Trong phiên hôm qua, thị trường kết thúc ngày giao dịch với cây nến “ngừng bán” khi giá đóng cửa và mở cửa gần như bằng nhau. Việc thị trường bật trở lại khi về vùng hỗ trợ mạnh 1.400 - 1.425 điểm phát đi tín hiệu tích cực. Đây là vùng hỗ trợ được tạo bởi đỉnh tháng 7/2021 và đáy tháng 12/2021 của thị trường nên có độ tin cậy cao.
Diễn biến phiên giao dịch sáng nay thị trường đã đi theo kịch bản đó, tuy nhiên, lực bán ở nhóm ngành bất động sản vẫn còn và lực cầu ở các nhóm ngành khác tỏ ra khá yếu ớt khiến giao dịch khá buồn tẻ với thanh khoản thấp.
Thị trường mở cửa phiên sáng khá tích cực, VN-Index được kéo thẳng lên mốc gần 1.540 điểm, tuy nhiên do lực cầu yếu nên có thời điểm chỉ số chung của thị trường chuyển về sắc đỏ với số mã giảm giá chiếm ưu thế. Thị trường chỉ phục hồi vào cuối phiên sáng sau khi VN-Index vượt ra ngoài dải Bollinger Bands (ở ngưỡng 1.438 điểm).
Nhóm trụ chính của thị trường là ngân hàng đợt giảm sâu vừa qua dường như đã "hoàn thành nhiệm vụ". Trong phiên sáng nay, khi tâm lý nhà đầu tư đã trở lại cân bằng, nhóm ngân hàng đã bị bán ra, đa số quay đầu giảm, chỉ còn một số mã giữ sắc xanh, nhưng đà tăng không lớn.
Đóng góp chính tích cực nhất cho thị trường ngày hôm nay là cổ phiếu của Masan, sau phiên giao dịch tích cực ngày hôm qua, hôm nay MSN đã có mức tăng rất tốt tới 4,6% và riêng cổ phiếu này đã đóng tới gần 2 điểm tăng cho VN-Index.
Nhóm dầu khí có sự phân hóa, đây là nhóm vẫn được đánh giá tích cực khi giá dầu được dự báo tiếp tục đà tăng và có thể đạt ngưỡng 100 USD/thùng. Trong khi đó, nhóm phân bón sau phiên hồi ấn tượng hôm qua với DCM, DPM tăng trần thì phiên hôm nay tiếp tục giao dịch tích cực nhờ dự báo khả quan cho triển vọng 2022 khi giá phân bón tiếp tục ở mức cao.
Cơ hội tích lũy cổ phiếu phân bón
Trên các diễn đàn, room, nhiều nhóm cho rằng, việc ông Trịnh Văn Quyết đã thực hiện xong việc nộp phạt và bị cấm giao dịch 5 tháng là thông tin tốt và có thể bắt đáy cổ phiếu FLC. Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường vẫn cho thấy, không chỉ FLC, mà cả các mã liên quan, ngoại trừ ART đều chưa có cửa trở lại khi lượng dư bán sàn vẫn lên tới hàng chục triệu đơn vị.
Trong khi sàn HOSE đã lấy lại được sự cân bằng sau hơn 1 tuần bị bán tháo, thì sàn HNX lại lao dốc không phanh ngay khi mở cửa phiên sáng nay, mà lý do chính là do THD - mã vốn hóa lớn nhất sàn giảm xuống mức sàn 188.000 đồng, một diễn biến rất lạ của cổ phiếu vốn chỉ dao động trong biên độ rất hẹp này.
Không chỉ THD, mã vốn hóa lớn thứ 2 của sàn này là KSF cũng đang giảm khá mạnh, đồng thời CEO cũng đang tiếp tục giảm sàn với dư bán sàn lên tới 6,7 triệu đơn vị. So với mức đỉnh 100.000 đồng thiết lập trong phiên 10/1, cổ phiếu CEO đã mất hơn 42% giá trị sau hơn 1 tuần.
Sau đợt rung lắc do lực bán chốt lời ngắn hạn nhóm bank, thị trường sau đó đã bật trở lại và giữ được sắc xanh trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 6,67 điểm (+0,46%), lên 1.445,61 điểm với 223 mã tăng (8 mã trần), 224 mã giảm (35 mã sàn) và 49 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 365,5 triệu đơn vị, giá trị 10.528,6 tỷ đồng, giảm 16,5% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,9 triệu đơn vị, giá trị 923,6 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng, VCB và BID sau khi hỗ trợ đắc lực cho VN-Index những ngày qua đã quay đầu giảm, 1,6% xuống 86.200 đồng và 1,1% xuống 44.400 đồng. Ngoài ra, còn có STB, EIB và HDB giảm trên dưới 1%.
Ở chiều tăng, MSB tăng mạnh nhất cũng chỉ 2,4% lên 25.950 đồng, TPB tăng 2,1% lên 39.700 đồng; VPB, SHB và MBB tăng hơn 1%, còn lại tăng dưới ngưỡng này.
Nhóm chứng khoán đã đồng loạt trở lại, ngoại trừ TVB và CTS giảm, còn lại đều tăng. Trong đó, SSI tăng 3,9% lên 43.950 đồng, VND tăng 2,7% lên 64.100 đồng, HCM tăng 2,7% lên 37.900 đồng, VCI tăng mạnh nhất 4,3% lên 56.100 đồng. Các mã nhỏ chỉ tăng dưới 1%.
Nhóm bất động sản, xây dựng đã có nhiều mã hồi tích cực trở lại, nhất là nhóm bất động sản công nghiệp như KBC, BCM, TIP tăng trần, LHG chỉ thiếu may mắn không có sắc tím. Ngoài ra, còn phải kể đến NLG, DXG, PDR, NTL, HBC… Tuy nhiên, sắc xanh lở (giảm sàn) vẫn xuất hiện khá nhiều ở nhóm này. Ngoại trừ, FLC, ROS, còn có CII, NBB, HDC, DIG, HAR, LDG, QCG, VPH, TTB, FCN.... Trong đó, dư bán sàn lớn nhất vẫn là ROS với 69 triệu đơn vị, tiếp đến là FLC 50,2 triệu đơn vị, CII 21,7 triệu đơn vị, LDG 17,5 triệu đơn vị, AMD 13,4 triệu đơn vị, HAI 12,2 triệu đơn vị, DIG 9,1 triệu đơn vị, QCG 5,3 triệu đơn vị...
Tuy nhiên, điểm tích cực là lực cầu bắt đáy đã bắt đầu nhập cuộc, giúp thanh khoản tại một số mã, nhất là FCL đã tăng lên trên 1 triệu đơn vị, so với chỉ khoảng 200.000 đơn vị trong các phiên gần đây.
Ngoài nhóm bất động sản, xây dựng, cũng có nhiều mã vừa và nhỏ ở các nhóm khác giảm sàn sáng nay như IDI, CKG, FTM, TGG, QBS, HID, GMH, CIG, KMR…
Về thanh khoản, HQC là mã có thanh khoản tốt nhất sàn, nhưng cũng chỉ khớp hơn 20 triệu đơn vị, đóng cửa dù thoát sàn, nhưng vẫn giảm 4,7% xuống 6.930 đồng. Tiếp đến là SCR giảm 3,7% xuống 18.400 đồng, khớp 14,8 triệu đơn vị, cũng thoát sàn 17.800 đồng nhờ lực cầu bắt đáy hoạt động. GEX cũng không còn giảm sàn khi đóng cửa giảm 1,3% xuống 37.700 đồng, khớp 12,8 triệu đơn vị.
Trong khi sàn HOSE đã lấy lại được sự cân bằng sau hơn 1 tuần bị bán tháo, thì sàn HNX lại lao dốc không phanh ngay khi mở cửa phiên sáng nay, mà lý do chính là do THD - mã vốn hóa lớn nhất sàn giảm xuống mức sàn 188.000 đồng, một diễn biến rất lạ của cổ phiếu vốn chỉ dao động trong biên độ rất hẹp này. Riêng THD đã lấy đi của HNX-Index hơn 7 điểm.
Không chỉ THD, mã vốn hóa lớn thứ 2 của sàn này là KSF cũng đang giảm khá mạnh 2,7% xuống 97.300 đồng. Đồng thời, CEO cũng đang tiếp tục giảm sàn với dư bán sàn lên tới 6,7 triệu đơn vị. So với mức đỉnh 100.000 đồng thiết lập trong phiên 10/1, cổ phiếu CEO đã mất hơn 42% giá trị sau hơn 1 tuần. Hai cổ phiếu này cũng lấy thêm của HNX-Index 2,5 điểm. Như vậy, 3 mã trên đã lấy đi của HNX-Index gần 10 điểm.
Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 13,43 điểm (-3,19%), xuống 407,78 điểm với 81 mã tăng (2 mã trần), trong khi có 127 mã giảm (22 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 76,7 triệu đơn vị, giá trị 1.178 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,4 triệu đơn vị, giá trị 65,9 tỷ đồng.
Ngoài 3 mã trên, các mã lớn khác giảm mạnh chỉ còn L14 giảm sàn xuống 317.800 đồng, NVB giảm 3,23% xuống 30.000 đồng, còn lại PVI, IPA, NTP chỉ giảm nhẹ.
Ở chiều ngược lại, IDC tăng 2,4% lên 64.400 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị, PVS tăng 1% lên 29.200 đồng, khớp 5,1 triệu đơn vị, SHS tăng 3,1% lên 40.600 đồng, khớp 2,8 triệu đơn vị, MBS tăng 1,9% lên 32.300 đồng, khớp 400.000 đơn vị.
Khác với các anh, em khác trên HOSE, 2 mã họ FLC trên HNX có tín hiệu tích cực hôm nay khi nhận được lực cầu bắt đáy tốt. Trong đó, ART thậm chí có lúc còn được kéo lên mức trần 10.000 đồng, trước khi đóng cửa tăng 7,7% lên 9.800 đồng, khớp 3,7 triệu đơn vị. KLF từ mức sàn cũng đã nhận lực cầu bắt đáy nên có lúc chuyển sắc xanh, trước khi đóng cửa giảm 3,4% xuống 5.600 đồng với thanh khoản tăng vọt lên 30,7 triệu đơn vị.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,07%), lên 107,55 điểm với 126 mã tăng (8 mã trần), 141 mã giảm (9 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 35 triệu đơn vị, giá trị 640 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
VHG sau phiên hồi 14/1 đã trở lại đà giảm trong 3 phiên gần đây và sáng nay giảm sàn xuống 8.900 đồng, khớp 6,5 triệu đơn vị và còn dư bán sàn 0,9 triệu đơn vị. CDO cũng đóng cửa ở mức sàn 5.500 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị và còn dư bán sàn.
Trong các mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM, chỉ có BSR tăng nhẹ 1,3% lên 23.800 đồng, khớp 4,4 triệu đơn vị. Trong khi C4G giảm mạnh 11,5% xuống 23.900 đồng, khớp 3 triệu đơn vị.