Trong phiên hôm qua (20/6), thị trường rung lắc trong biên độ hẹp quanh tham chiếu, nhưng chốt phiên vẫn giữ được mức tăng khá, đóng cửa gần mức cao nhất ngày. Đà tăng của VN-Index phiên này có sự đóng góp không nhỏ của nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng - vốn là nhóm đã khởi sắc trong thời gian vừa qua với kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ hồi phục trở lại sau hàng loạt chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
Trong phiên hôm qua, nhiều cổ phiếu trong nhóm bất động sản, xây dựng lại nổi sóng với mức tăng kịch trần và giao dịch sôi động như EVG, HHV, LDG, NTL NHA và ITC. Ngoài ra, còn có hàng loạt mã khác tăng mạnh như PDR, DLG, DXG, HPX, VGC, GVR, DRH, PTL, LGL, DXS, SGR, VPH…
Trong phiên sáng nay, nhóm bất động sản, xây dựng vẫn duy trì được đà tăng, nhưng không còn mạnh mẽ như phiên hôm qua do áp lực chốt lời sớm từ một số nhà đầu tư khi đã đạt mức lợi nhuận kỳ vọng. Trong khi đó, tâm điểm của dòng tiền được chuyển hướng sang nhóm chứng khoán.
Thanh khoản thị trường đang có dấu hiệu cải thiện hơn trước khi lãi suất liên tiếp được điều chỉnh giảm trong 3 tháng qua, cùng với việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ được ra mắt trong tháng 7 tới được kỳ vọng sẽ giúp các công ty chứng khoán cải thiện kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm. Đó chính là lý do nhà đầu tư đặt cược vào nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, cùng với nhóm cổ phiếu đã tăng tốt trước đó là bất động sản, xây dựng.
Trong phiên sáng nay, nhóm chứng khoán đồng loạt tăng mạnh, trong đó có 2 mã tăng kịch trần là AGR và CTS. Tuy nhiên, chỉ có AGR là giữ được sắc tím vững chắc, còn lại CTS chỉ duy trì sắc tím ít phút do lực cung còn lớn, trong khi lực cầu chưa đủ để lấn át hoàn toàn.
Trong khi đó, dù không tăng mạnh như các mã nhỏ, nhưng các mã dẫn dắt trong nhóm lại có thanh khoản tốt như VND, HCM, SSI, thậm chí có thêm cả VIX vừa tăng tốt về giá, vừa có thanh khoản cao. Bốn mã chứng khoán này nằm trong Top 5 về thanh khoản trên sàn HOSE sau 1 tiếng giao dịch, chỉ đứng sau GEX.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng và thép có sự phân hóa, nhưng mức biến động không lớn.