Trong phiên hôm qua, diễn biến đáng chú ý nhất của thị trường là ở nửa sau của phiên chiều, khi lực xả hàng ồ ạt vào khắp các nhóm ngành với mức giá mỗi lúc một thấp đã đẩy VN-Index rơi sâu và chìm dần về mức thấp nhất ngày, tổng cộng mất hơn 35 điểm, về gần với đường MA20, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất hơn 1 tháng, trong khi thanh khoản ở mức cao nhất gần 2 tháng.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 2/2, thông tin về việc Fed tăng lãi suất đúng như dự báo chỉ ở mức thấp 0,25% dường như không tác động nhiều đến thị trường trong nước, nhà đầu tư dường như vẫn còn ám ảnh với phiên lao dốc hôm qua khiến sắc đỏ tiếp tục lấn át trên bảng điện tử ngay từ sớm, nhưng họ cũng không chọn cách bán quá mức, giúp phần lớn các cổ phiếu phần lớn chỉ giảm nhẹ.
Trong khi đó, nhóm bluechip cân bằng hơn với biên độ dao động giá chỉ ở mức thấp, VN-Index theo đó phần lớn duy trì giao dịch trên tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch. Dù vậy, áp lực bán tiếp tục gia tăng với hơn 300 mã giảm trên sàn HOSE và chưa tới 70 mã tăng đang thực sự là chỉ báo gây ‘đau đầu’ với nhà đầu tư lúc này.
Lùi nhẹ xuống dưới tham chiếu về gần 1.070 điểm, thị trường đã bớt tiêu cực hơn khi số mã giảm được thu hẹp, cũng như nhóm bluechip có nhiều sắc xanh hơn đã giúp VN-Index trở lại và tạm kết phiên tăng lên gần 1.080 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 107 mã tăng và 289 mã giảm, VN-Index tăng 3,30 điểm (+0,31%), lên 1.079,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 334,1 triệu đơn vị, giá trị 5.402,5 tỷ đồng, giảm gần 12% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 21,2 triệu đơn vị, giá trị 425,1 tỷ đồng.
Như đã đề cập, các bluechip có phần tích cực hơn về cuối phiên, khi có 19 mã tăng trong rổ VN30 và chỉ còn 7 mã giảm.
Tuy nhiên, ở các mã tăng, chỉ có VRE và KDH nhích hơn 2% lên 27.150 đồng và 28.550 đồng, còn lại chỉ tăng nhẹ, như STB, CTG, VIC, VCB, HPG, SAB, VHM nhích từ 1% đến 1,5%. Trong đó, HPG vươn lên thanh khoản cao nhất nhóm và dẫn đầu toàn sàn HOSE với hơn 15,1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ở chiều ngược lại, cũng không mã nào giảm sâu, với NVL và HDB mất 1,4% và 1,1% xuống 14.350 đồng và 18.800 đồng, các mã TCB, MBB, GVR, MWG, FPT giảm nhẹ 0,2% đến 0,5%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một vài cái tên còn tăng như HDG, DCM, DPM, DGC, BAF, HCM, AAA, VCG, nhưng cũng chỉ xanh nhạt, khớp từ 0,62 triệu đến hơn 4,7 triệu đơn vị.
Trái lại, DRH nằm trong top các cổ phiếu giảm sâu nhất -5% xuống 5.300 đồng, DHM -4,5% xuống 10.600 đồng, KBC -4,1% xuống 23.300 đồng, IDI -3,6% xuống 12.150 đồng, ANV -3,4% xuống 28.750 đồng, VPH -3,3% xuống 4.070 đồng, DXG -3,2% xuống 13.450 đồng.
Sắc đỏ cũng bao trùm nhiều cổ phiếu các khắp các nhóm ngành khác trong số những mã thanh khoản cao, như IJC, ORS, ITA, HNG, HBC, VCI, KHG, PVD, CII, HQC, VIX, DIG, HHV, GEX, HAG, VND…khớp từ 1,23 triệu đến hơn 14,5 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sự phân hóa mạnh trên bảng điện tử cũng đã khiến chỉ số HNX-Index cũng giao dịch giằng co quanh tham chiếu trong biên độ hẹp trong suốt cả phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 40 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index tăng 0,24 điểm (+0,11%), lên 216,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43,7 triệu đơn vị, giá trị 645,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,85 triệu đơn vị, giá trị 27,8 tỷ đồng.
Các cổ phiếu tăng điểm không còn nhiều, với CEO, PVS, MBS, IDC, TAR, PLC, TC6, nhưng cũng chỉ tăng nhẹ, trong đó, CEO khớp 6,67 triệu đơn vị, PVS khớp 3,7 triệu đơn vị, MBS khớp 1,55 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu giảm điểm có SHS, HUT, IDJ, PVC, APS, TNG, MST, BCC, VGS, TIG…và cũng chỉ giảm nhẹ trên dưới 1,5%, với SHS phiên này khớp lệnh cao nhất sàn khi có 12,3 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index may mắn giao dịch trên tham chiếu, khi phần lớn các cổ phiếu hút dòng tiền nhất đều giảm.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,20%), lên 75,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,86 triệu đơn vị, giá trị 220,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,47 triệu đơn vị, giá trị 53,2 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là hơn 7,26 triệu cổ phiếu VAB, trị giá 50,85 tỷ đồng.
Bảng điện tử tràn ngập sắc đỏ, với PXL, PXS, NED, DDV, VGI, ABB, OIL, SBS, C4G, BSR…
Trong đó, BSR vẫn là mã hút giao dịch nhất với hơn 6,37 triệu đơn vị khớp lệnh, cao nhất UpCoM, giá cổ phiếu giảm 3,6% xuống 16.100 đồng, OIL -3,3% xuống 8.900 đồng, C4G -5% xuống 11.500 đồng…