Giao dịch chứng khoán phiên sáng 21/11: Dè dặt hồi phục

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 21/11: Dè dặt hồi phục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản thị trường vẫn sôi động đang là tín hiệu tích cực giữ cho tâm lý nhà đầu tư yên tâm sau phiên biến động mạnh hôm qua.

Trong phiên hôm qua, chỉ số VN-Index mở cửa đã ngay lập tức giảm 15 điểm rồi dần thu hẹp đà giảm, thậm chí có thời điểm tiệm tham chiếu và bảo toàn được vùng giá 1.100 điểm.

Sau giờ nghỉ trưa, chỉ số giằng co nhẹ đôi chút trước khi lực cầu đã tự tin hơn giúp VN-Index bật tăng lên 1.111 điểm.

Tuy nhiên, đây cũng là mức giá cao nhất trong ngày và thị trường lại xảy ra “sự cố” khi khung 14h đã điểm. Chỉ số VN-Index đã quay đầu giảm nhẹ trước khi bật hồi đôi chút trong đợt khớp lệnh ATC.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 21/11, lực cầu tích cực từ sớm đã đưa chỉ số VN-Index thêm một nhịp vượt ngưỡng 1.110 điểm, nhưng thêm một lần gặp cản mạnh tại vùng này và hạ độ cao đôi chút sau hơn 1 giờ giao dịch.

Nhìn chung giao dịch vẫn tương đối sôi động, nhưng sự thiếu vắng lực cầu giá cao và chưa xuất hiện nhóm cổ phiếu dẫn dắt đang khiến hành động thăm dò là chủ đạo trên bảng điện tử, ngoại trừ một vài cái tên riêng lẻ ở nhóm xây dựng như CTD, CTR, NHA tăng 4-6%, còn FCN, TLD nhích gần 3%.

Cùng với đó là nhóm cổ phiếu thép với HSG, NKG và HPG cho tín hiệu hút dòng tiền và tăng khá, với HPG đang có khối lượng giao dịch tốt nhất sàn HOSE.

Sắc xanh cũng duy trì khá tốt ở những cổ phiếu có thanh khoản cao như VCI, VCG, BCG, TCH, GEX, DIG, NVL, VND, VIX… nhưng biên độ giá vẫn chưa cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ.

Thêm một nỗ lực bật lên trên 1.110 điểm, nhưng một số bluecip lại hạ độ cao khiến VN-Index lùi về dưới ngưỡng này, thanh khoản có phần suy giảm khi nhà đầu tư cũng có phần lưỡng lự hơn.

Chốt phiên, sàn HOSE có 290 mã tăng và 169 mã giảm, VN-Index tăng 3,19 điểm (+0,29%), lên 1.106,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 337,8 triệu đơn vị, giá trị 7.046 tỷ đồng, giảm hơn 19% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 55,7 triệu đơn vị, giá trị 1.006 tỷ đồng.

Nhóm bluechip dù có 17 mã tăng, nhưng đà tăng đều suy yếu, với HPG là mã duy nhất nhích hơn 1,5% lên 27.050 đồng. Thanh khoản cao nhất VN30 và dẫn đầu sàn với hơn 18,2 triệu đơn vị.

Phần còn lại chỉ nhích nhẹ không đáng kể như ACB, VCB, MWG, VRE, MSN, BID, GAS, VPB chỉ tăng từ 0,2% đến 0,8%.

Dù vậy, những cổ phiếu giảm mạnh cũng không xuất hiện, với SSB và BCM dù mất điểm mạnh nhất cũng chỉ trên dưới 1,8% xuống lần lượt 22.700 đồng và 60.300 đồng, còn VIC, CTG, VNM, VJC, TCB chỉ giảm nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, như đã đề cập, chỉ một vài cổ phiếu riêng lẻ hút lệnh mua giá cao, với NTL tăng trần +6,8% lên 26.600 đồng, NHA +5,4% lên 18.400 đồng, CTD +5% lên 65.600 đồng, KPF +4,5% lên 5.380 đồng, CCL +4% lên 7.000 đồng, CTR +3,7% lên 88.000 đồng, TLD +3,3% lên 5.690 đồng.

Các cổ phiếu hút giao dịch nhất đều có sắc xanh, nhưng cũng đã đều hạ nhiệt so với mức cao nhất trong phiên đạt được, với những cái tên ở nhóm bất động sản, xây dựng FCN, KHG, HDC, KBC, NLG, HHV, CII, LCG, TCH, DXG, BCG, hay ở các mã công ty chứng khoán với ORS, HCM, VDS, VND và thép tại NKG, HSG cùng HPG nêu trên, khớp từ 0,9 triệu đến hơn 13,3 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, việc tiết cung giá thấp khiến gần như không xuất hiện mã giảm sâu nào đáng kể.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nhịp bật tăng khá tích cực đầu phiên cũng đã chững lại sau đó và tạm kết phiên tăng nhẹ.

Chốt phiên, sàn HNX có 72 mã tăng và 47 mã giảm, HNX-Index tăng 0,72 điểm (+0,31%), lên 228,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,8 triệu đơn vị, giá trị 787,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,38 triệu đơn vị, giá trị 18,5 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa và biên độ giá thay đổi ở mức thấp, với các cổ phiếu GKM, DXP, DVG, VIG, PVC, AMV, IDJ, PVS, TIG, HUT nhích nhẹ, cùng VGS +3,6% lên 22.800 đồng, LAS +3% lên 13.900 đồng, khớp từ 0,21 triệu đến hơn 2,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, MST, TNG, IDC giảm nhẹ, cùng NRC, SRA, LIG, VFS, MBS, CEO và SHS đứng giá tham chiếu, khớp từ 0,27 triệu đến hơn 10,5 triệu đơn vị. Đáng chú ý trong số kể trên là CEO, khi mở cửa giảm sàn và có lúc được kéo lên tăng hơn 2,5% trước khi về tham chiếu tại 22.900 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lại giằng co quanh tham chiếu vài nhịp và tạm kết phiên giảm nhẹ.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,12%), xuống 86,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,66 triệu đơn vị, giá trị 157,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,11 triệu đơn vị, giá trị 2,33 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao khá tích cực khi nhiều mã tăng, dù phần lớn chỉ nhích nhẹ, với một vài cái tên đáng kể như VGI nhích 3% lên 27.000 đồng, CEN +3,3%, TVN +3,3%.

Cổ phiếu BSR vẫn là mã được nhà đầu tư quan tâm nhất, khớp lệnh cao nhát UPCoM với 2,56 triệu đơn vị và tăng 2,2% lên 19.000 đồng.

Tin bài liên quan