Trong phiên hôm qua, hiệu ứng “hòn tuyết lăn” đã xuất hiện, lực bán đã đột ngột tăng với “tin đồn” về việc một số công ty chứng khoán đang “call margin” mạnh khiến hơn 100 mã nằm sàn trên cả 3 thị trường thì VN-Index cũng tất yếu rộng thêm đà giảm gần 26 điểm.
Điểm hy vọng sau phiên hôm qua đó là thị trường đã bật trở lại khi gặp ngưỡng hỗ trợ cứng ở khu vực 1.425 điểm để chốt phiên ở trên mức này. Diễn biến những phiên tiếp theo sẽ xác định khả năng liệu thị trường có tạo đáy ở khu vực này như đã từng diễn ra trong suốt nửa năm vừa qua hay không?
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 29/4, kịch bản tạo đáy có thêm nhiều hy vọng khi VN-Index mở cửa tăng 8 điểm lên trên 1.440 điểm, và quan trọng hơn, diễn biến sau đó không còn có những cú sụt quá mạnh có thể khiến nhà đầu tư tiếp đà bán tháo.
Dù bảng điện tử vẫn bị sắc đỏ chiếm ưu thế, nhưng không còn quá chênh lệch như phiên hôm qua, thậm chí còn dần trở nên khá cân bằng, nhưng các cổ phiếu đầu cơ ‘hạng nặng’ như FLC, ROS, HAI, FCN, LCG, APG, TSC, TGG, PTL, TNI đã hoặc có thời điểm về giá sàn, trong khi các cổ phiếu HNG, HAG, HQC, VCG, HBC, HHV, DLG cũng chìm trong sắc đỏ.
Trong đó, FLC và ROS đang khớp lệnh cao nhất HOSE với gần 11 triệu và 7 triệu đơn vị, nhưng cũng đã bắt đầu “tích lũy” lượng dư bán sàn với hơn 8 triệu và 6 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thủy sản chững lại, chỉ còn AAM tăng trần lên 16.550 đồng, nhưng thanh khoản thấp; ACL chạm mức giá trần, ANV và IDI tăng trên dưới 2%, trong khi VHC và CMX giảm điểm từ sớm.
Đáng chú ý là diễn biến tích cực ở nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất bật tăng với DCM, DPM, BFC nhích trên dưới 5%, trong khi DGC tăng kịch trần lên 262.100 đồng, trong đó, DCM-DPM đang khớp lệnh thuộc top cao nhất HOSE.
Kết phiên, số mã tăng và giảm trong phiên sáng nay đã trở nên cân bằng hơn, thanh khoản thấp hơn trung bình các phiên trước do tâm lý thận trọng vẫn còn phổ biến, nhà đầu tư không sẵn sàng mua đuổi giá cao.
Nhìn lại chuỗi dao động đi ngang 6 tháng qua, có đến 4 lần thị trường rơi vào vào khu vực hỗ trợ từ 1.425-1.440 điểm, thì đợt tạo đáy lâu nhất là tháng 1/2022 với 5 phiên rung lắc mạnh, còn hầu chỉ số hết đều bật lại sau 1-2 phiên.
Nếu như phiên chiều nay thị trường diễn biến tích cực hơn thì rất có thể nhà đầu tư lại chứng kiến thêm một đợt "tăng trả điểm" hình chữ V, nhưng tất nhiên đây mới chỉ là kịch bản đẹp, còn thực tế hiện tại kịch bản khả dĩ kỳ vọng đó là có thêm một vài phiên dao động đi ngang quanh khu vực hỗ trợ để tạo đáy trước khi tăng trở lại. Còn trong kịch bản xấu, thì ngưỡng hỗ trợ 1.400 điểm của VN-Index sẽ gặp thử thách.
Sau nhịp giảm về tham chiếu, thị trường đã nhích dần lên, nhóm bluechip với sắc xanh áp đảo, bảng điện tử cũng trở nên cân bằng hơn, giúp VN-Index đi lên vùng 1.440 điểm. Dù vậy, điểm trừ là thanh khoản lại mất hút khi không ít nhà đầu tư chỉ thận trọng đứng ngoài quan sát.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 214 mã tăng và 217 mã giảm, VN-Index tăng 7,23 điểm (+0,50%), lên 1.439,83 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 320,9 triệu đơn vị, giá trị 10.881 tỷ đồng, giảm 32% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 15 triệu đơn vị, giá trị 1.007,6 tỷ đồng.
Nhóm bluechip là động lực chính của thị trường, với một số mã lớn như BID, HPG CTG đóng góp gần một nửa số điểm cho VN-Index.
Theo đó, BID phiên này tăng tốt nhất trong số 21 cổ phiếu trong rổ VN30, khi +2,5% lên 38.900 đồng, HPG +2,1% lên 43.550 đồng, CTG +2,1% lên 29.800 đồng.
Các cổ phiếu khác như KDH +2,2% lên 50.400 đồng, BVH +1,6% lên 67.900 đồng, MBB +1,5% lên 30.750 đồng, các cổ phiếu VPB, PLX, GAS, STB, VJC nhích trên dưới 1%.
Ở chiều ngược lại, các sắc đỏ như VIC, ACB, SAB, MSN, GVR, VNM đã thu hẹp đáng kể đà giảm, như VIC là mã giảm mạnh nhất cũng chỉ mất 0,8% xuống 78.900 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu ngành phân bón, hóa chất vẫn là điểm sáng nhất, với CSV leo lên giá trần +6,8% lên 60.900 đồng, DGC +6,1% lên 260.000 đồng, DPM +6,3% lên 76.500 đồng, DCM +5,1% lên 45.700 đồng, BFC +4% lên 42.750 đồng.
Trong đó, DCM và DPM khớp lệnh ở nhóm cao nhất sàn với 6,9 triệu và 6,54 triệu đơn vị, DGC khớp hơn 1,61 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu thủy sản cũng có mức tăng khá với AAM tăng trần +6,8% lên 16.550 đồng, ABT +6,3% lên 43.000 đồng, ACL +4,7% lên 29.100 đồng, dù VHC, CMX, IDI, ANV đều chìm trong sắc đỏ.
Tương tự là ở nhóm logistics, với HAH tăng 6,2% lên 109.400 đồng, GMD +4,5% lên 58.600 đồng, VOS +3,1% lên 18.300 đồng, VSC +2,8% lên 47.500 đồng, trong khi TMS, MHC, HTV, STG, TCO đều mất điểm.
Diễn biến tương tự cũng xuất hiện ở nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, công ty chứng khoán, dầu khí…với phần lớn tăng, giảm trong biên độ hẹp.
Trong nhóm thanh khoản cao, NLG, PC1, HCM, PVD, KBC, LDG, SCR, TTF, DIG, VND, GEX nhích lên, với một số có mức tăng khá như GEX +2,4%, SCR +3,6%, KBC +2,7%, PVD +3,5%...
Ở chiều ngược lại, sức ép lớn vẫn khiến FLC, ROS, FCN, TSC, MCG, PXS, VRC, APG, LHG, TTB, FTM, AGM, TGG, NVT giảm về mức giá sàn, với FLC khớp lệnh cao nhất sàn khi có 11,24 triệu đơn vị khớp lệnh và còn dư bán sàn hơn 8,8 triệu đơn vị, cổ phiếu liên quan là ROS khớp 7,22 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 6,66 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu APG, LHG, FTM, PXS dư bán sàn từ 1,1 triệu đến gần 2,4 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu giảm mạnh nhất như nhóm SJF, HQC, HAR, TNI, AMD, ABS, MHC, EVG, VPH, DRH, HBC, HNG, DLG, TDG, LCG, HAI, TNC…với mức giảm từ 3% đến 6,7%.
Trong đó, các cổ phiếu LCG, HNG, HQC, HAI, DLG khớp lệnh từ 3,7 triệu đến hơn 6,6 triệu đơn vị.
Các sắc đỏ khác cũng còn tại APH, HAG, DXG, ASM, VCG, HHV, CII, KSB, JVC, VPI, dù mức giảm không sâu, khớp từ 0,8 triệu đến 5 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng từ sớm và cũng chịu sức ép ở giữa phiên và suy yếu, chạm tham chiếu trước khi nảy nhẹ lên và gần như đi ngang sau đó cho đến khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 97 mã tăng và 117 mã giảm, HNX-Index tăng 1,8 điểm (+0,45%), lên 404,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,46 triệu đơn vị, giá trị 947,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 39.000 đơn vị, giá trị gần 2 tỷ đồng.
Bảng điện tử phân hóa cao, với PVS, TNG, IDC, SHS, CEO, PVG, LAS, PVC tăng điểm, trong khi TVC, KLF, HUT, APS, ART, BII giảm.
Trong đó, PVS +2,7% lên 30.800 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 3,65 triệu đơn vị, LAS nằm trong số những mã tăng tốt nhất +7,9% lên 20.400 đồng.
Trái lại, TVC giảm mạnh 9% xuống 14.200 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau PVS với hơn 3 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu khác đáng chú ý như SDG tăng trần lên 40.000 đồng, trong khi PVL, HHG, VKC đều giảm sàn.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tăng nhẹ trong nửa đầu phiên và áp lực bán dâng cao khiến chỉ số về dưới tham chiếu và có nhịp hồi về gần tham chiếu khi kết phiên.
Sắc xanh le lói tại một số ít như VGI, DDV, OIL, SGP BVB, QNS MSR… trong khi đó, BSR, ABB, VGT, PAS, SSB đều giảm.
Đáng kể là VHG khi giảm sàn -14,3% xuống 6.000 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 5,33 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,09%), xuống 110,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,1 triệu đơn vị, giá trị 505,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,75 triệu đơn vị, giá trị 126 tỷ đồng.