Từ cuối tháng 7, thị trường đã có chuỗi phiên hồi phục tích cực từ vùng 1.180 điểm leo lên 1.275 điểm. Đáng chú ý, trong đợt hồi phục này, thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể trong 2 tuần đầu của tháng 8, lên mức cao nhất gần 4 tháng. Tuy nhiên, sau phiên điều chỉnh ngày 11/8 với thanh khoản cao nhất kể từ 22/4, nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn khiến thanh khoản phiên cuối tuần 12/8 sụt giảm mạnh dù VN-Index đã nhanh chóng lấy lại đà tăng.
Bước vào tuần giao dịch mới, sự thận trọng tiếp tục được nhà đầu tư đề cao khiến thanh khoản trở lại như ngưỡng tháng trước tháng 8 và do đó, VN-Index thiếu động lực để bứt phá, chỉ đi ngang tích lũy quanh ngưỡng 1.275 điểm.
Trong phiên sáng nay, tình hình vẫn không có sự cải thiện khi dòng tiền vẫn tỏ ra dè dặt, tuy nhiên với sự hỗ trợ của một số mã lớn như VIC, VHM, nhóm ngân hàng, VN-Index vẫn duy trì sắc xanh và đang trên đà lấp lại khoảng trống được tạo ra trên đồ thị ngày 13/6. Nếu vượt cản ở khu vực 1.280 điểm thành công, chỉ số sẽ tiếp tục hướng lên khu vực 1.325 điểm.
Nhóm ngân hàng lúc đầu có sắc xanh khá tốt và lan tỏa đồng đều cũng đã bắt đầu có sự phân hóa và sắc đỏ đang dần chiếm ưu thế, chỉ còn MBB, HDB, VPB, CTG, TCB và ACB giữ được sắc xanh.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán tiếp tục hút dòng tiền và đồng loạt tăng giá, ngoại trừ 2 mã APG và TVS giảm nhẹ.
Nhóm bất động sản có 3 sắc tím tại HDC, NHA và ITC, trong khi bộ 3 nhà Vingroup có mức tăng khá tốt, nhất là VIC tăng 1,8%, hỗ trợ đắc lực cho thị trường.
Trong khi đó, nhóm thép bị chốt lời sớm khi đồng loạt giao dịch trong sắc đỏ, trong đó HPG vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường.
Dòng tiền yếu, nên khi bên bán chỉ ra tăng thêm chút lực, VN-Index nhanh chóng bị đẩy ngược trở lại sát tham chiếu trước khi kịp nhích lên và đóng cửa phiên sáng với sắc xanh nhạt. Xem ra, ngưỡng 1.280 điểm vẫn đang là ngưỡng cản cứng với VN-Index hiện nay.
Chốt phiên, VN-Index tăng 1,94 điểm (+0,15%), lên 1.276,63 điểm với 197 mã tăng, trong khi số mã giảm đã nhỉnh hơn với 213 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 359 triệu đơn vị, giá trị 8.923,4 tỷ đồng, tương đương với phiên sáng qua về khối lượng và nhỉnh hơn một chút về giá trị. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17,9 triệu đơn vị, giá trị 414,8 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, PDR bất ngờ bứt lên trở thành mã tăng mạnh nhất với 3,3% lên 56.300 đồng, thanh khoản hơn 2,9 triệu đơn vị, dù có lúc giao dịch dưới tham chiếu. MBB và VIC cùng giữ đà tăng 1,8% lên 27.750 đồng, khớp gần 10,6 triệu đơn vị và 67.100 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị. HDB là mã còn lại trong rổ tăng hơn 1% với mức tăng 1,5% lên 26.750 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Trong khi đó, SAB là mã giảm mạnh nhất nhóm VN30 với mức giảm 1,9% xuống 184.400 đồng. HPG là mã giảm mạnh thứ 2 với mức giảm 1,2% xuống 24.250 đồng, khớp gần 16 triệu đơn vị, cao nhất sàn. Ngoài ra, có thêm GAS giảm 1% xuống 112.400 đồng, thanh khoản gần 700.000 đơn vị.
Trong các nhóm ngành, nhóm ngân hàng ngoài MBB và HDB có thêm các sắc xanh tại TCB, MSB, VPB, ACB, TPB, CTG, nhưng mức tăng rất khiêm tốn. Trong khi các mã giảm có BID, LPB, OCB, STB và SHB, nhưng mức giảm cũng nhẹ, dưới 1%. Số còn lại là VCB, VIB, SSB, EIB đứng giá tham chiếu.
Trong khi nhóm chứng khoán ngoài APG và TVS giảm từ sáng, có thêm AGR và VND lùi về tham chiếu, còn lại đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là VCI tăng 3,2% lên 37.150 đồng, HCM tăng 1,9% lên 27.300 đồng. Về thanh khoản, SSI và VND vẫn là 2 mã có sức hút nhất trong nhóm khi có khớp lần lượt gần 13,9 triệu đơn vị và gần 11,9 triệu đơn vị, trong đó SSI tăng nhẹ 0,4% lên 24.700 đồng.
Nhóm bất động sản không có nhiều thay đổi khi sắc xanh vẫn chiếm thế áp đảo và 3 sắc tím được duy trì từ đầu phiên. Trong khi đó, ở số ít mã giảm, đáng chú ý có NVT giảm 2,7% xuống 16.300 đồng, là mã giảm mạnh nhất trong nhóm.
Thông tin liên quan tới NVT là phần lớn cổ phiếu đang lưu hành đã được quy về một mối khi Công ty TNHH NVT Holdings vừa mua thêm 5.826.280 cổ phiếu NVT để nâng sở hữu từ 87,8% lên 94,2% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 8/8/2022.
Sau thay đổi về cổ đông, sắp tới công ty này dự kiến cũng có sự thay đổi lớn trong ban lãnh đạo sau ĐHCĐ bất thường dự kiến tổ chức vào đầu tháng 9.
HNX-Index cũng có diễn biến tương tự VN-Index khi bị đẩy rất mạnh từ mức đỉnh của phiên 305,2 điểm xuống sát tham chiếu, nhưng vẫn giữ được sắc xanh nhạt trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,35 điểm (+0,12%), lên 303,37 điểm với 77 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,9 triệu đơn vị, giá trị 1.029 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,6 triệu đơn vị, giá trị 29 tỷ đồng.
SHS và CEO là 2 mã có thanh khoản tốt nhất trên sàn với hơn 7,1 triệu đơn vị và hơn 5 triệu đơn vị, đóng cửa đều tăng, trong đó SHS tăng nhẹ 0,7% lên 14.900 đồng, còn CEO tăng 2% lên 35.800 đồng.
Các mã khác trong top 10 thanh khoản cũng đồng loạt tăng như TVC tăng 3,1% lên 10.000 đồng, HUT tăng 0,3% lên 29.300 đồng, cùng khớp hơn 2 triệu đơn vị, hay IDC tăng 0,3% lên 64.900 đồng, khớp gần 1,4 triệu đơn vị. Ngoại trừ, PVS điều chỉnh giảm 1,6% xuống 25.400 đồng, khớp 4,28 triệu đơn vị.
UPCoM cũng có diễn biến tương tự 2 sàn niêm yết khi có cú lao mạnh trong ít phút cuối phiên và không may mắn như 2 sàn niêm yết khi trở lại tham chiếu 92,84 điểm với 118 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27 triệu đơn vị, giá trị 550 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3 triệu đơn vị, giá trị 88,9 tỷ đồng.
Cũng như 2 sàn niêm yết, các mã dầu khí cũng đồng loạt giảm trên UPCoM, trong đó BSR giảm 2,4% xuống 24.300 đồng, thanh khoản cao nhất 8,6 triệu đơn vị.