Giao dịch chứng khoán phiên sáng 20/6: Dòng tiền hướng đến nhóm bất động sản, xây dựng

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 20/6: Dòng tiền hướng đến nhóm bất động sản, xây dựng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giao dịch trên thị trường tuy vẫn khá thận trọng khi lực cầu giá cao đã không còn xuất hiện nhiều, nhưng vẫn còn không ít nhà đầu tư đang xoay nhanh, đảo danh mục và phiên sáng nay phần lớn đã tìm về nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng.

Trong phiên hôm qua, thị trường nhanh chóng giảm điểm từ sớm với áp lực bán càng gia tăng và lan rộng. Dù có thời điểm nỗ lực “vá” lại ngưỡng 1.110 điểm nhưng bất thành và VN-Index rơi về vùng giá thấp nhất ngày khi đóng cửa.

Thị trường kết phiên trong trạng thái khá tiêu cực khi số mã giảm điểm gần gấp 3 lần số mã tăng, VN-Index mất gần 10 điểm. Đáng chú ý là thanh khoản thị trường sụt giảm khá mạnh phiên sôi động cuối tuần trước, xuống dưới mức 15.000 tỷ đồng.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 20/6, sự tích cực đã dần trở lại trên thị trường khi dòng tiền không còn quá thận trọng giúp số mã tăng đã chiếm ưu thế rõ rệt trên bảng điện tử.

Dù vậy, việc các bluechip vẫn lình xình khiến VN-Index chưa thực sự lấy lại được sức bật, mà chỉ giằng co, rung lắc nhẹ ở ngay gần tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch.

Trong khi đó, các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không còn nhận được lực cầu giá cao như thời gian gần đây và chỉ lác đác một vài mã bật hẳn lên như NTL tăng trần lên 24.800 đồng, ITC nhích hơn 5%,

Ngoài hai mã bất động sản trên, dường như nhà đầu tư cũng đang tìm kiếm cơ hội các cổ phiếu khác trong nhóm này, với các mã HQC, PDR, DIG, DXG, KBC, NVL và CII đang dẫn đầu thanh khoản trên sàn HOSE và đều tăng khá tốt từ 2% đến hơn 4%.

Giao dịch chậm lại đáng kể, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh cùng sự phân hóa cao ở nhóm bluechip, đặc biệt là cổ phiếu lớn VCB đã khiến VN-Index yếu dần và rơi về dưới tham chiếu khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 206 mã tăng và 152 mã giảm, VN-Index giảm 1,44 điểm (-0,13%), xuống 1.103,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 251,2 triệu đơn vị, giá trị 4.937,7 tỷ đồng, giảm hơn 33% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32,2 triệu đơn vị, giá trị 744 tỷ đồng.

Nhóm các cổ phiếu bluechip phân hóa rất mạnh, với 10 mã tăng, 12 mã giảm và 8 cổ phiếu đứng giá tham chiếu trong rổ VN30.

Dù vậy, đa phần đều chỉ biến động nhẹ, như ở các mã tăng, với GVR là cổ phiếu tăng tốt nhất cũng chỉ +1,7% lên 18.200 đồng, MWG +1,2%, PDR +1,2%, NVL +1,1%...

Hay ở các cổ phiếu giảm, chỉ duy nhất VCB mất hơn 1%, nhưng cũng đủ khiến VN-Index chịu lực kéo xuống mạnh nhất, kết phiên VCB -1,7% xuống 100.000 đồng. Các mã GAS, SSI, HDB, ACB, SAB chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Ở các cổ phiếu vừa và nhỏ, chỉ còn một vài mã bật hẳn lên và đa số là thuộc nhóm bất động sản, xây dựng, như NTL giữ được giá trần +6,9% lên 24.800 đồng, khớp hơn 2,34 triệu đơn vị, ITC +4,1% lên 12.600 đồng, NHA +4,1% lên 19.200 đồng, PTL +4,1% lên 4.080 đồng, AAT +3,6% lên 6.980 đồng, CII +3,5% lên 17.900 đồng, KBC +2,5% lên 28.450 đồng…

Trong đó, cổ phiếu CII phiên này khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 11,7 triệu đơn vị khớp lệnh, KBC khớp hơn 9,64 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, cũng chỉ một số ít bị bán mạnh như TDP -5,8% xuống 29.000 đồng, PSH -4,6% xuống 12.400 đồng là đáng kể.

Trên sàn HNX, giao dịch cũng tương đối ảm đạm và phân hóa mạnh, biên độ giá cổ phiếu ít thay đổi, chỉ số HNX-Index sau nhịp tăng vào giữa phiên cũng đã hạ nhiệt về gần tham chiếu.

Chốt phiên, sàn HNX có 82 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 0,24 điểm (+0,11%), lên 226,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31,7 triệu đơn vị, giá trị 498,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 57,7 tỷ đồng.

Một vài cái tên đáng nhắc đến như MST +7,4% lên 5.800 đồng, DTD +4,9% lên 32.200 đồng, SRA +4,9% lên 4.300 đồng, DST +4% lên 5.200 đồng và trái lại là IDJ -4,7% xuống 12.300 đồng, CTC -6,5% xuống 2.900 đồng, API -5,4% xuống 12.200 đồng.

Phần còn lại của nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao chỉ biến động nhẹ, với SHS, DVG, AAV, DVM, DDG giảm điểm, còn CEO, IDC, HUT, BCC, APS, TNG kết phiên trong sắc xanh, trong khi PVS, MBS, AMV, NRC, PVC đứng giá tham chiếu. Trong đó, SHS là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 6,7 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, tương tự khi sự phân hóa cao khiến UpCoM-Index gần như chỉ rung lắc nhẹ ở ngay trên tham chiếu trong suốt cả phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,09%), lên 84,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,6 triệu đơn vị, giá trị 205,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,25 triệu đơn vị, giá trị 145,4 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là HNM khi tăng kịch trần +14,1% lên 11.300 đồng, khớp gần 0,4 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu còn lại chỉ tăng giảm với biên độ 2-3% như sắc xanh tại VHG, VTP, QNS, BIG và ngược lại là LMH, NED, PXL, AAS…

Phiên này, cổ phiếu BSR vẫn là mã có khối lượng khớp lệnh cao nhất với 1,48 triệu đơn vị, nhưng chỉ có giá tham chiếu tại 17.200 đồng.

Tin bài liên quan