, ngay cả nhóm VN30 cũng đã xuất hiện nhiều sắc đỏ hơn. Chỉ số VN-Index theo đó đã nới rộng đà giảm về gần hỗ trợ mạnh 1.250 điểm.

Tại ngưỡng điểm này, lực bán có phần chững lại và tưởng chừng đà hồi phục sẽ tiếp diễn, nhưng nhiều nhà đầu tư quyết tâm xả hàng đã khiến chỉ số thêm một nhịp đi xuống vào cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HOSE có 65 mã tăng và 370 mã giảm, VN-Index giảm 15,69 điểm (-1,24%), xuống 1.249,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 530 triệu đơn vị, giá trị 11.748,5 tỷ đồng, tăng 56% về khối lượng và 44% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 63,2 triệu đơn vị, giá trị 1.324 tỷ đồng.

Nhóm bluechip chỉ còn SAB nhích nhẹ hơn 1%, cùng một số ít các cổ phiếu khác tăng nhẹ như TPB, MSN, VCB, VNM, SSB, CTG, trong khi VIB, POW đứng tham chiếu. Trong đó, TPB khớp lệnh cao nhất nhóm với 22,2 triệu đơn vị.

Còn lại đều chìm trong sắc đỏ, với GVR dẫn đầu đà giảm khi để mất 4,5% xuống 32.950 đồng. Theo sau là BVH -3,3% xuống 44.250 đồng, các mã FPT, MBB, PLX, BCM, MWG mất 2% đến 2,4%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đa số bị bán mạnh với những cái tên như KPF, TVS, QCG, STK, SFG, CTS, CMX, TDG, VDS, DPG, NVL, DLG đồng loạt giảm sàn và gần như đều trắng bên mua. Trong đó, NVL khớp lệnh cao nhất sàn phiên này khi có hơn 23,8 triệu đơn vị. Đối với QCG, cổ phiếu này chỉ khớp hơn 57.000 đơn vị và dư bán sàn hơn 6,2 triệu đơn vị và

Giảm sâu khác còn tương đối nhiều, và vẫn là những cái tên quen thuộc ở các nhóm bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp, điện, công ty chứng khoán, dược phẩm, hóa chất, vận tải, đi kèm thanh khoản cao như DCL, HHS, TV2, VMD, CCL, PC1, BSI, VTO, HCD, HDG, CSV, VIX, CTR, DGC, APS, VOS, HTN, khi giảm 5% đến hơn 6%.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi lực bán dần mạnh lên về cuối phiên đẩy HNX-Index về các mức điểm thấp hơn.

Chốt phiên, sàn HNX có 42 mã tăng và 124 mã giảm, HNX-Index giảm 3,75 điểm (-1,56%), xuống 236,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 47,9 triệu đơn vị, giá trị 963,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,93 triệu đơn vị, giá trị 97,3 tỷ đồng.

Trong số các mã lớn, gần như chỉ còn SHS tăng điểm với khối lượng khớp lệnh đáng kể với hơn 13,8 triệu đơn vị, dù giá cổ phiếu chỉ nhích 1,1% lên 17.500 đồng.

Các mã giảm sâu có BVS khi -9,1% xuống 38.200 đồng, VGS -7,8% xuống 35.700 đồng, API -6,7% xuống 7.000 đồng.

Các cổ phiếu MBS, CEO, TIG, PVC, LAS, NRC, APS giảm 4% đến hơn 5%, PVS, DTD, TNG, HUT, IDC giảm trên dưới 3%.

Trên UpCoM, lực bán mạnh dần cũng khiến UpCoM-Index giảm dần xuống các mức thấp hơn trong phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 1,68 điểm (-1,74%), xuống 95,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,5 triệu đơn vị, giá trị 503,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,67 triệu đơn vị, giá trị 62,2 tỷ đồng.

Nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn, ngoài BCR nhích nhẹ 1,7% lên 6.100 đồng, thì còn lại đều giảm.

Trong đó, những cái tên giảm mạnh là VGT, DDV, OIL, DGT, TVN, DRI, VGI khi mất từ hơn 6% đến hơn 9%, khớp từ 0,5 triệu đến hơn 2,08 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan