Trong phiên hôm qua, thị trường sau những phút đầu mở cửa giằng co, rung lắc nhẹ và không có tín hiệu mới nào đáng kể trong suốt phiên sáng.
Nhưng lực cung giá thấp bất ngờ được tung vào trên diện rộng khiến bảng điện tử tràn ngập những mã giảm sàn và khép lại phiên giao bốc hơi tới 60 điểm, xuyên qua các vùng hỗ trợ và là phiên giảm sâu nhất trong gần 2 năm qua, từ khi thị trường hồi phục sau “cú ngã” vào giữa tháng 5/2022.
Sau phiên lao dốc này, hầu hết các nhận định trên thị trường đều cho thấy khả năng cao VN-Index sẽ tiếp tục giảm do các tín hiệu kỹ thuật đều khá xấu và tâm lý nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về các yếu tố rủi ro tiềm ẩn bên ngoài.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 16/4, áp lực bán đã có phần giảm bớt, nhưng vẫn trên diện rộng, chỉ số VN-Index giằng co, rung lắc quanh tham chiếu chủ yếu nhờ lực đỡ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng khi đa phần tăng điểm.
Tuy vậy, cũng cần phải nhấn mạnh rằng hôm nay cũng là phiên bản lề đối với các bluechip, khi ngày mai là phiên đáo hạn phái sinh tháng 4 và diễn biến ở nhóm này có thể trở nên ít được tin tưởng hơn.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có dấu hiệu gia tăng lực cung, đặc biệt ở các mã bất động sản, xây dựng với TCH, HHS, NTL, HQC, NVL, DIG, ITA, HTN, VNE, HPX, NHA…đã mất từ 3-5%.
Sau nửa đầu phiên cố gắng trụ lại trên tham chiếu, thì nhóm bluechip yếu đi, trong khi lực bán ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục gia tăng đã đẩy VN-Index xuống các mức thấp hơn và tạm kết thúc phiên sáng đánh rơi thêm gần 10 điểm.
Chốt phiên, sàn HOSE chỉ còn 64 mã tăng và có tới 423 mã giảm, VN-Index giảm 9,64 điểm (-0,79%), xuống 1.206,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 657,6 triệu đơn vị, giá trị 14.982,6 tỷ đồng, tăng 35% về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 59,1 triệu đơn vị, giá trị 1.474 tỷ đồng.
Các bluechip thêm nhiều sắc đỏ xuất hiện, với VIC phiên này là gánh nặng lớn nhất khi mất 3,5% xuống 45.350 đồng. Theo sau là MSN -2,2% xuống 65.400 đồng, MWG -2,2% xuống 48.800 đồng. Các mã lớn khác như HPG, VHM, PLX, SAB mất 1,4% đến 1,8%.
Ở chiều ngược lại, chỉ còn BID tăng điểm giúp chỉ số không rơi sâu hơn với mức tăng 2,2% lên 50.800 đồng. Các mã tăng khác đều hạ độ cao và chỉ còn tăng nhẹ, với FPT, VIB, STB, ACB, TCB, VPB nhích từ 0,4% đến 0,8%.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bị bán mạnh hơn, với các cổ phiếu ST8, PSH, AGM, TNT, POM và ASM đã giảm về giá sàn.
Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng là nhóm chịu áp lực lớn nhất, với NHA, HPX, FIR giảm gần về giá sàn. Các mã BCG, NVL, DXG, OGC, PTC, VND, DIG, LCG, DC4 đã mất 5% đến hơn 6%. Trong đó, NVL và DIG khớp lệnh đứng thứ hai và thứ ba toàn sàn với lần lượt 27,4 triệu đơn vị và 23,8 triệu đơn vị.
Nhiều cổ phiếu khác ở hai nhóm trên cũng giảm sâu đáng kể như NO1, ITA, HHV, DXS, KHG, AGG, SCR, VCG, PDR, HTN, ITC, TCH, GEX, HQC… với mức giảm 4% đến 5%.
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng ghi nhận nhiều mã lao dốc, VDS -4,9% xuống 19.450 đồng, BSI -4,8% xuống 55.700 đồng, VIX -4,1% xuống 17.400 đồng, các mã HCM, FTS, VCI, TVB, VND, ORS giảm 2-3%. Trong đó, cổ phiếu VIX phiên này thanh khoản cao nhất sàn với hơn 30,1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên sàn HNX, lực bán dâng cao về cuối phiên cũng đã đẩy HNX-Index về các mức thấp hơn cho tới khi tạm nghỉ giờ trưa.
Chốt phiên, sàn HNX có 31 mã tăng và 134 mã giảm, HNX-Index giảm 3,17 điểm (-1,38%), xuống 226,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70 triệu đơn vị, giá trị 1.321 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,87 triệu đơn vị, giá trị 58,3 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu cũng đã nới đà đi xuống, đáng kể là IDJ giảm sàn về 4.600 đồng, khớp 1,68 triệu đơn vị.
Các mã bất động sản, công ty chứng khoán CEO, MST, HUT, DL1, VC7, NRC, DDG, BVS, APS giảm từ gần 4% đến hơn 7%.
Phần còn lại may mắn chỉ giảm nhẹ có SHS, PVC, MBS, TNG, TIG, IDC với mức giảm trên dưới 1%. Trong đó, SHS khớp lệnh vượt trội trên sàn với hơn 17,2 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, sắc đỏ bao trùm cũng đã khiến UpCoM-Index lao dốc và tạm nghỉ ở mức thấp nhất trong phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,95 điểm (-1,07%), xuống 88,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,1 triệu đơn vị, giá trị 278,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,25 triệu đơn vị, giá trị 3,33 tỷ đồng.
Các cổ phiếu thanh khoản cao nhất UpCoM đều chìm trong sắc đỏ và đa số mất 3% đến hơn 5%. Trong đó, AAH dẫn đầu thanh khoản với 5,75 triệu đơn vị, giá cổ phiếu -4,2% xuống 4.600 đồng, theo sau là BSR với 3,92 triệu đơn vị và giảm 4,1% xuống 18.800 đồng.