Giao dịch chứng khoán phiên sáng 14/9: Dòng tiền vẫn tìm đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 14/9: Dòng tiền vẫn tìm đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi các bluechip chưa tìm lại được sức hút để dẫn dắt thị trường như kỳ vọng, thì dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, và đây cũng là điểm đỡ có thể nói là lớn nhất cho thị trường hiện tại.

Trong phiên hôm qua, sự thiếu đồng thuận của bộ 3 trụ cột bank - chứng - thép khiến thị trường chưa thể chinh phục thành công mốc 1.350 điểm.

Điều đáng nói là mỗi nhịp giật lùi về mốc 1.340 điểm, lực cầu đã tham gia khá tích cực giúp thị trường bật ngược đi lên. VN-Index trụ vững trên ngưỡng kháng cự này dù áp lực bán dâng cao trong đợt khớp ATC.

Đồng thời, thanh khoản cải thiện đáng kể cho thấy dòng tiền nội vẫn tham gia khá mạnh, giúp nhà đầu tư kỳ vọng thị trường đang ở giai đoạn tích lũy để đi lên.

Sức ép tương đối mạnh ở vùng kháng cự quanh 1.350 điểm khiến nhận định phiên tới của các công ty chứng khoán có phần thận trọng và khuyến nghị nhà đầu tư chủ yếu quan sát, hạ tỷ trọng bảo vệ thành quả, nhưng một số ít có thể hướng tới như ở nhóm cổ phiếu kỳ vọng sẽ hồi phục theo tiến độ nới lỏng giãn cách xã hội như hàng không, bán lẻ, hoặc nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi mà kỳ vọng đã tích lũy xong.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 14/9, lệnh kê mua giá cao ngay từ khi mở cửa và đích đến vẫn hướng về nhóm Midcaps cùng sự hỗ trợ của SAB khi tiếp tục nối đà tăng tốt hôm qua đã thúc đẩy VN-Index tiến dần lên gần 1.350 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng loạt cổ phiếu tăng kịch trần, với chiếm phần lớn là các cổ phiếu xây dựng, bất động sản như DLG, TDH, AMD, CRE, HID, KHG, TLD, VPH…cùng với đó là penny khác gần đây liên tục tăng mạnh là SJF, FTM, PXS, PTL cùng hai cổ phiếu xuất nhập khẩu GIL và QBS.

Trong đó, DLG đang trở thành điểm nóng, khi thanh khoản dẫn đầu HOSE với hơn 17 triệu đơn vị khớp lệnh.

Không ít cổ phiếu nhóm vận tải, cảng biển cũng đã bật trở lại với VOS tăng trần, CLL, TCO, STG, HAH tăng mạnh.

Đáng kể khác là HVN, khi cũng đã vươn lên sắc tím tại 28.650 đồng, chỉ một ngày sau thông tin, SCIC đã giải ngân 6.895 tỷ mua cổ phiếu HVN để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó là con sóng TGG, khi chưa ngừng dâng cao, vọt lên giá trần tại 52.800 đồng và nhà đầu tư đang tranh nhau gom hàng, khi chỉ khớp được hơn 30.000 đơn vị và có tới hơn 250.000 đơn vị dư mua giá trần.

Dòng tiền vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn rất mạnh, lệnh mua hướng đến nhiều cổ phiếu, nhưng ở chiều ngược lại, không ít cũng đã bị chốt lời, trong khi các bluechip vẫn đang “ngủ quên” và dần chịu sức ép lớn hơn đã khiến VN-Index chưa chạm 1.350 điểm đã bị đẩy ngược trở lại.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 168 mã tăng và 220 mã giảm, VN-Index tăng 2,54 điểm (+0,19%), lên 1.343,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 416 triệu đơn vị, giá trị 10.359 tỷ đồng, tăng hơn 21% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 15,5 triệu đơn vị, giá trị 519,1 tỷ đồng.

Ở nhóm bluechip, có hai điểm sáng nổi lên là MSN và SAB, khi tăng mạnh nhất và đóng góp gần một nửa cho 6 điểm tích cực đến VN-Index.

Theo đó, SAB +4,5% lên 168.800 đồng, khớp hơn 200.000 đơn vị và MSN +3,4% lên 135.000 đồng, khớp hơn 1,27 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng khác chỉ còn GAS, FPT và VRE tăng hơn 1%, trong khi VIC, VHM, PLX chỉ nhích nhẹ.

Trái lại, 19 mã giảm trong rổ VN30 tạo sức ép lớn, trong đó, PNJ giảm sâu nhất khi mất 2% xuống 90.200 đồng, SSI -1,8% xuống 42.800 đồng, VJC -1,6% xuống 126.000 đồng, VPB -1,4% xuống 63.900 đồng. Còn lại giảm nhẹ, trừ NVL, STB và VNM về giá tham chiếu.

Như đã đề cập, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số hút mạnh dòng tiền và đứng vững mức giá trần, với điểm nhấn là ở nhóm cổ phiếu bất động sản là DLG, TDH, AMD, CRE, HID, KHG, TLD, VPH, DC4, PTL, PXI và tất cả đều trắng bên bán.

Với DLG khớp lệnh cao nhất và đứng thứ hai trên sàn HOSE với gần 18 triệu đơn vị khớp lệnh, dư mua giá trần hơn 2,96 triệu đơn vị, THD khớp hơn 9,9 triệu đơn vị, dư mua giá trần ơn 1,3 triệu đơn vị, AMD khớp hơn 9,45 triệu đơn vị, dư mua giá trần hơn 0,9 triệu đơn vị, CRE khớp hơn 4,7 triệu đơn vị, dư mua giá trần hơn 0,61 triệu đơn vị…

Một số mã xuất nhập khẩu như QBS, AGM, GIL, FDC cũng tăng hết biên độ, và ở nhóm vận tải, cảng biển, logistics có VOS, nhóm dầu khí PXS, TDG, nhóm dược phẩm góp mặt SPM, VMD, tất cả đều tăng trần.

Cùng với đó là những con sóng đơn lẻ, có đà tăng phi mã gần đây là TGG, SJF và HVN với thông tin mua cổ phần từ SCIC.

Ở chiều ngược lại, FIT là cổ phiếu bị chốt lời mạnh nhất khi giảm về mức giá sàn -6,8% xuống 15.150 đồng, khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 22,5 triệu đơn vị.

Tương tự là PHC, khi -6,9% xuống 19.550 đồng, khớp 1,71 triệu đơn vị, BKG -6,7% xuống 10.400 đồng, khớp hơn 1,23 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index tăng điểm từ sớm, tạo đỉnh vào giữa phiên, trước khi hạ nhiệt sau đó.

Chỉ số cũng được nâng đỡ chủ yếu bởi dòng tiền hướng mạnh vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi ACM, MBG, TTH, HHG, VIG, ITQ, PV2, KVC, FID, TVD, SD6, NSH, GKM đều đã tăng kịch trần, cùng DL1 +7,1%, ART +3,2%, BII +7,5%, DST +6,4%, KLF +4,8%...

Các mã lớn khá ảm dạm, như SHB giảm 0,8%, PVS -0,7%, IDC -0,7%, MBS -2,3%, SHS -1,3%...trong khi NVB +1,9% lên 32.000 đồng, LAS +6,8% lên 18.900 đồng…

Thanh khoản phiên này, KLF vượt trội với hơn 10,47 triệu đơn vị khớp lệnh, PVS khớp hơn 5 triệu đơn vị. Nhóm SHB, ART, DL1, MBG, ACM khớp từ 3,75 triệu đến gần 5 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 88 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index tăng 2,27 điểm (+0,65%), lên 351,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 109,6 triệu đơn vị, giá trị 1.872,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,63 triệu đơn vị, giá trị 88,1 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giằng co quanh tham chiếu trong nước đầu phiên, trước khi chịu sức ép sau đó và kết phiên trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu nhỏ cũng đua sắc tím trên UpCoM với VHG, KSH, PFL, ILA, BVG, CDO, PXT, SDP và có thêm DDN trong số các mã lớn.

Thanh khoản hau mã HVG và KSH cao nhất và bỏ xa phần còn lại với 8,97 triệu và 6,19 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,21 điểm (-0,22%), xuống 95,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 62,48 triệu đơn vị, giá trị 982,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,88 triệu đơn vị, giá trị 30,5 tỷ đồng.

Tin bài liên quan