Giao dịch chứng khoán phiên sáng 18/11: Rung lắc mạnh ngày đáo hạn phái sinh

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 18/11: Rung lắc mạnh ngày đáo hạn phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường rung lắc khá mạnh từ sớm với một số cổ phiếu lớn và nhóm ngân hàng gây sức ép, trong khi giao dịch vẫn rất sôi động ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với không ít mã đã tiếp tục tăng nóng từ rất sớm.

Trong phiên hôm qua, đặc biệt trong phiên giao dịch chiều, dòng tiền đã quay trở lại thị trường khá tốt giúp VN-Index tăng hơn 9 điểm, và nhiều mã nhỏ trở lại đà tăng phi mã trước đó. Tổng số mã tăng giảm cũng khá cân bằng, ngoại trừ thanh khoản giảm là điểm cần lưu tâm.

Bước sang phiên giao dịch hôm nay (18/11), sự thận trọng đã nhanh chóng quay trở lại, sau những phút "nối dài" đà tăng điểm phiên hôm qua thì sau 1h giao dịch thì trường lại chìm trong sắc đỏ với VN-Index mất gần 10 điểm so với lúc cao nhất đầu phiên. Thanh khoản tăng khá mạnh sau cú sụt giảm nhanh, giúp cho riêng phiên sáng nay trên HOSE giá trị khớp lệnh gần bằng cả phiên ngày hôm qua.

Điều đáng chú ý là số mã giảm giá liên tục duy trì lớn hơn đáng kể số mã tăng giá, số mã tăng giá trần cũng giảm đi, nhưng vẫn duy trì trên 10 mã. Một số cái tên có thể kể tới như SJF, PLP, ITA, IDI,... có sức mua cực tốt, luôn dư mua giá trần ở mức cao.

Một điểm cần quan tâm nữa trong phiên hôm nay là dòng tiền tiếp tục luân chuyển, nếu như phiên hôm qua nhóm dầu khí tăng khá tốt thì hôm nay hầu hết đều quay đầu giảm điểm. Hiện chỉ còn nhóm chứng khoán duy trì được sức mạnh của mình, đầu tàu SSI đã được kéo lên khớp lệnh ở mức trần. SSI có thông tin tích cực về việc tiếp tục tăng vốn.

Vấn đề của thị trường hiện tại đó là nhóm trụ ngân hàng và thép, nếu như ngân hàng có sự phân hóa khá rõ, tăng giảm điểm với biên độ không lớn qua từng phiên và hầu hết là đi ngang không mang đến tác động đáng kể với VN-Index, thì nhóm thép vẫn chuỗi ngày giảm điểm khá mạnh tác động xấu tới chỉ số chung.

Nếu các nhóm trụ này không thay đổi diễn biến thì thị trường chung rất khó tăng điểm mạnh, mà sẽ chỉ biến động theo kiểu tích lũy. Một cú bán mạnh hoàn toàn có thể khiến điểm số giảm sâu. Sự yếu đi của nhóm trụ cũng đang được thể hiện rất rõ khi khoảng cách giữa VN-Index và VN30-Index đang rất tiệm cận nhau, điểm không xảy ra nửa đầu năm.

Sáng nay, Báo Đầu tư tổ chức Tọa đàm "Thị trường chứng khoán: Khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp, kênh đầu tư sinh lời và tích sản", phát trực tuyến trên fanpage facebook.com/tinhanhchungkhoan. Tại Tọa đàm các chuyên gia đều tin tưởng thị trường chung sẽ tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên, việc quá chú trọng vào đầu tư mang tính đầu cơ lướt sóng có thể sẽ mang lại những rủi ro nhất định.

Về diễn biến chính phiên giao dịch sáng nay 18/11, đà hồi phục tiếp diễn ngay sau khi mở cửa, chỉ số VN-Index leo nhanh lên trên 1.480 điểm. Tuy nhiên, lực bán tại đây đã gia tăng, nhất là tại nhóm VN30 và khiến chỉ số đảo chiều khá nhanh về dưới sắc đỏ, và chỉ nhờ giao dịch sôi động ở nhiều mã vừa và nhỏ, cùng VIC bật lên đã giúp VN-Index trồi lên tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch

Dòng tiền vẫn đang luân chuyển ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, và phiên hôm nay chọn đến PXS, PLP, HHS, TCH, PTL, MCG, TNI, ASM, IDI, QCG, CTI, EVG, SRG, KHP, DAG... khi tất cả đều tăng hết biên độ từ khá sớm.

Trong khi đó, nhóm bluechip gây sức ép lớn đến chỉ số, đặc biệt ở một số mã lớn như VHM, GAS, HPG đang lấn át sức bật của VIC. Bên cạnh đó là hầu hết nhóm ngân hàng, khi chỉ còn lác đác vài sắc xanh nhạt tại HDB, MSB và STB.

Nhà đầu tư cần lưu ý là hôm nay là đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30F2111 nên biến động mạnh là có thể xảy ra, nhất là khoảng thời gian cuối phiên.

Sau nhịp giảm khá nhanh đầu phiên, thị trường chững lại sau đó khi VN-Index gần như chỉ bò ngang quanh tham chiếu, nhưng thời gian này cũng chỉ kéo dài 30 phút, với sự khởi sắc ở nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán và thanh khoản tăng mạnh thúc đẩy tâm lý thị trường đã kéo chỉ số tăng trở lại lên trên 1.480 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 212 mã tăng và 242 mã giảm, VN-Index tăng 6,06 điểm (+0,41%), lên 1.481,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 650,1 triệu đơn vị, giá trị 20.410,2 tỷ đồng, tăng 33% về khối lượng và 40% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,1 triệu đơn vị, giá trị 954,1 tỷ đồng.

Các bluechip tiếp diễn phân hóa mạnh, trong đó, một số mã lớn gây sức ép từ sớm là HPG và GAS, khi kéo lùi VN-Index 2 điểm, và sự cân bằng được thiết lập nhờ BID, SSI và VIC.

Theo đó, HPG -2,1% xuống 50.300 đồng, GAS -1,6% xuống 115.500 đồng. Còn BID +2,5% lên 44.700 đồng, VIC +0,7% lên 97.000 đồng và đặc biệt là SSI, khi cùng sóng cổ phiếu công ty chứng khoán tăng vọt lên mức giá trần +7% lên 49.050 đồng.

Còn lại chỉ còn 2 mã đáng chú ý là POW +3,9% lên 14.700 đồng, khớp hơn 22,6 triệu đơn vị, HDB +2,9% lên 28.600 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều cổ phiếu suy trì sắc tím như TCH, ITA, HHS, ASM, JVC, QBS, TNI, HAR, MHC, PXS, HAP, TLD, PTL, DAG, IDI, MCG, QCG, CTI, TCO, SJF…thanh khoản đều rất cao, từ 1 triệu đến gần 10,7 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác quen thuộc cũng có mức tăng mạnh như FLC +5,1% lên 15.350 đồng, HQC +6,6% lên 6.830 đồng, ROS +3,9% lên 7.440 đồng, HAG +2,2% lên 8.380 đồng, GEX +5,2% lên 48.300 đồng, SCR +5,3% lên 18.950 đồng, CII +6% lên 30.850 đồng, FIT +3,9% lên 15.950 đồng, DXG +3,9% lên 27.700 đồng, tất cả đều là các mã thanh khoản cao nhất sàn HOSE, khớp từ 7,3 triệu đến hơn 21,6 triệu đơn vị…

Như đã đề cập, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán bật tăng, ngoài SSI thì VIX cũng đã tăng hết biên độ lên 32.400 đồng. Các mã khác như VND +6,3% lên 79.000 đồng, AGR +5,4% lên 25.400 đồng, CTS +5,3% lên 45.050 đồng, HCM +5,2% lên 47.650 đồng, VCI +4,8% lên 76.100 đồng, FTS +3,8% lên 74.000 đồng, VDS +3,6% lên 40.550 đồng, ORS +3,2% lên 28.900 đồng.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu thép giảm mạnh nhất, ngoài HPG nêu trên thì HSG -4,1% xuống 40.750 đồng, NKG -4,2% xuống 44.350 đồng, TLH -4,4% xuống 20.700 đồng,VIS -3,5% xuống 18.150 đồng, POM -2,1% xuống 16.100 đồng, với HSG khớp hơn 9,6 triệu đơn vị và NKG khớp hơn 8,5 triệu đơn vị…

Cặp đôi ngành phân bón DCM và DPM dắt tay nhau đi xuống, mất trên dưới 2%, khớp lệnh 6,7 triệu và 7,4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có diễn biến tương tự, khi tăng nhanh vào đầu phiên và có nhịp giảm khá mạnh, thủng tham chiếu sau đó, trước khi bật tăng mạnh mẽ về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 136 mã tăng và 117 mã giảm, HNX-Index tăng 4,82 điểm (+1,04%), lên 467,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 101,3 triệu đơn vị, giá trị 2.605,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,7 triệu đơn vị, giá trị 55,2 tỷ đồng.

Giao dịch khởi sắc ở gần gần 50 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất sàn, với chỉ PVS, PVC, IDC và LAS giảm, còn lại đều kết phiên tăng điểm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu ART, LIG, VIG, CVN, S99, VKC còn tăng kịch trần, với ART phiên này đón sóng cổ phiếu công ty chứng khoán đã có khối lượng giao dịch vượt trội với 7,5 triệu đơn vị khớp lệnh, cao nhất sàn.

Các mã cùng ngành như SHS +5,8% lên 51.400 đồng, MBS +3,7% lên 44.300 đồng, BVS +4,4% lên 43.000 đồng, APS +8,4% lên 59.300 đồng…

Ngoài ra, không thể không nhắc đến CEO, khi tiếp tục leo lên sắc tím +9,9% lên 28.800 đồng, khớp hơn 3,35 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,3 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, diễn biến tương đối phân hóa ở nhóm các cổ phiếu có thanh khoản tốt, nhưng với một số mã lớn bật lên đã giúp UpCoM-Index kết phiên tăng khá tốt.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,92 điểm (+0,82%), lên 113,13 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 79,78 triệu đơn vị, giá trị 1.614,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,68 triệu đơn vị, giá trị 74,1 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu nhỏ khởi sắc nhất tại VHG, KSH và SDD, khi đều tăng kịch trần, với VHG dẫn dầu thanh khoản UpCoM với hơn 8,7 triệu đơn vị khớp lệnh.

Cặp đôi dầu khí BSR và OIL chìm trong sắc đỏ, còn cổ phiếu thép TVN chung sóng giảm, mất 5,8% xuống 17.800 đồng.

Đáng chú ý, cổ phiếu ngân hàng PGB có phiên tăng trần thứ hai liên tiếp +14,7% lên 35.900 đồng, khớp hơn 0,49 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan