Giao dịch chứng khoán phiên sáng 19/5: Phiên giao dịch hứa hẹn những bất ngờ

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 19/5: Phiên giao dịch hứa hẹn những bất ngờ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ảnh hưởng từ các thị trường lớn và tác động tâm lý từ phiên đáo hạn phái sinh đã khiến VN-Index lao dốc từ sớm, nhưng nhà đầu tư cũng tranh thủ bắt đáy giúp thị trường hồi phục. Diễn biến phiên sáng báo hiệu thị trường sẽ có nhiều bất ngờ trong phiên chiều.

Trong phiên hôm qua, lo sợ bị bulltrap sau khi đã bùng nổ trong ngày trước đó, nên giao dịch diễn ra chậm. Tuy nhiên, nhờ sự khởi sắc của nhóm tài chính và một số mã lớn, VN-Index sau đó lấy lại đà tăng tốt.

VN-Index tiếp tục nhích thêm sau giờ nghỉ trưa lên sát 1.250 điểm. Tuy nhiên, lực bán vừa gia tăng nhẹ đã khiến bên mua rụt tay, khiến VN-Index đánh mất hơn 15 điểm, nhưng sau đó đã trở lại và đóng cửa trên 1.240 điểm.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 19/5, thị trường dường như bị tác động tương đối lớn từ bên ngoài, khi phố Wall đột ngột bị bán tháo trong phiên đêm qua và các thị trường châu Á xung quanh cũng đều chìm trong sắc đỏ từ sớm.

Chỉ số VN-Index trong nước mở cửa giảm mạnh về sát 1.210 điểm, tương đương mất khoảng 30 điểm, trước khi hồi phục dần, tiến tới 1.230 điểm nhờ một số bluechip thu hẹp đà giảm hoặc nới đà tăng với MSN là điểm đỡ chính khi nhích 4%. Dù vậy, thị trường vẫn khá mong manh khi số mã giảm vẫn lấn át trên bảng chính với hơn 350 cổ phiếu, trong khi chỉ khoảng 80 mã tăng.

Điểm chú ý trong phiên này là ngày đáo hạn phát sinh hợp đồng tương lai VN30F2205 và nhiều dự báo cho rằng sẽ có những bất ngờ trong những phút cuối trong phiên ATC.

Sau những phút đầu choáng váng, thị trường đã hồi phục dần, thậm chí có thời điểm đã chớm xanh nhờ lực cầu bắt đáy xuất hiện nhiều hơn, dù không quá mạnh, nhưng cũng giúp nhiều cổ phiếu hãm bớt đà rơi, trong khi lực cung giá thấp cũng được tiết giảm. Nhưng độ rộng thị trường vẫn rất tiêu cực và dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài khiến thanh khoản tiếp tục suy yếu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 108 mã tăng và 332 mã giảm, VN-Index giảm nhẹ 3,16 điểm (-0,25%), xuống 1.237,6 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 297,1 triệu đơn vị, giá trị 7.395,5 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 513,3 tỷ đồng.

Các bluechip nâng đỡ thị trường chỉ còn lác đác một vài cổ phiếu, trong đó, cổ phiếu lớn MSN vượt trội với mức tăng 4% lên 107.300 đồng, VCB +1,5% lên 76.500 đồng. Đây cũng là hai mã đóng góp lớn nhất cho VN-Index với gần 3 điểm tích cực.

Các mã xanh khác chỉ còn STB +2,3% lên 22.250 đồng, PNJ +2,1% lên 104.200 đồng, còn MBB, GAS, KDH, TCB chỉ nhích nhẹ.

Ở chiều ngược lại, PDR là cổ phiếu giảm sâu nhất, -3,6% xuống 53.800 đồng, VJC -2,4% xuống 122.700 đồng, VRE -2,4% xuống 26.750 đồng, BVH -2,1% xuống 49.650 đồng, CTG -2,1% xuống 26.050 đồng, SAB -2% xuống 158.200 đồng.

Các cổ phiếu BID, HPG, TPB, VIC, PLX, NVL giảm từ 1,4% đến 1,9%, GVR -1,1%, và phần còn lại giảm nhẹ.

Thanh khoản trong nhóm, STB vẫn cao nhất với gần 15 triệu đơn vị khớp lệnh, tiếp theo là SSI với 13,9 triệu đơn vị, HPG khớp 8,95 triệu đơn vị, POW khớp gần 6,8 triệu đơn vị, VPB khớp 5,55 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có mức độ phân hóa cao, với một số đáng chú ý như SGT tăng kịch trần lên 30.100 đồng, VGC áp sát mức giá trần, tăng 6,8% lên 37.450 đồng, DGC +5,8% lên 214.700 đồng, HDG +5,7% lên 45.800 đồng, PVD +4,2% lên 19.650 đồng…

Ở nhóm thanh khoản cao như HAG, PVD, cặp đôi phân bón DPM-DCM, cùng nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán như VIX, VND, VCI, HCM đều tăng điểm, tương tự là ở một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng như ITA, HBC, KBC, BCG, LCG, FCN, VPI…

Đáng kể nhất là SHB, khi có khối lượng khớp lệnh cao nhất toàn sàn với 15,29 triệu đơn vị, giá cổ phiếu tăng mạnh 4% lên 14.450 đồng.

Ở chiều ngược lại, dù không có quá nhiều mã giảm sâu, nhưng sắc đỏ đeo bám nhiều cổ phiếu quen thuộc ở nhóm bất động sản, xây dựng, thép, nguyên vật liệu…như GEX, FLC, HQC, DIG, ROS, DXG, AAA, SCR, HNG, NKG, CII, HSG, ASM, TCH, LDG, TTF, IDI, FIT, TSC…Đây cũng là những cổ phiếu thuộc top thanh khoản cao nhất với khối lượng khớp lệnh từ 1,31 triệu đến hơn 6,65 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến khá tương đồng với HOSE, khi HNX-Index mở cửa giảm nhanh và dần thu hẹp đà giảm cho đến cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 47 mã tăng và 120 mã giảm, HNX-Index giảm 2,97 điểm (-0,96%), xuống 306,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,8 triệu đơn vị, giá trị 1.080,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 1,47 triệu đơn vị, giá trị 27,1 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu tăng tốt phiên này có PVS +4,8% lên 28.200 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với 12,85 triệu đơn vị.

Tiếp theo là SHS +3% lên 17.000 đồng, khớp lệnh cũng chỉ đứng sau PVS với gần 10 triệu đơn vị, KLF +2,3% lên 4.500 đồng, PVC +3,7% lên 22.200 đồng, APS +3,1% lên 19.800 đồng, SCG +3,1% lên 70.000 đồng, còn IDC và BII chỉ nhích nhẹ.

Ngoài ra, nổi bật còn có MAC, khi tăng kịch trần +9% lên 7.300 đồng, khớp hơn 0,26 triệu đơn vị.

Trái lại, nhiều cổ phiếu giảm giá, nhưng phần lớn chỉ giảm trên dưới 1% như CEO, HUT, TNG, TVC, MBS, LAS và giảm hơn 2% có HDA, MBG, AMV, TAR, DVG, LIG, PVL…

Trên UpCoM, tương tự như hai chỉ số chính, UpCoM-Index mở cửa giảm sâu và nhanh chóng hồi phục và kết phiên chỉ còn giảm nhẹ.

Dù vậy, trong hơn 40 cổ phiếu giao dịch sôi động nhất, thì sắc xanh chỉ còn lác đác tại BSR, OIL, BVB, cùng PAS may mắn về tham chiếu.

Còn lại đều giảm, dù phần lớn cũng chỉ giảm trên dưới 2%.

Phiên này, BSR vươn lên khớp lệnh dẫn đầu và bỏ xa phần còn lại với hơn 8,69 triệu đơn vị, giá cổ phiếu cũng tăng khá mạnh +6% lên 23.00 đồng.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,33%), xuống 94,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,2 triệu đơn vị, giá trị 402,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,24 triệu đơn vị, giá trị 31,6 tỷ đồng.

Tin bài liên quan