Trong phiên hôm qua, thị trường đã không nằm ngoài dự báo về xu hướng tiêu cực, áp lực lan rộng từ sớm khiến chỉ số VN-Index giảm sâu mất mốc 1.450 điểm.
Bước sang phiên chiều, lực bán tiếp tục dâng cao khiến VN-Index thủng 1.440 điểm, trước khi bật lên nhờ lực cầu nhập cuộc, giúp chỉ số hồi lại hơn 7 điểm từ mức đáy này khi đóng cửa.
Với việc để mất các ngưỡng quan trọng như MA50 và MA100, cùng xu hướng giảm có mặt ở hầu hết tất cả các nhóm ngành, giao dịch tiếp tục trở nên thận trọng ngay khi bước vào phiên sáng nay 15/3.
Sự phân hóa mạnh xuất hiện từ sớm, giao dịch giằng co trong biên độ hẹp ở hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu, trong khi dòng tiền chủ yếu đứng ngoài khiến thanh khoản èo uột là diễn biến chính sau nửa đầu phiên sáng.
Các cổ phiếu đi ngược xu hướng với điểm nhấn CTI khi tăng kịch trần lên 24.800 đồng, dù gần đây không có thông tin nào mới đáng kể.
Trong khi áp lực vẫn còn tại nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất và dầu khí khi đều chìm trong sắc đỏ với mức giảm hàng đầu của PGD, ASP, PSH mất từ 5% đến hơn 6%.
Cùng với đó, hai cổ phiếu nhà Louis là AGG và TGG tiếp tục nằm sàn từ sớm với khối lượng dư bán sàn tăng dần theo thời gian giao dịch.
Ở nhóm bluechip, đà hồi phục yếu ớt của MSN và GVR đang dần bị lấn át bởi đà đi xuống của GAS, khiến VN-Index lùi dần về ngưỡng 1.440 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.
Phiên giao dịch khá nhàm chán của thị trường, dòng tiền đứng ngoài khiến thanh khoản sụt giảm mạnh, biên độ dao dộng phần lớn các nhóm ngành chỉ ở mức thấp, dù bên bán thắng thế. Thêm phiên nữa, ngưỡng hỗ trợ 1.440 điểm phát huy vai trò là ngưỡng hỗ trợ mạnh của thị trường trong giai đoạn hiện tại.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 167 mã tăng và 263 mã giảm, VN-Index giảm 4,69 điểm (-0,32%), xuống 1.441,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 386,1 triệu đơn vị, giá trị 12.256,9 tỷ đồng, giảm 27% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 7,18 triệu đơn vị, giá trị 332,2 tỷ đồng.
Ở nhóm bluechip, đáng chú ý nhất là VCB, khi là tác nhân gây thiệt hại lớn nhất đến VN-Index với gần 2 điểm tiêu cực, khi giảm 1,9% xuống 82.600 đồng.
Các mã giảm khác đáng kể chỉ còn FPT -2% xuống 90.000 đồng, SAB -1,9% xuống 151.000 đồng, PDR -1,8% xuống 85.900 đồng. cổ phiếu GAS thu hẹp đà giảm, từ 3,8% chỉ còn -1,6% xuống 104.300 đồng.
Các cổ phiếu khác như MWG -1,6%, NVL -1,3%, còn HPG, MBB, VIC, VNM, KDH, VHM giảm nhẹ.
Ở chiều ngược lại, tăng tốt nhất là TPB, nhưng cũng chỉ +1,4% lên 39.750 đồng, PNJ và STB cùng tăng 1,2%, VJC +1%, còn lại nhích nhẹ.
Thanh khoản HPG cao nhất nhóm và cũng dẫn đầu HOSE với 12,6 triệu đơn vị, STB khớp 11,5 triệu đơn vị, POW khớp 7,8 triệu đơn vị, nhóm ngân hàng MBB, VPB, TPB khớp 4,94 triệu đến 5,3 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi phần lớn cũng chỉ biến động nhẹ, thì một số thu hút sự chú ý của nhà đầu tư, trong đó, nổi bật là bộ ba cổ phiếu bất động sản, xây dựng là LCG, CTI và FCN, khi đều tăng kịch trần lên 20.550 đồng, 24.800 đồng và 26.250 đồng.
Trong đó, LCG đột ngột khớp lệnh tới hơn 10,57 triệu đơn vị, mức cao nhất trong hơn một năm qua. Còn FCN khớp 6,56 triệu đơn vị, CTI khớp hơn 2,4 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu khác có sức bật khác với đa số thuộc nhóm bất động sản, xây dựng là PHC +3,1% lên 14.800 đồng, VCG +3,3% lên 43.600 đồng, KSB +3,4% lên 48.600 đồng, CII +3,6% lên 30.050 đồng, HHV +4,3% lên 24.450 đồng, HTN +4,7% lên 47.150 đồng, BCE +4,7% lên 17.800 đồng, HBC +4,7% lên 27.750 đồng.
Các cổ phiếu FLC, HAG, GEX, ITA, BCG, SCR, HNG, HQC, LDG, KBC, TCH, DIG, KHG…cũng kết phiên tăng điểm, nhưng đa số chỉ nhích nhẹ, khớp từ 1,88 triệu đến 8,23 triệu đơn vị.
Trái lại, TSC, BMC, AAM, TGG là những đại diện giảm giá đáng chú ý nhất khi đều lùi về giá sàn. Trong đó, TSC khớp tới hơn 11,32 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu phân bón, hóa chất chịu áp lực lớn với SFG, VAF, CSV đều giảm sàn, DCM -3% xuống 41.950 đồng, DPM -2,3% xuống 60.400 đồng, DGC -3,5% xuống 173.700 đồng.
Nhóm vận tải, logistics cũng giảm sâu với VTO, STG, HAH, VOS, GMD, CLL giảm trên dưới 3%.
Nhóm thép ngoài HPG may mắn giảm nhẹ 0,1% thì NKG -3,3% xuống 45.100 đồng, thanh khoản đứng thứ hai trên HOSE với 12,1 triệu đơn vị khớp lệnh, HSG -2,6% xuống 37.700 đồng, POM -2,8% xuống 13.800 đồng, SMC -1,5%, TLH -0,8%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chớm đỏ khi mở cửa, sau đó bật lên và rung lắc, trước khi về gần tham chiếu và tiếp tục diễn biến này cho đến khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 78 mã tăng và 145 mã giảm, HNX-Index tăng 0,66 điểm (+0,15%), lên 437,23 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 59,7 triệu đơn vị, giá trị 1.651 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,71 triệu đơn vị, giá trị 31,3 tỷ đồng.
Sắc đỏ chiếm ưu thế với PVS, PVC, TVC, BII, LAS, KVC, TNG, ITQ, MBG, SRA, VKC, TDN, TAR…
Trong đó, PVS -2,6% xuống 33.900 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với 10,1 triệu đơn vị, theo ngay sau là PVC với 4,59 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm mạnh 8,6% xuống 24.400 đồng. Các cổ phiếu giảm sâu khác có LAS -6,9%, ITQ -7,8%, PVG -8,2%, TVD -7,8%, NBC -6,2%...
Ngược lại, HUT, CEO, SHS, LIG, BCC, IDC, C69, ART làm bệ đỡ cho chỉ số, khi đều tăng, trong đó, HUT +6,7% lên 43.000 đồng, LIG +7,1% lên 15.100 đồng, CEO +2,1% lên 68.500 đồng.
Đáng chú ý là cổ phiếu CTC, khi tăng mạnh và lên mức giá trần +9,3% tại 10.600 đồng, khớp 1,74 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chốt phiên trong sắc đỏ, khi phần lớn các cổ phiếu ở nhóm thanh khoản cao giao dịch tiêu cực.
Theo đó, chỉ còn C4G, G36, BOT nhích lên, trong khi SBS, ABB, BVB, SDD đứng tham chiếu.
Còn lại BSR, VHG, OIL, DDV, VGT, MSR, DRI, PAS, KHB, GEE, TVB…đều giảm điểm và không ít giảm mạnh như BSR -4,2% xuống 25.200 đồng, DDV -9,6% xuống 28.300 đồng, GEE -10,6% xuống 42.800 đồng, DRI -6,3% xuống 17.700 đồng…
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,18%), xuống 114,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,1 triệu đơn vị, giá trị 847,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,85 triệu đơn vị, giá trị 25,2 tỷ đồng.