Giao dịch chứng khoán phiên sáng 2/1: Nhà đầu tư chưa sẵn sàng, thị trường ít biến động

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 2/1: Nhà đầu tư chưa sẵn sàng, thị trường ít biến động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2025 chưa có nhiều diễn biến đáng chú ý nào, khi nhà đầu tư vẫn chủ yếu trong tâm thế đứng ngoài, chờ đợi những thông tin mới có sức ảnh hưởng đến thị trường.

Trong phiên cuối cùng của năm 2024, thị trường giao dịch khá ảm đạm với thanh khoản thấp, chỉ số VN-Index gần như chỉ biến động nhẹ quanh tham chiếu và nới thêm đôi chút đà giảm trong phiên ATC, để mất mốc 1.270 điểm khi đóng cửa.

Kết thúc năm 2024, chỉ số VN-Index đã ghi nhận mức tăng gần 137 điểm từ 1.229,9 điểm, tương đương +12,1%. Trong đó, mức đỉnh trong năm ghi nhận ở hơn 1.300 điểm thiết lập vào phiên 13/6.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 2/1, phiên đầu tiên của năm mới 2025, thị trường vẫn chưa có thêm chuyển động mới, khi bảng điện tử vẫn phân hóa cao, trong khi thông tin hỗ trợ chưa xuất hiện, dòng tiền cũng không thực sự mạnh, chỉ số VN-Index theo đó cũng ít thay đổi sau hơn 1 giờ giao dịch.

Điểm nhấn riêng lẻ thuộc về các cổ phiếu như HDB khi tiếp tục chịu lực bán khá mạnh và mất hơn 3%.

Hai cổ phiếu vừa và nhỏ YEG và DXG diễn biến trái chiều, trong đó, YEG mất hơn 3%, còn DXG đảo chiều tăng nhẹ, thanh khoản thuộc top cao nhất sàn hiện tại khi có 4-5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu TMT, khi có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp lên 10.500 đồng, thanh khoản dù trồi sụt, trong đó, phiên sáng nay mới chỉ khớp hơn 60.000 đơn vị.

Giá cổ phiếu TMT nhận được lực cầu cao khả năng đến từ việc tham gia vào thị trường xe điện bằng việc sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam.

Nửa cuối phiên giao dịch sáng nay nhìn chung vẫn khá ảm đạm khi không có thêm diễn biến đáng chờ đợi nào. Chỉ số VN-Index sau khi giảm nhẹ về 1.263 điểm thì gần như chỉ đi ngang cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 178 mã tăng và 190 mã giảm, VN-Index giảm 2,11 điểm (-0,17%), xuống 1.264,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 204,7 triệu đơn vị, giá trị 5.189,8 tỷ đồng, tăng 13% về khối lượng và 24% về giá trị so với phiên sáng ngày 31/12/2024. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 22,5 triệu đơn vị, giá trị 966,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu trụ cột cũng phân hóa mạnh, trong đó, cổ phiếu HDB trong rổ VN30 dẫn đầu đà giảm khi để mất 3,7% xuống 24.500 đồng. Nhưng các mã giảm khác đều chỉ giảm nhẹ, với VPB, ACB, FPT, TCB, BCM, SSB giảm 1% đến 1,8%.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu mã tăng tốt nhất là BID và BVH khi đều tăng hơn 2% lên lần lượt 51.700 đồng và 38.300 đồng.

Trong khi đó, cổ phiếu MBB là mã khớp lệnh vượt trội với hơn 6,1 triệu đơn vị, cao nhất nhóm VN30, đồng thời cũng là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn. Theo ngay sau là HDB với 5,4 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không nhiều thay đổi, với chỉ lác đác vài cái tên còn thu hút nhà đầu tư, như TMT duy trì sắc tím tại 10.500 đồng, nhưng chỉ khớp hơn 66.000 đơn vị.

Các mã HMC +4,7% lên 13.100 đồng, khớp 0,16 triệu đơn vị; TDH +3,9% lên 3,9% lên 2.930 đồng, khớp 0,27 triệu đơn vị; FIR +3,6% lên 5.870 đồng, khớp 0,18 triệu đơn vị; VOS +3,2% lên 17.550 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị. Nhích hơn 2% với thanh khoản đáng kể cũng chỉ còn CTD, ACG, KSB, ABS, APH, CSV, HAG, DBC, CSM, MIG.

Trái lại, dù sắc đỏ chiếm ưu thế, nhưng cũng như nhiều phiên gần đây, khi lực bán mạnh không xuất hiện quá nhiều. Chỉ một vài cổ phiếu riêng lẻ đáng kể như YEG -3,5% xuống 17.900 đồng, khớp 5,27 triệu đơn vị, KHP -3,4% xuống 12.850 đồng, khớp 0,27 triệu đơn vị; KDH -3,3% xuống 34.900 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị; EIB -3,1% xuống 18.700 đồng, khớp 3,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau ít phút đầu trồi sụt đã trở lại sắc xanh, nhưng mức tăng khiêm tốn và đi ngang cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 59 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 0,03 điểm (+0,01%), xuống 227,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14 triệu đơn vị, giá trị 237,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,6 triệu đơn vị, giá trị 101,2 tỷ đồng.

Giao dịch khá ảm đạm, với các cổ phiếu lớn, nhỏ trên bảng điện tử gần như ít thay đổi, trong đó, các mã SHS, TVC, VC3, MST đứng tham chiếu, trong khi DST, VTZ, CEO, TNG tăng điểm nhẹ.

Phần còn lại dù chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm hầu hết chỉ trên dưới 1%, ngoại trừ GKM -4,3% xuống 4.400 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index đảo chiều về dưới tham chiếu sau nửa đầu phiên cố gắng níu giữ sắc xanh.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,47 điểm (-0,49%), xuống 94,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,3 triệu đơn vị, giá trị 246 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,24 triệu đơn vị, giá trị 13,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu HNG phiên này trở thành tâm điểm lớn, khi khớp lệnh vượt trội với hơn 9,5 triệu đơn vị, giá cổ phiếu cũng tăng vọt và chạm giá trần +14,8% lên 7.000 đồng.

Tin bài liên quan