Trong phiên hôm qua, thị trường có thêm một phiên tích cực từ khá sớm, dù lực bán có gia tăng ở một vài thời điểm trong phiên, lực cầu vẫn tỏ ra vượt trội với nhiều mã tăng kịch trần, ở các nhóm lớn như bất động sản, thép, công ty chứng khoán và nhiều bluechip hoạt động tốt đã giúp VN-Index tăng hơn 26 điểm lên ngưỡng 970 điểm khi kết phiên.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 18/11, thị trường quay đầu giảm ngay khi mở cửa về 962 điểm và bật mạnh gần lên tham chiếu, trước khi một lần nữa quay đầu đi xuống quanh vùng 965 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.
Sắc đỏ lấn át trên bảng điện tử với gần 300 mã, trong khi số mã tăng chỉ bằng một nửa, cùng với đó, các bluechip cũng chỉ lác đác vài mã xanh nhạt, ngoại trừ những đầu tàu hôm qua vẫn duy trì mức tăng khá, làm điểm đỡ cho VN-Index như HPG, GVR và VIC.
Sự thận trọng của nhà đầu tư là có thể hiểu được, khi lượng hàng bắt đáy hơn 1 tỷ cổ phiếu của phiên hồi phục ngày 16/11 chiều nay sẽ về tài khoản và chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Trên bảng điện tử, bộ ba cổ phiếu thép đang hút giao dịch nhất, khi dẫn đầu thanh khoản trên HOSE, trong đó, HPG từ giá trần lùi về còn tăng khoảng 4%, tương tự là HSG khi chạm giá trần và lùi bước về còn +5%, NKG nhích trên dưới 4%.
Một cổ phiếu rất đáng chú ý khác là EIB, sau liên tiếp những phiên giảm sàn và dư bán sàn chất đống vài chục triệu đơn vị và được giải cứu trong phiên hôm qua với khối lượng khớp lệnh kỷ lục, dù vẫn đóng cửa ở giá sàn, thì sang phiên hôm nay đã đảo chiều tăng vọt lên mức giá trần ngay khi mở cửa +6,9% lên 19.400 đồng, khớp lệnh có hơn 1,6 triệu đơn vị.
Sau khi cố gắng giữ ngưỡng 965 điểm, áp lực bán đã gia tăng mạnh trên toàn thị trường, trong đó không ít bluechip là “mục tiêu”, khiến chỉ số VN-Index nới rộng đà giảm và để mất gần 25 điểm về dưới 945 điểm, gần như để mất những gì đã đạt được trong cả phiên hôm qua.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 97 mã tăng và 310 mã giảm (23 mã giảm sàn), VN-Index giảm 24,7 điểm (-2,55%), xuống 944,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 360 triệu đơn vị, giá trị 4.925,8 tỷ đồng, giảm chỉ hơn 1% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 42,1 triệu đơn vị, giá trị 703,9 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu trong VN30 bị bán mạnh với 26 sắc đỏ, trong đó, ngoài NVL và PDR vẫn đứng ở giá sàn, thì không ít giảm sâu như GAS -6,4% xuống 112.000 đồng, MSN -4% xuống 93.100 đồng, PLX -3,3% xuống 24.800 đồng, VRE -3% xuống 27.500 đồng.
Nhóm cổ phiếu trụ ngân hàng với CTG -5,2% xuống 23.700 đồng, HDB -5,2% xuống 14.500 đồng, VPB -4,2% xuống 14.850 đồng, STB -3,8% xuống 16.550 đồng, VCB -3,1% xuống 74.100 đồng, MBB -2,9%, TCB -2,8%, TPB -2,6%, VIB -2,4%...
Các cổ phiếu VIC, FPT, SSI mất 2%. Nhóm cổ phiếu cổ phiếu may mắn không giảm mạnh có SAB, VHM, VJC, ACB, BVH, khi chỉ giảm từ 0,5% đến 1,7%.
Lác đác một vài sắc xanh tại HPG, KDH và VNM, trong khi GVR về tham chiếu.
Trong đó, HPG có thời điểm đã chạm giá trần, nhưng sức ép lớn khiến mã này chỉ còn tăng vỏn vẹn 0,7% lên 14.350 đồng, thanh khoản tăng vọt với hơn 48,1 triệu đơn vị khớp lệnh cao nhất rổ VN30 và cũng lớn nhất thị trường.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số ngược dòng thị trường đáng kể có APG, ITC, TNI, DHC, NLG khi đều tăng kịch trần, với NLG khớp lệnh hơn 2,8 triệu đơn vị, APG khớp 1,92 triệu đơn vị.
Không thể không nhắc đến EIB, khi tăng vọt sau liên tiếp nhiều phiên giảm sàn, kết phiên sáng EIB tăng trần +6,9% lên 19.400 đồng, khớp 2,1 triệu đơn vị.
Số cổ phiếu khác tăng tốt không còn quá nhiều, với các cổ phiếu thủy sản, nông nghiệp AAM, GIL, HAG, ANV nhích từ 5,1% đến 5,9%, với HAG khớp lệnh có hơn 18,6 triệu đơn vị.
Trái lại, không ít nằm sàn từ sớm với các cổ phiếu đáng chú ý như HPX, khi tiếp tục mất thanh khoản -7% xuống 13.950 đồng, khớp lệnh chỉ có 2.200 đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 29,7 triệu đơn vị.
Cùng chung số phận còn có KPF, PAN, PGV, PVD và NBB, với PVD và PAN khớp 3,4 triệu và 3 triệu đơn vị.
Nhóm công ty chứng khoán sau phiên bùng nổ hôm qua cũng đã sớm điều chỉnh mạnh, với VDS là cổ phiếu giảm sâu nhất -6% xuống 7.240 đồng, VND -5,9% xuống 10.450 đồng, VCI -5,4% xuống 18.450 đồng. Các mã TVB, CTS, BSI, VIX, HCM, ORS giảm từ 2,3% đến 3,5%.
Nhóm cổ phiếu thép hạ nhiệt nhanh, ngoài HPG chỉ còn nhích nhẹ, thì HSG cũng từ giá trần lùi về +3,4% lên 8.700 đồng, khớp 16,2 triệu đơn vị, NKG còn +1,2% lên 8.560 đồng, khớp gần 7,5 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index rung lắc quanh tham chiếu trong những phút đầu giao dịch và cũng chịu lực bán gia tăng khiến chỉ số cắm đầu đi xuống mức thấp nhất trong phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 55 mã tăng và 104 mã giảm, HNX-Index giảm 3,04 điểm (-1,62%), xuống 184,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,5 triệu đơn vị, giá trị 336 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9,94 triệu đơn vị, giá trị gần 70 tỷ đồng.
Một vài cổ phiếu còn xanh như CEO +1% lên 9.800 đồng, L14 +7,7% lên 23.800 đồng, VGS +2,7%, OCH +1,5% và PVL tăng kịch trần +5,3% lên 2.000 đồng.
Còn lại phần lớn đều giảm, với SHS -3,1% xuống 6.200 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 6,55 triệu đơn vị.
Giảm sâu khác đáng kể là PVS -7,3% xuống 17.700 đồng, IDC -6,3% xuống 26.800 đồng, PVC -9% xuống 9.100 đồng và ART giảm sàn -7,1% xuống 1.300 đồng, khớp 1,08 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 2 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng chỉ có được sắc xanh trong nửa đầu phiên, trước khi quay đầu về dưới tham chiếu ở nửa sau của phiên khi áp lực bán gia tăng.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,5%), xuống 66,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,5 triệu đơn vị, giá trị 163,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,56 triệu đơn vị, giá trị 35,4 tỷ đồng.
Các cổ phiếu nhỏ đua nhau giảm sàn như PVX, PPI, DPS, DIC, trong khi nhiều cổ phiếu lùi về tham chiếu với DCS, SBS, PVV, NTB, GTT, PFL, ACM, KSH… Trong đó, PVX phiên này thanh khoản cao nhất UpCoM với 5,8 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu BSR, HVG, C4G, ABB chìm trong sắc đỏ, với BSR -3,2% xuống 12.100 đồng, khớp 4,66 triệu đơn vị.