Giao dịch chứng khoán phiên sáng 21/9: VN-Index giảm mạnh ngày Rằm

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 21/9: VN-Index giảm mạnh ngày Rằm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán trong nước chịu tác động khá tiêu cực từ các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới, khi tâm điểm về nguy cơ vỡ nợ của Tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc có khả năng gây cú sập đối với thị trường tài chính.

Thực ra dấu hiệu của việc dòng tiền thoát ra thị trường đã thể hiện bằng cú sụt trong phiên chiều qua. Tuy nhiên, mốc hỗ trợ 1.350 điểm đã giữ VN-Index trụ được, với công đóng góp lớn của nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Nhưng đó là tất cả, ngày hôm qua sau khi thị trường chứng khoán châu Á lao dốc thì đến đêm, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp nối theo. Phố Wall có ngày lao dốc mạnh, với tất cả 11 trong các lĩnh vực chính của S&P 500 đều giảm, trong đó nhóm nhạy cảm về kinh tế, với chỉ số phụ theo dõi ngành ngân hàng giảm 2,9% do lo ngại về khả năng vỡ nợ tiềm tàng của nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc là Evergrande ảnh hưởng đến các thị trường tài chính toàn cầu.

Mặc dù gần như không có liên quan trực tiếp tới các diễn biến chứng khoán thế giới, nhưng "cái hay" của chứng khoán Việt Nam đó là cũng phản ứng tương tự. Mở cửa sáng nay (21/9), ngày rằm Trung Thu, VN-Index đã lao mạnh về dưới 1.335 điểm, tương đương mất 15 điểm với hơn 300 mã giảm trên sàn HOSE. Tại khu vực này VN-Index đã nằm sát ngưỡng hỗ trợ tương ứng với đường giá trung bình 20 ngày (MA20) là 1.332 điểm.

Diễn biến sau phiên ATO cho thấy, mặc dù đa số mã giảm nhưng giao dịch sôi động vẫn diễn ra ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, và khi áp lực bán không quá mạnh VN-Index hồi lại một nửa số điểm đã mất sau đó. Tuy nhiên lực cầu không hỗ trợ cho xu hướng phục hồi, chỉ số đã quay đầu lao mạnh trở lại sau hơn 1 giờ giao dịch với áp lực bán gia tăng.

Ngưỡng hỗ trợ MA20 đã không phát huy hiệu quả và dễ dàng bị xuyên qua thời điểm 10h47 phút, báo hiệu khả năng cao thị trường bước vào đợt giảm ngắn hạn.

Tâm điểm trong phiên sáng nay là DLG, khi thanh khoản nhảy vọt với hơn 24 triệu đơn vị khớp lệnh, bỏ xa phần còn lại trên sàn HOSE và dư mua giá trần hơn 7,7 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu họ Louis với TGG, TDH tiếp tục tăng hết biên độ ngay khi mở cửa, tuy nhiên, với AGM thì lại là chuyện khác, khi giảm nhanh xuống mức giá sàn sau thông báo thoái vốn toàn bộ của TGG trong ngày hôm qua.

Càng giao dịch, áp lực bán càng càng dâng cao khiến VN-Index bị đẩy sâu thêm và đe dọa thủng 1.325 điểm, nhưng lực mua bắt đáy cuối phiên đã giúp chỉ số bật lên trên 1.330 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 71 mã tăng và 342 mã giảm, VN-Index giảm 18,19 điểm (-1,35%), xuống 1.332,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 565,66 triệu đơn vị, giá trị 15.141,9 tỷ đồng, tăng gần 15% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 12,9 triệu đơn vị, giá trị 463,1 tỷ đồng.

Các trụ đỡ của thị trường, chỉ còn MWG và BVH tăng nhẹ, MSN về được tham chiếu, còn lại đều giảm.

Trong đó, giảm sâu nhất là VRE -3,8% xuống 28.200 đồng, GVR -3,7% xuống 36.000 đồng, VHM giảm 3,1% xuống 77.400 đồng, PDR -2,7% xuống 80.700 đồng.

Các cổ phiếu VIC, HPG, CTG, MBB, FPT, ACB, STB, KDH, GAS, SSI mất từ 1,4% đến 1,8%, các cổ phiếu khác may mắn chỉ giảm nhẹ là NVL, VNM, VJC, VCB, TPB, SAB...

Trên bảng chính, một số cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn nóng, đi ngược thị trường với DLG phiên này nổi sóng lớn, khi khớp lệnh dẫn đầu HOSE với hơn 25,6 triệu đơn vị, giá cổ phiếu tăng lên mức giá trần tại 3.800 đồng và còn dư mua giá trần hơn 6,6 triệu đơn vị.

Các mã nhỏ khác như JVC, OGC, QBS, PLP, MCG, HVX, và cặp đôi nhà Louis TGG và TDH đều tăng hết biên độ, trong đó, TDH khớp hơn 3,65 triệu đơn vị và dưa mua trần hơn 7,6 triệu đơn vị, QBS khớp hơn 3,62 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,24 triệu đơn vị.

Lác thêm có thêm một vài sắc xanh với thanh khoản cao trên sàn là HNG, ITA, PVD, SJF, HAI, OCB và cặp đôi ngành thép HSG – NKG, tuy vậy, mức tăng chỉ ở mức khiêm tốn.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu liên đến nhóm Louis khác là AGM tuy thoát mức giá sàn, nhưng vẫn giảm sâu -6,1% xuống 39.000 đồng, khớp chỉ được hơn 79.000 đơn vị.

Sắc đỏ bao phủ phần còn lại, với các mã quen thuộc như VOS, PHC, BCM, EVE, GMC, VID, TNG, PGC, FIT, YBM giảm từ 4,6% đến 6%...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã giảm từ sớm và mặc dù cũng có nhịp hồi phục giữa phiên, nhưng áp lực bán gia tăng cũng đã đẩy chỉ số ngược trở lại gần vùng thấp nhất phiên sau đó.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 36 mã tăng và 178 mã giảm, HNX-Index giảm 3,51 điểm (-0,98%), xuống 355,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 123,78 triệu đơn vị, giá trị 2.323,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,3 triệu đơn vị, giá trị 328,5 tỷ đồng.

Giữ cho chỉ số không rơi sâu hơn là PVS, TVC, IDC, TAR, với TAR tăng 3,9% lên 24.200 đồng, TVC +2,9% lên 17.500 đồng.

Các mã nhỏ DL1, TTH và cổ phiếu “Louis” VKC là điểm sáng, khi đều tăng kịch trần, với DL1 khớp lệnh hơn 6,5 triệu đơn vị.

Còn lại đều chìm trong sắc đỏ, như SHB -1,5% xuống 26.600 đồng, khớp lệnh dẫn đầu HNX với hơn 11,45 triệu đơn vị, CEO -3,7% xuống 10.300 đồng, TNG -3,9% xuống 29.800 đồng, MBS -2,6% xuống 33.600 đồng…

Trên UpCoM, diễn biến tương tự, khi ngoài một số mã nhỏ tăng điểm thì số mã giảm lấn át trên bảng điện tử, khiến UpCoM-Index kết phiên ở không xa mức thấp nhất.

Nhóm cổ phiếu hút giao dịch là VGT với 8,47 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 6,9% xuống 20.100 đồng, BSR khớp 7,89 triệu đơn vị, giảm 3,2% xuống 18.000 đồng, HHV khớp 3,98 triệu đơn vị, giảm 3,7% xuống 20.800 đồng…

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,46 điểm (-1,5%), xuống 96,00 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 72,9 triệu đơn vị, giá trị 1.284,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,25 triệu đơn vị, giá trị 48,6 tỷ đồng.

Tin bài liên quan