Trong phiên hôm qua, áp lực bán tháo quá mạnh đã khiến VN-Index có tới 2 lần mất tới 70 điểm, tương đương mất hơn 5% về thử thách ngưỡng hỗ trợ 1.270 điểm. Tuy nhiên, tại vùng này, lực cầu bắt đáy nhập cuộc mạnh, nhất là về cuối phiên đã giúp VN-Index hãm đà tăng, đóng cửa tại mức 1.296,30 điểm, chỉ còn giảm hơn 50 điểm.
Như vậy, sau khi xác lập đỉnh ở vùng 1.420 điểm ngày 2/7, thị trường đã quay đầu giảm mạnh với mức giảm tính tới phiên hôm qua là hơn 120 điểm (tính giá đóng cửa), còn tính mức đỉnh 1.424 điểm với mức đáy của phiên hôm qua 1.270 điểm, thị trường đã có nhịp giảm tới hơn 150 điểm, tương đương mức giảm hơn 12%. Dương như thị trường đã tìm được ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn trong nhịp giảm này tại 1.270 điểm.
Sau chuỗi giảm điểm mạnh, thị trường sẽ có nhịp phục hồi kỹ thuật để tạo điểm cân bằng trước khi xác nhận xu hướng mới. Với những nhà đầu tư ưa mạo hiểm thì đây là điểm mua vào hấp dẫn vì giá nhiều cổ phiếu đã rớt khoảng 30-40% so với vùng đỉnh, các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng và chứng khoán cũng giảm 10-20% ở vùng đỉnh. Ngược lại, nhiều nhà đầu tư chưa thoát kịp hàng các phiên trước, nhịp hồi này cũng là cơ hội tốt để cơ cấu lại danh mục.
Trên thị trường vẫn đang tồn tại các tin đồn đoán về nhóm này đánh lên, nhóm kia đạp xuống,... Các thông tin như vậy chưa lần nào được kiểm chứng chính xác, và luôn xuất hiện ở các nhịp thị trường có biến động. Tuy nhiên, dù đúng hay sai thì việc thiết lập các quy tắc đầu tư cho riêng mình, và thực hiện đúng quy tắc đó trong giao dịch vẫn sẽ giảm thiểu thiệt hại và tối ưu hóa lợi nhuận cho mỗi nhà đầu tư.
Quay lại với diễn biến giao dịch phiên sáng nay, ở nhóm bluechip, các cổ phiếu GAS, VRE, SSI, PLX đang tăng tốt, nhích từ 1,5% đến hơn 3%, trong khi PNJ và VCB, MSN đang chịu áp lực lớn nhất và giảm trên dưới 1%.
Nhóm cổ phiếu thị trường biến động mạnh hơn, với hàng loạt cái tên như TGG, HVH, SHI, TCO, TDC có thời điểm giảm sàn, trong khi ngược lại, các mã DCL,VOS, HID, ABS có lúc đã tăng kịch trần.
Thị trường vẫn chưa thể bứt lên, khi sự dè dặt, thận trọng cao, đứng ngoài quan sát vẫn đeo bám nhà đầu tư. Thanh khoản theo đó sụt giảm mạnh và VN-Index tạm giảm nhẹ sau khi giằng co trong suốt cả phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 207 mã tăng và 140 mã giảm, VN-Index giảm 4,69 điểm (-0,36%), xuống 1.291,61 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 296,4 triệu đơn vị, giá trị 8.733,7 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 51% về khối lượng và 55% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 14,4 triệu đơn vị, giá trị 592,1 tỷ đồng.
Chỉ số chịu áp lực đến từ một số cổ phiếu lớn nới đà giảm, trong đó đáng kể là VCB -3,4% xuống 103.500 đồng, MSN -2,6% xuống 116.800 đồng, NVL -2,3% xuống 102.700 đồng, PNJ -2,1% xuống 100.000 đồng, PDR -1,9% xuống 89.200 đồng.
Cùng với đó, các cổ phiếu khác như REE, VNM, MWG, VJC, HDB mất từ 1,5% đến 1,8%, còn VIC, VPB, CTG, TCH cũng chìm trong sắc đỏ.
Ở chiều ngược lại, một vài mã làm trụ đỡ giúp chỉ số không giảm thêm là GAS +3,4% lên 91.000 đồng, SBT +2,7% lên 17.300 đồng, VRE +1,5% lên 27.400 đồng. Các sắc xanh nhạt khác tại HPG, STB, PLX, BID, SSI…
Thanh khoản sụt giảm mạnh, khiến HPG là cổ phiếu có khối lượng giao dịch cao nhất nhóm cũng chỉ khớp được hơn 16 triệu đơn vị. Nhóm ngân hàng với MBB, VPB, STB, TCB theo sau với 7,85 triệu đến 13,1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu thị trường phân hóa, với FLC, HSG, ITA, SCR, KBC, PVD, AAA, TTF tăng điểm, nhưng phần lớn chỉ tăng nhẹ, trừ SCR tăng khá 3,6% lên 9.110 đồng, với FLC khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 16,66 triệu đơn vị.
Ngoài ra là HID, DCL, PSH, ABS khi tăng kịch trần, với HID khớp được hơn 1,57 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, đa số các mã giảm sàn từ sớm đã thu hẹp được đà giảm, nhưng một số vẫn giảm khá mạnh như SHI -6,3% xuống 19.950 đồng, HVH -5,5% xuống 8.340 đồng, trong khi TGG về được tham chiếu và TCO còn nhích 0,7%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tích cực hơn, khi tăng từ sớm và mặc dù cũng chịu áp lực giằng co, nhưng kết phiên vẫn trên tham chiếu nhờ một số mã lớn đứng vững.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 109 mã tăng và 46 mã giảm, HNX-Index tăng 2,04 điểm (+0,7%), lên 295,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 61,5 triệu đơn vị, giá trị 1.298,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,18 triệu đơn vị, giá trị 86,2 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu lớn phần lớn tăng điểm như SHB +0,4% lên 23.800 đồng, PVS +2,9% lên 25.000 đồng, VND +2,9% lên 38.900 đồng, IDC +2,6% lên 31.600 đồng, CEO +2,5% lên 8.100 đồng, BSI +2,6% lên 19.900 đồng, TNG +2,6% lên 19.500 đồng, BVS +3,6% lên 25.800 đồng, các mã SHS, MBS, THD, TVB, AMV cũng tăng điểm, nhưng biên độ tăng chỉ dưới 1%.
Các cổ phiếu giảm đa số là các mã nhỏ như KLF, ART, VIG, LIG, QBS và NVB -1% xuống 19.000 đồng.
Thanh khoản phiên này SHB vẫn dẫn đầu và bỏ xa phần còn lại với 16,2 triệu đơn vị khớp lệnh, PVS khớp 7,19 triệu đơn vị, KLF khớp 4,59 triệu đơn vị, VND khớp 3,58 triệu đơn vị, SHS khớp hơn 3,48 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chớm đỏ khi mở cửa, sau đó đã có nhịp tăng khá mạnh sau đó, và dù cung có có chút áp lực khiến chỉ số hạ thấp đội cao sau đó, nhưng kết phiên vẫn tăng tốt hơn hai chỉ số chính.
Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao đều tăng, với BSR, KSH, VGT, SBS, ABB, AAS, BVB, HHV, ORS, OIL và chỉ còn PAS giảm và VHG đứng tham chiếu.
Trong đó, BSR +3% lên 17.200 đồng, khớp lệnh cao nhất với hơn 8 triệu đơn vị, VGT +4% lên 15.500 đồng, khớp 1,53 triệu đơn vi. Hai mã ngân hàng SBS +3,4% lên 12.100 đồng, ABB +1,9% lên 21.800 đồng, khớp hơn 1,3 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,95 điểm (+1,13%), lên 84,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,9 triệu đơn vị, giá trị 425,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,36 triệu đơn vị, giá trị 6,2 tỷ đồng.