Giao dịch chứng khoán phiên sáng 14/9: Sắc đỏ bao trùm

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 14/9: Sắc đỏ bao trùm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán Âu, Mỹ trong đêm hôm qua và chứng khoán châu Á sáng nay, chứng khoán trong nước cũng lao dốc ngay khi mở cửa phiên sáng nay.

Thông tin được nhiều nhà đầu tư quan tâm nhất chính là lạm phát tháng 8 của Mỹ. Đây chính là chỉ dấu để đánh giá về động thái chính sách tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - quyết định không chỉ ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ, mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế, thị trường tài chính toàn cầu.

Theo dữ liệu công bố ngày thứ Ba (13/9) của Cơ quan Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 8 tăng 0,1% so với tháng 7 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức dự báo của các nhà kinh tế là giảm 0,1% và tăng 8,1%.

CPI lõi (loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) trong tháng 8 của Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước và 6,3% so với cùng kỳ, cũng cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế đưa ra trước đó là tăng 0,3% và tăng 6,1%.

Dữ liệu CPI tháng 8 đã xóa bỏ hoàn toàn những kỳ vọng về việc Fed sẽ hạ nhiệt đà tăng lãi suất của mình trong kỳ họp vào tháng 9 này. Trước đó, giới đầu tư và các nhà phân tích dự báo, nếu CPI tháng 8 của Mỹ như dự báo, kỳ vọng Fed sẽ chỉ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong kỳ họp chính sách tháng 9, nhưng giờ mọi kỳ vọng đã dập tắt hoàn toàn, thậm chí mức dự báo trong đợt tăng lần này của Fed có thể lên tới 100 điểm cơ bản.

Nếu Fed tăng từ 75 - 100 điểm cơ bản, có thể khiến đồng USD tăng mạnh hơn và dòng tiền ngoại có thể sẽ rút khỏi các thị trường mới nổi, bên cạnh hàng loạt loại tài sản khác cũng bị ảnh hưởng, nhất là các loại tài sản được định giá bằng đồng bạc xanh.

Ngay sau dữ liệu CPI được công bố, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán đã đồng loạt bán tháo, đẩy phố Wall lao dốc mạnh với các chỉ số chính giảm hơn 5%, thậm chí Nasdaq giảm hơn 5%. Đà lao dốc của phố Wall đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường chứng khoán châu Á sáng nay khi các thị trường từ Tokyo, đến Hồng Kông, Singapore, đến Thượng Hải đều chìm trong sắc đỏ khi mở cửa với mức giảm trên dưới 2%, sau đó đã hồi phục dần, thu hẹp đà giảm.

Chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng này khi VN-Index mất hơn 18 điểm ngay khi mở cửa, xuống dưới đường hỗ trợ MA50 (1.231 điểm) với sắc đỏ bao trùm bảng điện tử. Có điều đáng chú ý, khi chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh trong tuần qua với S&P 500 vượt ngưỡng 4.000 điểm thì thị trường trong nước không có phản ứng gì khi VN-Index giảm, nhưng khi S&P 500 lao dốc, chứng khoán trong nước lại lao theo.

Trở lại với diễn biến chính của thị trường trong nước sáng nay, sau khi xuống dưới đường MA50, VN-Index đã nảy trở lại, lên ngưỡng 1.235 điểm, nhưng lực bán gia tăng sau đó đã đẩy chỉ số trở lại đường MA50 khi chốt phiên sáng với sắc đỏ gấp hơn 9 lần sắc xanh.

Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 17,23 điểm (-1,38%), xuống 1.231,17 điểm với 43 mã tăng, trong khi có tới 396 mã giảm, trong đó có 4 mã giảm sản là HOT, KPF, GMC và VSI. Thanh khoản cải thiện hơn 2 phiên đầu tuần khi nhiều mã bị đẩy xuống mức giá thấp kich thích dòng tiền bắt đáy. Theo đó, tổng khối lượng giao dịch sáng nay đạt 329,2 triệu đơn vị, giá trị 7.853,7 tỷ đồng, tăng 57% về khối lượng và 35,4% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 18,8 triệu đơn vị, giá trị 460,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhìn chung thanh khoản thị trường vẫn không có nhiều chuyển biến kể từ khi rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 từ 29/8 và cho giao dịch lô lẻ từ 12/9. Dường như các quy định mới này chưa tạo được động lực để kích dòng tiền trở lại khi tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng trong bối cảnh thị trường nhiều biến số khó lường.

Trong phiên sáng nay, các nhóm ngành dẫn dắt mỗi nhóm chỉ còn một vài sắc xanh nhạt, còn lại đều chìm trong sắc đỏ.

Về thanh khoản, nhóm cổ phiếu thép và chứng khoán có giao dịch sôi động nhất, trong đó HPG có thanh khoản tốt nhất với 14,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,1% xuống 23.450 đồng. Trong Top 10 mã thanh khoản sáng nay có thêm 2 mã thép là NKG với 11 triệu đơn vị và HSG với 10 triệu đơn vị, trong đó NKG giảm nhẹ 0,9% xuống 23.200 đồng, trong khi HSG tăng 2,3% lên 17.900 đồng.

Trong khi đó, 2 mã chứng khoán là SSI và VND có thanh khoản thứ 2 và thứ 3 trên sàn với 13,3 triệu đơn vị và 12,8 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa đều giảm, trong đó SSI giảm 0,9% xuống 21.450 đồng, VND giảm 2,3% xuống 19.400 đồng.

Ngoài ra, nhóm thanh khoản còn có sự góp mặt của một số mã khác như VCG, POW và HAG, trong đó VCG khớp gần 12,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,9% lên 23.900 đồng, còn POW và HAG giảm nhẹ, thanh khoản hơn 11 triệu đơn vị và hơn 10 triệu đơn vị.

Tương tự, sàn HNX cũng giảm mạnh ngay khi mở cửa và dù nỗ lực hồi phục, nhưng lực cầu yếu hơn nhiều so với cung nên chỉ số chính của sàn này đóng cửa ở mức gần thấp nhất phiên.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 4 điểm (-1,42%), xuống 277,59 điểm với 22 mã tăng, trong khi có tới 149 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,4 triệu đơn vị, giá trị 979,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,4 triệu đơn vị, giá trị 114,9 tỷ đồng.

Các mã có thanh khoản tốt trên sàn này không có mã nào tăng giá, trong đó PVS có thanh khoản tốt nhất với 7,4 triệu đơn vị và may mắn đứng giá tham chiếu 27.400 đồng. Còn lại, SHS, CEO, IDC, HUT, PVC đều giảm, nhưng mức giảm cũng không quá mạnh; thanh khoản từ 1,5 triệu đơn vị đến gần 2,9 triệu đơn vị.

UPCoM cũng không nằm ngoài đà giảm mạnh sáng nay, dù có lúc đã hồi phục khá tốt, lấy lại được mốc 90 điểm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,79 điểm (-0,88%), xuống 89,6 điểm với 77 mã tăng và 142 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,8 triệu đơn vị, giá trị 384,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp chưa tới 1 triệu đơn vị, giá trị hơn 10 tỷ đồng.

Sáng nay chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BSR (5,5 triệu), C4G (3,68 triệu) và SBS (1,3 triệu), trong đó chỉ C4G tăng 2,2% lên 14.200 đồng, còn BSR giảm 1,7% xuống 23.800 đồng và SBS giảm 2,2% xuống 8.800 đồng. Các mã đáng chú ý còn lại như CEN, DDN, ABB, LMH, OIL đều giảm giá.

Tin bài liên quan