Trong phiên hôm qua, sự trở lại của nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng đã tiếp sức giúp thị trường tiếp tục tiến bước, VN-Index dù có thời điểm rung lắc, nhưng cũng đã bật tăng gần 12 điểm lên gần 1.275 điểm khi đóng cửa.
Dù vậy, thanh khoản chưa có sự tăng đột biến mà khá cầm chừng, chỉ vượt nhẹ mức 15.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng và để VN-Index sớm hướng lên vùng kháng cự mạnh 1.290-1.300 điểm thì thị trường cần nhận được sự tham gia tích cực của dòng tiền.
Câu chuyện hiện tại của thị trường đó là nhịp tăng của VN-Index hơn 1 tháng qua là nhịp hồi phục ngắn hạn trong xu hướng giảm điểm (hàm ý là thị trường còn giảm nữa) hay là nhịp tăng ổn định, hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng vì các phân tích không ủng hộ rõ cho phương án nào. Ngoài ra, về ngắn hạn, diễn biến tăng tập trung vào nhóm cổ phiếu trụ vài phiên trở lại đây liệu có phải là cách "kéo trụ để xả" như đã từng xảy ra trong quá khứ. Câu trả lời chính xác có lẽ chỉ có trong vài tuần tới.
Chi tiết phiên giao dịch sáng nay 16/8, lực bán đã xuất hiện từ sớm, dù không quá quyết liệt nhưng cũng đủ khiến bảng điện tử bị sắc đỏ chi phối với hơn 260 mã, gấp đôi số mã tăng, trong khi một số bluechip như PLX, HPG, MWG hoạt động tốt đã giúp VN-Index “cầm cự”, giao dịch chủ yếu là giằng co quanh tham chiếu với biên độ hẹp.
Đáng chú ý, nếu như trong phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng là điểm sáng, thì sang phiên sáng nay đến lượt nhóm cổ phiếu thép, với các cổ phiếu HPG, HSG, NKG đang thuộc top thanh khoản cao nhất sàn, với HSG và NKG nhích trên dưới 4%, HPG tăng hơn 2%, các mã TLH tăng hơn 3,5%, SMC tăng hơn 2,5%... Trong đó, HPG khớp lệnh được hơn 33,3 triệu đơn vị chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch.
Giao dịch ở nửa sau của phiên không có thêm diễn biến mới nào đáng kể, khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đều chìm trong sắc đỏ, dù mức giảm chỉ ở mức thấp, trong khi nhóm cổ phiếu thép nâng đỡ, VN-Index theo đó tiếp tục giằng co quanh tham chiếu trong biên độ hẹp.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 167 mã tăng và 234 mã giảm, VN-Index giảm 0,32 điểm (-0,03%), xuống 1.273,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 360,5 triệu đơn vị, giá trị 8.396,5 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 28,3 triệu đơn vị, giá trị 646,6 tỷ đồng.
Các trụ cột phân hóa và phần lớn chỉ biến động nhẹ, trừ một vài cổ phiếu như HPG +2,3% lên 24.550 đồng và là cổ phiếu tăng tốt nhất trong rổ VN30, khớp lệnh hơn 42,4 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.
Tiếp theo chỉ còn PLX +2,1% lên 43.000 đồng, MWG +1,4% lên 65.900 đồng, các cổ phiếu NVL, MSN, BVH, VNM, SAB, POW, KDH chỉ nhích nhẹ.
Ở chiều ngược lại, cũng không mã nào giảm sâu, với ACB dù là cổ phiếu duy nhất mất 1% xuống 24.700 đồng, còn các mã như GAS, VIC, SSI, VJC, VRE, VHM cùng các cổ phiếu ngân hàng trong rổ VN30 đều chỉ giảm nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã ngành thép nổi trội và có sự đồng thuận cao, dù mức tăng cũng đã bị chặn lại, ngoài HPG nêu trên thì NKG +3% lên 22.400 đồng, khớp lệnh đứng ngay sau HPG trên sàn với 15,1 triệu đơn vị, HSG +1,9% 21.950 đồng, khớp 11,56 triệu đơn vị, TLH +2,8% lên 10.850 đồng, SMC +2,3% lên 20.400 đồng.
Đáng chú ý còn có cặp đôi HAG-HNG, khi cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, khớp lệnh HNG đứng thứ ba trên sàn với 14,5 triệu đơn vị, giá cổ phiếu tăng 3,9% lên 7.380 đồng, trong khi HAG khớp 11,1 triệu đơn vị, tăng nhẹ 0,8% lên 12.450 đồng.
Một vài cổ phiếu đơn lẻ khác đáng kể như TNI và VDS, khi đều tăng kịch trần lên 4.980 đồng và 14.050 đồng, khớp lần lượt 2,1 triệu và 1,87 triệu đơn vị.
Tăng khá khác còn tại DRC +3% lên 30.700 đồng, TLG +3,1% lên 56.700 đồng, CII +3,2% lên 24.450 đồng, VSH +3,3% lên 40.500 đồng, các mã TCM, HT1, VOS, TDP, TNT, NHA, LCG, SAM, CTD, DGW tăng từ 2% đến gần 3%.
Trái lại, sắc đỏ dù chiếm đa số trên bảng điện tử, nhưng không nhiều cổ phiếu giảm sâu, đáng kể nhất có lẽ là TGG -3,6% xuống 8.150 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nửa đầu phiên giằng co nhẹ quanh tham chiếu đã dần đuối sức và chìm trong sắc đỏ, nhưng lực bán nhìn chung cũng không lớn đã giúp chỉ số này chỉ giảm nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 54 mã tăng và 114 mã giảm, HNX-Index giảm 0,73 điểm (-0,24%), xuống 303,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,4 triệu đơn vị, giá trị 850,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,1 triệu đơn vị, giá trị 65,8 tỷ đồng.
Trong số các cổ phiếu giảm, ngoài BII -6,8% xuống 5.500 đồng, thì đa số chỉ giảm nhẹ như PVS, IDJ, AMV, TVC, APS, PVC, MBS, IDC, DDG chỉ mất trên dưới 1%.
Trong đó, PVS khớp lệnh cao nhất HNX với hơn 4,95 triệu đơn vị, theo sau là hai SHS và CEO với 4,61 triệu và 2,44 triệu đơn vị khớp lệnh và cả hai đều đứng tham chiếu.
Một vài còn tăng như TNG +2,2% lên 28.500 đồng, MBG +2,4% lên 8.750 đồng, PLC +3,5% lên 29.400 đồng, BCC +4,4% lên 16.700 đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nhịp tăng khá lúc mở cửa cũng đã yếu dần và lùi về ngay sát tham chiếu khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,16%), lên 92,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,4 triệu đơn vị, giá trị 440,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,72 triệu đơn vị, giá trị 152,7 tỷ đồng.
Tương tự hai sàn chính, bảng điện tử UpCoM phân hóa mạnh, với BSR, VHG, OIL, ABB, LMH, DRI, PXS mất điểm, với BSR -2% xuống 25.000 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 7,15 triệu đơn vị.
Trong khi PAS, C4G, PXI, VGI, BVB, QNS, QTP, MSR tăng điểm, còn SBS, DDV, TVN, FTM, VGT đứng tham chiếu, khớp lệnh từ 0,31 triệu đến 1,5 triệu đơn vị.