Trong phiên hôm qua, dù diễn biến tích cực từ sớm nhưng sau đó phần nào khiến tâm lý nhà đầu tư có phần “lung lay” khi trạng thái thị trường đang cho thấy dấu hiệu kéo trụ lên cao.
Sau giờ nghỉ trưa, VN-Index bật hồi nhẹ, nhưng khi áp lực bán gia tăng trên diện rộng. Thị trường đã kết thúc phiên đầu tuần trong trạng thái giảm nhẹ với sự cân bằng của số mã tăng và mã giảm, trong đó VIC vẫn giữ phong độ và là “má phanh” chính ngăn chỉ số giảm sâu.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 16/5, chưa có tín hiệu nào mới đáng kể từ các trụ cột, khi trở lại trạng thái lình xình quanh tham chiếu với biên độ hẹp, trong khi phần còn lại của bảng điện tử lại phân hóa, khiến VN-Index cũng gần như chỉ biến động nhẹ trên vùng tham chiếu.
Dòng tiền xoay nhanh và hướng đến nhóm cổ phiếu xây dựng, đầu tư công, bất động sản vừa và nhỏ với FCN, BCG, DIG, DRH, LCG, GEX, DLG, HQC, HHV đang là những cái tên có khối lượng khớp lệnh cao nhất thị trường.
Trong đó, nổi bật là FCN có lúc đã dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE và giá cổ phiếu có thời điểm chạm giá trần tại 13.500 đồng, trong khi các cổ phiếu còn lại dù có được sắc xanh nhưng cũng chỉ nhích trên dưới 2%.
Dòng tiền chậm lại khiến thanh khoản suy yếu, trong khi bảng điện tử phân hóa khá mạnh, nhưng nhờ một vài mã lơn như VCB, VHM nhích nhẹ đã giúp VN-Index tăng nhẹ từ giữa phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 188 mã tăng và 149 mã giảm, VN-Index tăng 3,06 điểm (+0,29%), lên 1.068,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 312,7 triệu đơn vị, giá trị 4.906,6 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 54,8 triệu đơn vị, giá trị 955 tỷ đồng.
Các bluechip hoạt động kém với chỉ hơn 1.000 tỷ đồng giao dịch trong tổng số 30 cổ phiếu trong rổ VN30, và may mắn nhờ hai mã lớn VCB và VHM nhích hơn 1% đã đóng góp lớn nhất cho VN-Index. Trong khi VIC sau phiên bùng nổ hôm qua đã trở thành gánh nặng lớn nhất, dù cũng chỉ giảm 1,7% xuống 53.500 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sự sôi động cũng giảm dần, khi chỉ một số ít có được mức tăng cao với một vài cái tên ở nhóm thủy sản, nông nghiệp, xuất nhập khẩu như AGM tăng trần +6,9% lên 5.860 đồng, HNG +6,8% lên 3.900 đồng, DBC +5,4% lên 16.500 đồng, QBS +3,9% lên 2.670 đồng. Trong đó, HNG khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với 8,8 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu xây dựng, đầu tư công, nguyên vật liệu với FCN +6,3% lên 13.450 đồng, CIG +5,3% lên 4.950 đồng, SMC +4,2% lên 12.500 đồng, BMP +3,1% lên 85.500 đồng, LCG +2,8% lên 12.850 đồng. Trong khi các cổ phiếu DIG, BCG, DLG, HQC, HHV, vốn nhận dòng tiền mạnh từ sớm đều chỉ tăng nhẹ, khớp từ 2,65 triệu đến hơn 7,92 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu riêng lẻ khác đáng kể như TEG tăng trần +6,9% lên 10.350 đồng, PSH +4,5% lên 11.650 đồng, TVS +4% lên 26.000 đồng, JVC +3,6% lên 4.070 đồng, EVF +3,2% lên 8.120 đồng, VIX +2,9% lên 9.930 đồng…
Trái lại, không nhiều cổ phiếu giảm mạnh, với HAS là cổ phiếu duy nhất giảm sàn về 8.370 đồng, nhưng chỉ khớp 1.600 đơn vị.
Sắc đỏ khác trên bảng điện tử đáng chú ý có lẽ là SHB khi khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 10,7 triệu đơn vị, dù cũng chỉ giảm nhẹ 0,4% xuống 11.450 đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau ít phút mở cửa trong sắc đỏ đã bật lên nhờ nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng, dù mức tăng cũng không cao.
Chốt phiên, sàn HNX có 85 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 1,14 điểm (+0,53%), lên 215,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 44,9 triệu đơn vị, giá trị 729,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,82 triệu đơn vị, giá trị 58 tỷ đồng.
Các cổ phiếu giao dịch đáng chú ý nhất là DDG khi vững giá trần +9,3% lên 9.400 đồng, khớp hơn 3,62 triệu đơn vị.
Tiếp theo đó là CEO, khi bất ngờ có thời điểm bị đẩy xuống giá sàn, trước khi bật lên và kết phiên tăng 0,8% lên 26.200 đồng, khớp 3,59 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cổ phiếu có thanh khoản cao nhất sàn là PVS với 8,36 triệu đơn vị đã tăng khá +4,3% lên 26.800 đồng.
Ở những nơi khác, hai cổ phiếu dòng P khác nổi bật với PVB +6,4% lên 14.900 đồng, khớp 0,53 triệu đơn vị và PVC +4,9% lên 17.000 đồng, khớp 3,04 triệu đơn vị.
Sắc xanh còn tại MST, TIG, IDC, TAR, APS, MBS, AMV, với mức tăng từ 0,3% đến hơn 2%, khớp từ 0,59 triệu đến 1,31 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng có được sắc xanh nhạt sau khi chớm đỏ lúc mở cửa nhờ một số cổ phiếu bật lên.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,29%), lên 80,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,6 triệu đơn vị, giá trị 252,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.
Những cổ phiếu dòng P cũng nhận hiệu ứng tích cực, với PXS tăng trần +14,3% lên 5.600 đồng, khớp 1,62 triệu đơn vị, PXI +9,1% lên 2.400 đồng, PFL +7,1% lên 3.000 đồng.
Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất là BSR với gần 4 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng chỉ tăng nhẹ 0,6% lên 16.700 đồng, theo sau là VHG với 3,97 triệu đơn vị, tăng 8% lên 2.700 đồng.