Giao dịch chứng khoán phiên sáng 21/11: Nhà đầu tư thận trọng với phiên đáo hạn phái sinh

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 21/11: Nhà đầu tư thận trọng với phiên đáo hạn phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2411 dường như đến không đúng lúc, khi tâm lý nhà đầu tư lại gặp trở ngại sau những diễn biến hồi phục khá tích cực trong phiên hôm qua.

Trong phiên hôm qua, sau ít phút đầu mở cửa tăng điểm, thị trường bất ngờ có nhịp giảm thủng mốc hỗ trợ tâm lý mạnh 1.200 điểm. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy đã nhanh chóng xuất hiện và kéo VN-Index hồi phục gần 25 điểm từ mức đáy.

Mặc dù vậy, thị trường chưa thể bùng nổ bởi dòng tiền mạnh vẫn chưa quay lại và giao dịch của khối ngoại tiếp tục bán ròng. Chỉ số VN-Index theo đó hạ nhiệt, lùi về gần 1.215 điểm khi đóng cửa.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 21/11, đà hồi phục sớm chững lại với sự thận trọng cao độ thấy rõ của nhà đầu tư, trong khi dòng tiền chậm lại đáng kể khi chưa đạt tới 2.000 tỷ đồng trên HOSE sau hơn 1 giờ giao dịch. Trong khi chỉ số VN-Index đã xuất hiện nhiều nhịp rung lắc quanh tham chiếu, nhưng với biên độ rất hẹp.

Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ việc hôm nay là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2411.

Thêm vào đó, sau phiên hôm qua, dù có thêm nhiều dấu hiệu hồi phục, nhưng nhìn chung tín hiệu tạo đáy của VN-Index vẫn chưa được xác nhận, thị trường cần xuất hiện thêm các chỉ báo tích cực khác và cần thêm thời gian để tìm điểm cân bằng.

Giao dịch vẫn ảm đạm trong phần còn lại của phiên, thanh khoản suy giảm rất mạnh. Diễn biến đáng chú ý chỉ đến từ việc chỉ số VN-Index có nhịp nỗ lực tăng lên 1.220 điểm, nhưng sau đó cũng đã hạ nhiệt nhanh, kết phiên chỉ còn tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 166 mã tăng và 153 mã giảm, VN-Index tăng 1,21 điểm (+0,10%), lên 1.217,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 150,3 triệu đơn vị, giá trị 3.540,9 tỷ đồng, giảm hơn 62% về khối lượng và 61% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13,8 triệu đơn vị, giá trị 342,9 tỷ đồng.

Các cổ phiếu bluechip ít biến động, đa phần chỉ tăng giảm với biên độ dưới 1%, ngoại trừ duy nhất cổ phiếu VRE tăng được 1,4% lên 18.150 đồng.

Đáng kể khác là cổ phiếu VHM khi khớp lệnh cao nhất nhóm VN30, đồng thời dẫn đầu thị trường và bỏ xa phần còn lại với hơn 12 triệu đơn vị, nhưng giá cổ phiếu chỉ tăng nhẹ 0,1% lên 43.350 đồng.

Nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ phần lớn cũng nhạt nhòa. Có lẽ VTP là mã duy nhất đáng được nhắc đến, khi tăng khá mạnh +4,2% lên 117.800 đồng, thanh khoản cũng tương đối cao với 0,75 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã CIG, FIR, LSS tăng trên dưới 3%, khớp 0,27 triệu đến 0,4 triệu đơn vị, cổ phiếu TCO +5,2% lên 21.300 đồng, khớp 0,16 triệu đơn vị.

Trái lại, ở phía các cổ phiếu giảm, CTF vẫn giảm mạnh và có thêm một phiên giảm sàn -6,8% xuống 21.250 đồng, khớp hơn 0,44 triệu đơn vị và còn dư bán sàn gần 1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nhịp tăng đầu phiên cũng đã hạ nhiệt và kết phiên với sắc xanh nhạt.

Chốt phiên sán, sàn HNX có 49 mã tăng và 54 mã giảm, HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,01%), lên 221,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,1 triệu đơn vị, giá trị 170,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,61 triệu đơn vị, giá trị 34,2 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa mạnh và biên độ giá dừng lại ở mức thấp, với SHS, TNG, DXP còn tăng nhẹ, trong khi CEO, VTZ, MBS, VC3 đứng tham chiếu. Còn lại phần lớn giảm nhẹ, ngoại trừ DS3 -5,8% xuống 4.900 đồng.

Thanh khoản cũng èo uột, với MST khớp lệnh cao nhất cũng chỉ đạt hơn 2,2 triệu đơn vị, CEO khớp 1,1 triệu đơn vị và đứng thứ ba là SHS với chỉ 0,65 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index bật tăng khá mạnh thời điểm đầu phiên và cũng như hai chỉ số chính, khi hạ độ cao sau đó, kết phiên tăng nhẹ.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,17 điểm (+0,19%), lên 91,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16,3 triệu đơn vị, giá trị 191,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8,1 triệu đơn vị, giá trị 228,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu HNG phiên này khớp lệnh được tới hơn 10,2 triệu đơn vị, cao nhất UpCoM, giá cổ phiếu tăng 4% lên 5.200 đồng.

Hai cổ phiếu khác đáng chú ý là TSD và ECO khi đều tăng trần lên 5.600 đồng và 17.900 đồng, khớp lần lượt 0,1 triệu và 0,15 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan