Giao dịch chứng khoán phiên sáng 15/8: Thận trọng phiên đáo hạn phái sinh

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 15/8: Thận trọng phiên đáo hạn phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản thị trường chững lại thời gian gần đây và thêm phiên đáo hạn phái sinh hôm nay càng khiến giao dịch trên bảng điện tử thiếu điểm nhấn, mờ nhạt.

Trong phiên hôm qua, thị trường duy trì đà tăng nhẹ từ sớm, nhưng áp lực rung lắc đã mạnh dần lên khiến VN-Index trở lại trạng thái giằng co, với giao dịch chậm do sự thận trọng của cả bên mua và bên bán. Đóng cửa, chỉ số không đổi ở mức trên 1.230 điểm.

Thanh khoản thêm một phiên ảm đạm với chỉ hơn 13.000 tỷ đồng giá trị giao dịch trên HOSE.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 15/8, dòng tiền thấp vẫn đang là điểm yếu của thị trường lúc này, thêm vào đó, hôm nay cũng là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2408, nên sự thận trọng của nhà đầu tư càng được đề cao.

Thị trường theo đó tiếp diễn rung lắc quanh tham chiếu với biên độ hẹp sau hơn 1 giờ giao dịch. Bảng điện tử phân hoá mạnh ở nhóm bluechip và sắc đỏ lấn át trong phần còn lại ở các nhóm ngành khác, nhưng biên độ giá hầu như chỉ ở mức thấp, phản ánh sự ảm đạm thời điểm hiện tại.

Đáng chú ý có lẽ ở trên sàn HNX, khi một số mã nhỏ như MCO, HMR, AMC và CMS đã có lúc tăng kịch trần, thanh khoản cũng thuộc top cao nhất sàn.

Thiếu vắng động lực tích cực, thị trường tiếp tục xu hướng giảm khi bảng điện tử vẫn bị sắc đỏ bao phủ. Nhưng áp lực cung giá thấp không lớn nên VN-Index chỉ mất điểm nhẹ về gần 1.225 điểm khi kết phiên.

Đóng cửa, sàn HOSE có 88 mã tăng và 285 mã giảm, VN-Index giảm 4,46 điểm (-0,36%), xuống 1.225,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 205,3 triệu đơn vị, giá trị 4.948,8 tỷ đồng, giảm gần 8% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24,1 triệu đơn vị, giá trị 660,8 tỷ đồng.

Nhóm trụ cột VN30 phân hóa mạnh, với những cái tên như BID, VIB, VCB, VIC, VHM, HDB còn giữ được sắc xanh, dù chỉ xanh nhạt. Trong đó, HDB tăng tốt nhất cũng chỉ 1,7% lên 26.350 đồng.

Ở chiều ngược lại, dù sắc đỏ chiếm đa số, nhưng cũng chỉ mất điểm nhẹ, với STB, MSN, SSI, POW, BCM, MWG và GVR giảm từ 1% đến 1,95%. Trong khi đó, VRE, VPB, VJC, SSB, MBB, CTG đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản cũng không có điểm nổi bật nào, khi HPG khớp lệnh cao nhất cũng chỉ đạt hơn 5,6 triệu đơn vị, VHM khớp 5,05 triệu đơn vị, SHB khớp 4,9 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng ảm đạm, ngoại trừ một vài cái tên riêng lẻ như RDP, SGR khi chạm giá trần tại 2.800 đồng và 27.250 đồng, nhưng khớp lệnh chỉ trên dưới 0,3 triệu đơn vị mỗi mã.

Trong khi đó, ở những cổ phiếu giảm, áp lực cung mạnh cũng không xuất hiện nhiều, với chỉ CSV là đáng kể khi khớp hơn 1,72 triệu đơn vị và giảm 6% xuống 38.650 đồng. Các mã TDC, SMC, APH, NTL, BFC giảm 3% đến hơn 4%, khớp trên dưới 1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index chớm xanh thời điểm mở cửa đã yếu đi và lùi về các mức thấp hơn về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 41 mã tăng và 82 mã giảm, HNX-Index giảm 1,32 điểm (-0,57%), xuống 228,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,2 triệu đơn vị, giá trị 302,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,45 triệu đơn vị, giá trị 120,6 tỷ đồng.

Các cổ phiếu đầu phiên sáng nổi bật chỉ còn CMS, MCO giữ được mức giá trần tại 13.400 đồng và 8.900 đồng. Trong đó, CMS bất ngờ là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn với 1,98 triệu đơn vị.

Các mã AMV tăng 3,3% lên 3.100 đồng, HMR +5,8% lên 14.700 đồng, C69 và VTZ nhích gần 3%.

Các mã lớn, nhỏ khác như SHS, PVS, CEO, LAS, MBS, TNG, VGS, IDC, BVS, HUT đều chìm trong sắc đỏ, dù chỉ giảm nhẹ, khớp từ 0,24 triệu đến 1,83 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nhịp rung lắc nửa đầu phiên cũng đã lùi về dưới tham chiếu trong phần còn lại của phiên.

Chốt Phiên, UpCoM-Index giảm 0,39 điểm (-0,42%), xuống 92,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,5 triệu đơn vị, giá trị 206,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,24 triệu đơn vị, giá trị 4,1 tỷ đồng.

Sắc đỏ lấn át, với các cổ phiếu như VEA, VGT, VGI, TVN, BCR, OIL, BSR, dù đa số chỉ giảm nhẹ, ngoại trừ TVN và BCR mất hơn 5% xuống 9.000 đồng và 5.400 đồng.

Sắc xanh hiện diện tại G36, KVC và BVB, với KVC nhích gần 7% lên 1.700 đồng, khớp gần 0,3 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan