Giao dịch chứng khoán phiên sáng 14/2: Nhà đầu tư thận trọng, thanh khoản sụt giảm mạnh

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 14/2: Nhà đầu tư thận trọng, thanh khoản sụt giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau liên tiếp những phiên giảm mạnh, thị trường đang cố gắng tìm lại hướng đi, nhưng lực cản từ nhóm bluechip đang khiến nhà đầu tư phân vân.

Trong phiên hôm qua, áp lực bán dần gia tăng từ sớm, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng khiến VN-Index thủng mốc 1.050 điểm.

Diễn biến có phần tiêu cực hơn sau giờ nghỉ trưa, khi gánh nặng lớn đến từ nhóm bluechip đã đẩy VN-Index mất gần 25 điểm về sát 1.030 điểm và khi bảng điện tử chìm trong sắc đỏ, với số mã nằm sàn la liệt.

Khi VN-Index có dấu hiệu lao dốc quá đà, vượt ra ngoài dải Bollinger Bands ở khu vực 1.034 điểm, lực cầu đã tham gia khá tốt trong đợt khớp lệnh ATC, giúp thị trường bật hồi và lấy lại vùng 1.040 điểm.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 14/2, tâm lý thị trường vẫn chưa được cải thiện nhiều, sự thận trọng vẫn chiếm lĩnh khiến thanh khoản nhỏ giọt, VN-Index giằng co quanh tham chiếu với tâm điểm vẫn là sự phân hóa cao ở nhóm bluechip.

Giao dịch đáng chú ý nhất vẫn tại NVL, khi tiếp tục nằm sàn tại 11.950 đồng từ khá sớm và dù không ít nhà đầu tư lao ra bắt đáy với hơn 9 triệu đơn vị được khớp lệnh sau hơn 1 giờ giao dịch. Tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn có tới hơn 15,7 triệu đơn vị dư bán sàn.

Trong khi đó, một cổ phiếu bất động sản khác là PDR, khi cũng giảm sàn trong phiên hôm qua và có thời điểm giảm hết biên độ trong phiên sáng nay, nhưng đã thu hẹp đà giảm đáng kể và chỉ còn mất hơn 2,5%.

Thông tin mới về PDR là việc Mirae Asset đã đặt lệnh bán một lượng lớn cổ phiếu trong tài khoản của ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch HĐQT của PDR, trong khi ông Đạt không đặt bất kỳ lệnh bán nào và vẫn thực hiện đúng các thỏa thuận của mình với MAS.

Ngay sau khi phát hiện sự cố, các bên đã liên lạc với nhau và Mirae Asset cũng đã dừng lệnh bán. Ông Đạt cùng với công ty chứng khoán này đang liên lạc với nhau để giải quyết sự việc.

Ở phần còn lại của bảng điện tử, dù nhà đầu tư vẫn còn khá e ngại việc xuống tiền mạnh, độ rộng thị trường dù tích cực nhưng phần lớn các cổ phiếu chỉ nhích nhẹ nhờ lực mua thăm dò, ngoại trừ một số cổ phiếu thép như HPG, HSG, NKG, TLH có mức tăng khá từ hơn 2% đến gần 4%.

Bảng điện tử dù độ rộng khá tích cực, nhưng như đã đề cập, lực mua chủ yếu đến từ thăm dò và khá rè rặt, khiến thanh khoản xuống thấp, không có mã nào khớp lệnh trên 10 triệu đơn vị trên HOSE.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 242 mã tăng và 129 mã giảm, VN-Index giảm 2,29 điểm (-0,22%), xuống 1.041,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 187,8 triệu đơn vị, giá trị 3.083,8 tỷ đồng, giảm hơn 37% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24,7 triệu đơn vị, giá trị 529,9 tỷ đồng.

Nhóm bluechip đa phần biến động nhẹ, ngoại trừ một số cái tên như TPB +2,2% lên 23.500 đồng, HPG +2% lên 20.600 đồng, VIB +2% lên 20.600 đồng. Trong đó, HPG khớp 8,47 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, NVL vẫn nằm sàn -6,6% xuống 11.950 đồng, khớp 9,97 triệu đơn vị, cao nhất thị trường và còn dư bán sàn hơn 16,23 triệu đơn vị

Theo sau là các cổ phiếu bất động sản với PDR -3,1% xuống 10.900 đồng, nhà Vingroup với VHM -3,2% xuống 43.000 đồng, VIC -3% xuống 51.800 đồng, VRE -2,1% xuống 27.900 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu bất động sản, xây dựng vẫn chịu sức ép, dù không lớn như phiên hôm qua, với MCG và PTL giảm sàn về 2.290 đồng và 4.030 đồng, HPX -4,1% xuống 4.200 đồng là đáng kể.

Trái lại, một số cổ phiếu riêng lẻ đi ngược xu hướng thị trường với mức tăng khá, nhưng đa số là những cổ phiếu đầu cơ cao, như NBB +6,3% lên 12.700 đồng, APG +4,9% lên 6.160 đồng, AGM +4,3% lên 6.550 đồng, YEG +4% lên 9.360 đồng, các cổ phiếu HTI, HHV, HAR, DRH, SGR, IJC, DC4 nhích từ 3% đến gần 4%.

Các cổ phiếu nguyên vật liệu, trong đó, các cổ phiếu thép duy trì đà tăng khá, ngoài HPG nêu trên thì HSG +3,5% lên 14.900 đồng, khớp 9,34 triệu đơn vị, NKG +2,6% lên 13.850 đồng, TLH +2,6% lên 6.610 đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giằng co mạnh quanh tham chiếu trong suốt cả phiên khi nhiều cổ phiếu rung lắc, nhưng bảng điện tử khá tích cực khi đóng cửa, dù thanh khoản chỉ ở mức thấp.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 79 mã tăng và 62 mã giảm, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,11%), xuống 204,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 20 triệu đơn vị, giá trị 297 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,43 triệu đơn vị, giá trị 2,5 tỷ đồng.

Ở các cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn, đa số đều tăng điểm, dù mức tăng phần lớn chỉ trên dưới 1%, ngoại trừ một số cái tên như IDC +3,2% lên 38.800 đồng, TIG +3,8% lên 8.300 đồng, APS +3,6% lên 8.600 đồng, VGS +4,3% lên 12.100 đồng.

Trong khi đó, ba cổ phiếu thanh khoản cao nhất là SHS, PVS và CEO, khớp từ 2,17 triệu đến 3,1 triệu đơn vị, thì CEO chỉ +0,5%, PVS +1,2% và SHS +2,5% lên 8.200 đồng.

Đáng chú ý khác là hai cổ phiếu KVC và VKC, khi đều giảm sàn xuống cùng mức giá 1.400 đồng, khớp 1,04 triệu và 0,39 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index có nhịp tăng khá ngay khi mở cửa và chỉ suy yếu đôi chút về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,9 điểm (+1,17%), lên 78,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,24 triệu đơn vị, giá trị 113,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không xuất hiện.

Ba cổ phiếu thanh khoản tốt nhất UpCoM là BSR -1,9% xuống 15.500 đồng, khớp 2,61 triệu đơn vị và VHG cùng DDV với 1,66 triệu và 0,93 triệu cổ phiếu, nhưng đều chỉ dừng ở tham chiếu.

Phần còn lại tương đối tích cực, với sắc xanh tại NED, C4G, LMH, OIL BVB, SBS, CST, BOT, VNH…dù phần lớn mức tăng chỉ trên dưới 2%.

Tin bài liên quan