Trong phiên hôm qua, dòng tiền hưng phấn nhập cuộc ngay khi mở cửa đã giúp nhiều nhóm ngành đều khởi sắc, đi cùng thanh khoản ấn tượng.
Tuy nhiên, thị trường đã giảm nhiệt sau giờ nghỉ trưa, khi áp chốt lời xuất hiện, nhưng VN-Index vẫn khép lại tăng gần 13 điểm và vượt thành công mốc 1.120 điểm với diễn biến tích cực khi số mã tăng chiếm áp đảo, gấp hơn 3 lần số mã tăng.
Đồng thời, thanh khoản thị trường cũng sôi động trở lại với tổng giá trị giao dịch riêng trên sàn HOSE tiệm cận mức 20.000 tỷ đồng.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 16/11, áp lực điều chỉnh đã xuất hiện từ sớm và tương đối dễ hiểu khi đã liên tiếp hai liên tích cực trước đó và các tín hiệu kỹ thuật cũng đã phát đi thông điệp rung lắc, điều chỉnh tích lũy. Chỉ số VN-Index tạm lùi về quanh 1.120 điểm và giằng co nhẹ sau hơn 1 giờ giao dịch.
Điều này khiến nhà đầu tư thận trọng hơn và có lẽ thêm một lý do bởi hôm nay là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2311.
Giao dịch khá thưa thớt và chỉ một vài cổ phiếu riêng lẻ đang tạo sức hút tốt với dòng tiền như tại cổ phiếu DLG khi sớm tăng trần +6,6% lên 2.260 đồng.
Cùng với đó là một vài cổ phiếu ở nhóm hóa chất, phân bón với BFC tăng hết biên độ lên 21.600 đồng, các mã DCM, DPM, CSV cũng đang nhích 2-3%.
Trong khi đó, thanh khoản cao nhất trên sàn đang là NVL với hơn 15 triệu đơn vị, giá cổ phiếu cũng đang cho tín hiệu tốt khi nhích hơn 2%.
Giao dịch chậm lại thấy rõ khi thanh khoản sụt giảm mạnh, điểm tích cực dù số mã giảm chiếm áp đảo, nhưng lực cung giá thấp gần như không xuất hiện. Chỉ số VN-Index theo đó chỉ tạm thời mất gần 6 điểm khi kết phiên.
Sự chú ý và tập trung của nhà đầu tư sẽ dồn về cuối phiên chiều khi là phiên đáo hạn phái sinh và áp lực chốt lời sau hai phiên tăng vừa qua.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 112 mã tăng và 341 mã giảm, VN-Index giảm 5,85 điểm (-0,52%), xuống 1.116,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 284,2 triệu đơn vị, giá trị 5.956,2 tỷ đồng, giảm 42% về khối lượng và 40% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 28,5 triệu đơn vị, giá trị 677,7 tỷ đồng.
Nhóm bluechip biến động nhẹ, với lác đác các sắc xanh nhạt tại MSN, ACB, TCB, SAB và chỉ PLX và BVH nhích hơn 1%.
Cùng với đó là FPT và POW dừng chân ở tham chiếu, còn lại đều giảm. Dù vậy, ngoài MWG và TPB giảm 2% xuống 41.050 đồng và 17.350 đồng, thì các mã khác đều chỉ mất điểm nhẹ.
Thanh khoản theo chị trường chung ở nhóm này cũng giảm tương đối mạnh, với SSI dù khớp lệnh cao nhất cũng chỉ đạt hơn 7,6 triệu đơn vị, HPG theo sau với 6,8 triệu đơn vị, SHB khớp 3,95 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng chỉ một vài cổ phiếu bật lên như DLG giữ giá trần +6,6% lên 2.260 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị.
Tương tự là BAF khi cũng kết phiên ở sắc tím +6,93% lên 21.600 đồng. Các mã khác ở nhóm hóa chất, phân bón hạ nhiệt so với đầu phiên, với DPM và DCM chỉ còn nhích hơn 2%, CSV +1,8%, DGC +1,4%.
Ở nhóm cổ phiếu hút thanh khoản nhất, NVL và VIX tách top và vượt trội so với phần còn lại với 17,1 triệu và 15,5 triệu đơn vị, trong đó, NVL nhích nhẹ 1,5% lên 16.500 đồng, còn VIX giảm 1,2% xuống 16.150 đồng.
Trên sàn HNX, diễn biến tương tự sàn HOSE, khi chỉ số HNX-Index rung lắc, giằng co nhẹ dưới tham chiếu và kết phiên giảm nhẹ.
Chốt phiên, sàn HNX có 56 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index giảm 0,37 điểm (-0,16%), xuống 227,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48 triệu đơn vị, giá trị 969,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,51 triệu đơn vị, giá trị 95,2 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngành hóa chất LAS trên sàn nhận hiệu ứng tích cực chung, khi tăng 6,3% lên 13.600 đồng, khớp 1,42 triệu đơn vị và cũng nằm trong số ít các mã tăng mạnh trong số những cổ phiếu thanh khoản cao khác.
Dù vậy, sắc xanh theo đó cũng chỉ còn tại PVS, TNG, LIG, S99, PSI với mức tăng khiêm tốn.
Trong khi đó, cũng khá nhiều mã giảm, nhưng đà giảm cũng không mạnh, như CEO, MBS HUT, VFS, IDC, VGS, VC3, APS, TIG, PVS với mức giảm chỉ trên dưới 1%.
Các cổ phiếu khác như SHS, IDJ NRC, DL1 đứng giá tham chiếu.
Khớp lệnh vượt trội và khá bất ngờ là CEO với hơn 24,3 triệu đơn vị, trong khi vị trí thứ hai là SHS chỉ khớp hơn 6 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chớm xanh khi mở cửa và chịu áp lực bán gia tăng và lùi về dưới tham chiếu, tìm đến các mức thấp hơn cho đến khi tạm nghỉ.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,34 điểm (-0,39%), xuống 86,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,3 triệu đơn vị, giá trị 166,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chưa xuất hiện.
Một vài mã tăng nhẹ như DDV, LMH và BOT, nhích 2-3%, khớp 0,36 đến 0,46 triệu đơn vị.
Phần còn lại ở nhóm cổ phiếu thanh khoản cao, khớp từ 0,1 triệu đơn vị trở lên đều giảm, với DRG giảm sàn -14,5% xuống 5.300 đồng. Các mã phía trên cũng đa số chỉ giảm nhẹ.
Trong đó, BSR -1,6% xuống 19.100 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 2,56 triệu đơn vị.