Giao dịch chứng khoán phiên sáng 18/1: Sự thận trọng dâng cao trong ngày đáo hạn phái sinh

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 18/1: Sự thận trọng dâng cao trong ngày đáo hạn phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà đầu tư có phần chậm lại khi sức hút từ các nhóm trụ cột như ngân hàng, chứng khoán và thép đã có dấu hiệu chững lại, trong khi phiên đáo hạn phái sinh vào hôm nay càng khiến tâm lý thận trọng hơn được đề cao.

Trong phiên hôm qua, các nhóm cổ phiếu trụ cột vẫn đang xoay vòng hỗ trợ cho thị trường. Sau dòng bank và thép, các cổ phiếu chứng khoán đua nhau nổi sóng giúp VN-Index nhanh chóng bật tăng lên gần 1.170 điểm.

Tuy nhiên, áp lực bán dần gia tăng về cuối phiên, khiến VN-Index lùi về tham chiếu, giằng co và rung lắc trước khi đóng cửa mất điểm nhẹ. Thanh khoản là điểm tích cực nhờ dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 18/1, giao dịch chậm lại đáng kể, thanh khoản èo uột và mức độ phân hóa cao trên bảng điện tử, nhưng mức độ biến động giá gần như chỉ ở mức thấp, chỉ số VN-Index chỉ nhích nhẹ trên tham chiếu nhờ sắc xanh hiện diện tốt hơn ở nhóm VN30.

Sự thận trọng của nhà đầu tư là dễ hiểu, khi hôm nay là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2401.

Lác đác một vài cái tên nổi bật trên thị trường như VFG tăng kịch trần lên 38.500 đồng, khớp lệnh dù chỉ gần 0,3 triệu đơn vị, nhưng cũng là mức cao trong khoảng thời gian dài.

Hai cổ phiếu công ty chứng khoán BSI tăng hơn 5% và ORS nhích hơn 3%, hôm nay cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền bán ưu đãi 100 triệu cổ phiếu ORS cho cổ đông theo tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi các cổ phiếu ST8, HSL giảm sàn, và các mã RDP, FIR tiếp tục bị bán khá mạnh với mức giảm 5-6%.

Thị trường khép lại phiên sáng đầy thận trọng và buồn tẻ, khi phía trước trong phiên chiều sẽ đáo hạn hợp đồng phái sinh, nhà đầu tư giữ thế phòng thủ chặt và đứng ngoài, thanh khoản sụt giảm mạnh, bảng điện tử phân hóa cao khiến các chỉ số biến động không đáng kể.

Chốt phiên, sàn HOSE có 189 mã tăng, 118 mã đứng tham chiếu và 233 mã giảm, VN-Index tăng 1,72 điểm (+0,15%), lên 1.164,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 235,9 triệu đơn vị, giá trị 5.075 tỷ đồng, giảm hơn 43% về khối lượng và 44% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 6,6 triệu đơn vị, giá trị 239,7 tỷ đồng.

Phản ánh sự thận trọng cao hơn ở nhóm bluechip trong rổ VN30, khi chỉ duy nhất VHM là mã có biên độ giá cao hơn 1% với mức tăng 1,1% lên 42.350 đồng.

Phần còn lại ít thay đổi về giá, kể cả ở những mã giảm điểm. Trong đó, MWG, ACB, BID, TCB, VNM, MSN, GAS tăng 0,1% đến 0,6%, và PLX, VJC, BCM, MBB, CTG, SHB mất 0,1% đến 0,8%, trong khi HPG, VCB, VIC, VRE đứng tham chiếu.

Thanh khoản hai mã ngân hàng MBB và SHB cao nhất nhóm và cũng đồng thời dẫn đầu sàn với hơn 10 triệu và 9,8 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, chỉ một số ít riêng lẻ bứt lên đáng chú ý như VFG giữ giá trần +6,9% lên 38.500 đồng, khớp 0,27 triệu đơn vị; BSI +4,4% lên 52.800 đồng, khớp 0,56 triệu đơn vị; TTA +3,7% lên 8.220 đồng, khớp 3,21 triệu đơn vị; LPB +3,6% lên 17.500 đồng, khớp 9,47 triệu đơn vị; NLG +3,2% lên 38.400 đồng; TIP +2,9% lên 23.450 đồng, khớp 0,86 triệu đơn vị; ORS +2,7% lên 15.350 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, các cổ phiếu RDP, ST8 và HSL bị đẩy về giá sàn, khớp từ hơn 1 triệu đến 1,87 triệu đơn vị. Cổ phiếu FIR mất 5,9% xuống 12.000 đồng, khớp 0,51 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nhịp tăng nhẹ đầu phiên đã lùi bước về dưới tham chiếu, trước khi bật hồi vào cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 47 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index gần như không đổi ở mức 229,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 21,48 triệu đơn vị, giá trị 366,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chưa xuất hiện.

Các cổ phiếu phần lớn ít thay đổi về giá, với các mã CEO, MBS, MST, IDC, AAV VC3 nhích nhẹ, trong khi MBG, PVS, TIG, TNG, LIG, GKM giảm nhẹ, khớp từ 0,21 triệu đến hơn 3,1 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác như SHS, HUT, C69, IDJ, TTH, LAS đứng giá tham chiếu, trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 4,2 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, sắc đỏ xuất hiện nhiều hơn vào cuối phiên cũng đã khiến UpCoM-Index lùi về dưới tham chiếu, dù mức giảm chỉ ở mức thấp.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,05%), xuống 86,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 13,8 triệu đơn vị, giá trị 209,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,47 triệu đơn vị, giá trị 98,3 tỷ đồng.

Cổ phiếu nổi bật nhất là mã nhỏ TIE khi tăng kịch trần +13,3% lên 5.100 đồng, khớp 0,15 triệu đơn vị.

Các mã thanh khoản cao hơn phần lớn giảm như BVB, VTP, ABB, VEA, HVA, BCR, dù mức giảm cũng chỉ trên dưới 1,5%.

Trong khi đó, BSR +0,54% lên 18.500 đồng và thanh khoản cao nhất UpCoM với chỉ 1,45 triệu đơn vị khớp lệnh.

Tin bài liên quan