Giao dịch chứng khoán phiên sáng 17/11: Nhiều nhóm cổ phiếu tiếp tục tăng trần, thanh khoản chậm lại

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 17/11: Nhiều nhóm cổ phiếu tiếp tục tăng trần, thanh khoản chậm lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những nhóm cổ phiếu bị bán không tiếc tay gần đây đã có sự hồi phục mạnh mẽ với sắc tím đua nở như bất động sản, thép đang là động lực lớn cho kỳ vọng vào một đợt hồi phục ngắn hạn của thị trường.

Trong phiên hôm qua, về tổng thể, có những dấu hiệu lạc quan. Đầu tiên là thanh khoản có tăng kết hợp với điểm số tăng tốt tạo ra một dấu hiệu đảo chiều tin cậy trong ngắn hạn, dù mức trên 14.000 tỷ đồng của sàn HOSE vẫn không phải quá lớn, nhưng xét về khối lượng cổ phiếu giao dịch thì khá ấn tượng với hơn 930 triệu cổ phiếu được trao tay, đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022.

Tiếp theo là một số nhóm trụ cột như ngân hàng, thép, chứng khoán đã nhận được sức cầu tốt.

Tuy nhiên, một phiên phục hồi không nói lên được quá nhiều điều khi các khó khăn của nhóm bất động sản vẫn còn nguyên do trái phiếu và do thị trường địa ốc trầm lắng.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 17/11, thị trường vẫn nối đà tăng điểm trước đó khi khi mở cửa với sắc xanh tràn ngập bảng điện tử, trong đó không ít đã chạm sắc tím từ sớm, với sự tập trung cao ở nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, nhóm cổ phiếu vốn đã bị bán tháo rất mạnh gần đây.

Theo đó, những DIG, DXG, HQC, SCR, ITA, NLG, DLG, HHS, DRH, HBC, TCD, QCG đã chạm giá trần với thanh khoản cao.

Cùng với đó, nhiều cổ phiếu công ty chứng khoán nguyên vật liệu, nông nghiệp vừa và nhỏ cũng đã tăng hết biên độ như HSG, NKG, VIX, FTS, APG, TVB, HAG, TTF, GIL…

Đáng chú ý nhất là cổ phiếu “quốc dân” HPG cũng đã tăng kịch trần +6,7% lên 14.250 đồng, khớp lệnh đang dẫn đầu HOSE với hơn 18,2 triệu đơn vị.

Về chỉ số, VN-Index sau nhịp tăng mạnh đầu phiên đã bắt đầu chững lại quanh mức 960 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch, do một số bluechip đang thiếu đi sức bật mới, đa số chỉ nhích trên dưới 2%.

Trái lại, hai cổ phiếu NVL và PDR vẫn chưa thoát được giá sàn, với PDR đang dư bán sàn hơn 111 triệu đơn vị, NVL dư bán sàn gần 53 triệu đơn vị.

Đáng chú ý trong phiên sáng nay, số mã tăng trần đã co hẹp lại với gần 60 mã so với hơn 150 mã ngày hôm qua, lực mua cũng giảm hơn khi đến gần 11h, thanh khoản trên HOSE mới đạt trên 4.400 tỷ đồng.

Chậm lại quanh 960 điểm, thị trường bật thêm đôi chút nhờ cổ phiếu VIC chạm giá trần, nhưng thanh khoản chậm lại và nhiều bluechip không giữ được mức giá cao nhất trong phiên đã khiến VN-Index hạ độ cao về gần 960 điểm khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 351 mã tăng (53 mã tăng trần) và 66 mã giảm, VN-Index tăng 18,56 điểm (+1,97%), lên 961,46 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 364,4 triệu đơn vị, giá trị 5.256,3 tỷ đồng, giảm hơn 45% về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 44 triệu đơn vị, giá trị 690 tỷ đồng.

Đóng góp tích cực nhất cho VN-Index phiên này là VIC, khi tăng 6,6% lên 64.400 đồng, khớp 2,75 triệu đơn vị.

Các bluechip khác tăng mạnh phải kể đến HPG và GVR, khi kết phiên cũng tại giá trần, lần lượt 14.250 đồng và 11.400 đồng, với HPG khớp hơn 19,55 triệu đơn vị và GVR khớp 1,26 triệu đơn vị.

Tăng mạnh khác còn có STB +5,3% lên 17.000 đồng, VRE +4,7% lên 27.800 đồng, SSI +3,7% lên 15.400 đồng, MWG +3,3% lên 41.800 đồng, KDH +3,2% lên 20.900 đồng, TCB +3,2%, VHM +3,1%, ACB +2,9%, VIB +2,8%. Các cổ phiếu HDB, VCB, FPT, GAS, CTG, MBB, BID nhích từ 1,3% đến 2%. Trong đó, STB vươn lên là cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao nhất thị trường với 21,6 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, chỉ bốn cổ phiếu giảm, với TPB và PLX giảm nhẹ, trong khi NVL và PDR vẫn giảm sàn, với khối lượng dư bán sàn PDR hơn 112 triệu đơn vị, NVL dư bán sàn gần 53 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhiều mã bất động sản, xây dựng nối tiếp đà hồi phục và tăng kịch trần, dù không thăng hoa như phiên hôm qua với SGR, HHS, ITA, NHA, NLG, TDG, HAR, QCG, SCR, TCD, DRH, DLG, HQC…Trong khi đó, DXG tăng gần mức giá trần +6,8% lên 9.740 đồng, VPI +5,5% lên 55.800 đồng, còn cổ phiếu đáng chú ý nhất là DIG chỉ còn +3,2% lên 11.150 đồng, dù có thời điểm tăng trần, khớp 12,3 triệu đơn vị.

Tỏa sáng không kém là ở nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu, nông nghiệp, dịch vụ, thủy sản, với HSG, NKG, POM, TLH, HAG, QBS, GIL, các công ty chứng khoán với VIX, APG, FTS và cổ phiếu ngân hàng LPB, khi đều đã tăng hết biên độ.

Trái lại một số cổ phiếu giảm sâu như EIB, HPX và NBB, khi đều giảm sàn, với HPX mất thanh khoản, chỉ khớp được 2.400 đơn vị, trong khi còn dư bán sàn hơn 27 triệu đơn vị.

Sắc đỏ khác không nhiều, với PVD, ABS, KBC, nhưng mức giảm không lớn, thanh khoản khớp lệnh từ 2,77 triệu đến hơn 5,4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, lực mua cũng chững lại ở nửa sau của phiên khiến HNX-Index không giữ được mức đỉnh của phiên sau khi mở cửa tăng nhanh.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 137 mã tăng (47 mã tăng trần) và 33 mã giảm, HNX-Index tăng 3,64 điểm (+1,99%), lên 187,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43 triệu đơn vị, giá trị 441,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 14 tỷ đồng.

Khá nhiều cổ phiếu vẫn tăng tốt và chạm giá trần như SHS, CEO, TNG, BII, TKC, AMV, API, APS, VGS, ITQ…

Trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn với gần 10 triệu đơn vị, CEO khớp 3,72 triệu đơn vị, TNG khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Nhóm IDC, IDJ, HUT, TAR, MBS, PVC tăng từ gần 4% đến hơn 6%, trong khi MST, TIG, MBG, nhích trên dưới 2%.

Đáng tiếc là cổ phiếu PVS khi đã lùi về tham chiếu tại 19.200 đồng, khớp hơn 3 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng có nhịp tăng mạnh ngay khi mở cửa và cũng chững lại sau đó, giằng co quanh mức cao nhất phiên đạt được cho đến khi nghỉ trưa.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,76 điểm (+1,16%), lên 66,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,1 triệu đơn vị, giá trị 158,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,62 triệu đơn vị, giá trị 33,9 tỷ đồng.

Dù vậy, nhiều cổ phiếu quen thuộc trên UpCoM giao dich rất tích cực như BSR, PAS, SBS, PXL, VHG, PFL, FTM, LCM, VTP, CEN, VLC, G36…khi đều kết phiên ở mức giá trần.

Trong đó, BSR là cổ phiếu thanh khoản cao nhất UpCoM với hơn 3 triệu đơn vị, PAS theo sau ngay với 1,9 triệu đơn vị, SBS khớp 1,22 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan