Giao dịch chứng khoán phiên sáng 13/6: Nỗ lực giữ vững mốc 1.300 điểm

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 13/6: Nỗ lực giữ vững mốc 1.300 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên tăng điểm mạnh hôm qua có phần thiếu thuyết phục, nhưng điểm tích cực là ngưỡng 1.300 điểm đã được chinh phục thành công sau 2 năm và điều này đã tiếp thêm động lực để dòng tiền nỗ lực giữ vững mốc điểm này, ngay cả khi thiếu vắng nhóm ngành dẫn dắt.

Trong phiên hôm qua, trạng thái phân hóa khiến VN-Index gần như chỉ rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch của phiên.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đầu nhập cuộc sôi động ở nhóm bluechip vào cuối phiên chiều đã giúp sắc xanh mở rộng và giúp VN-Index một lần nữa trở lại mốc 1.300 điểm sau hơn 2 năm qua (kể từ phiên 9/6/2022).

Tuy nhiên, diễn biến thị trường chưa đủ để xác nhận phiên bùng nổ bởi đà tăng mạnh không lan rộng, thanh khoản không quá bùng nổ và chủ yếu tập trung vào các bluechip…

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 13/6, thị trường tiếp tục tăng điểm ngay khi mở cửa, dù mức tăng chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn, chủ yếu nhờ sức ảnh hưởng tâm lý tích cực khi VN-Index vượt qua 1.300 điểm trong phiên hôm qua.

Mặc dù chỉ số sau đó hạ nhiệt nhanh và có thời điểm thủng tham chiếu, nhưng cũng đã trở lại ngưỡng điểm trên sau hơn 1 giờ giao dịch.

Sắc xanh trên bảng điện tử dù chiếm ưu thế, nhưng không quá lớn. Trong khi các nhóm ngành dẫn dắt cũng chưa xuất hiện và dòng tiền quay trở lại tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu vừa và nhỏ riêng lẻ, với những cái tên ở nhóm bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp có phần được chú ý hơn như CCI, SGR, CTR đã sớm tăng kịch trần, các mã DIG, NHA, PDR, VPH, DC4 tăng 3-4%.

Bên cạnh đó là nhóm cổ phiếu ngân hàng, với ba cổ phiếu trong nhóm bluechip là VPB, MBB và TPB, khi đang dẫn đầu thanh khoản toàn sàn, nhưng chỉ đang có được sắc xanh nhạt.

Áp lực phân hóa cao hơn về cuối phiên, bảng điện tử chia đôi ngả, khiến VN-Index gần như chỉ đi ngang quanh tham chiếu sau đó và tạm nghỉ giờ trưa trong sắc xanh nhạt. Dòng tiền loay hoay, thanh khoản dừng lại ở mức hơn 10.000 tỷ trên HOSE.

Chốt phiên, sàn HOSE có 211 mã tăng và 192 mã giảm, VN-Index tăng 1,08 điểm (+0,08%), lên 1.301,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 412,5 triệu đơn vị, giá trị 10.638 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 4,1 triệu đơn vị, giá trị 167,7 tỷ đồng.

Nhóm VN30 phân hóa mạnh với 12 mã tăng, 14 mã giảm cùng VJC, STB, VPB, VIB đứng tham chiếu. Trong đó, những cổ phiếu tăng và giảm đều chỉ có biên độ thay đổi về giá ở mức thấp, với POW là đại diện tăng tốt nhất cũng chỉ +2,1% lên 14.300 đồng, MBB nhích gần 2% lên 23.550 đồng.

Ở chiều ngược lại là SAB -2,1% xuống 65.600 đồng, hai mã PLX và BVH theo sau mất điểm nhẹ hơn 1%.

Cũng như đầu phiên sáng, ba cổ phiếu ngân hàng VPB, TPB và MBB duy trì là những mã thanh khoản cao nhất nhóm và dẫn đầu sàn, với khối lượng khớp lệnh từ 22,2 triệu đến 25,1 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ phần lớn cũng “án binh bất động”, ngoại trừ một vài cái tên riêng lẻ nổi lên như SGR tăng trần +6,9% lên 31.100 đồng, khớp hơn 0,5 triệu đơn vị. Các cổ phiếu CCI, VPS, VDP, CMV, DXV cũng có sắc tím, nhưng thanh khoản mờ nhạt.

Tăng đáng kể còn tại một số mã bất động sản, xây dựng, logistics, dịch vụ như DIG, NHA, PDR, GIL, VTP, TNH, ICT, DC4, DPG, với mức tăng 2,5% đến hơn 5%. Trong đó, ngoài DIG khớp 15,2 triệu đơn vị, PDR khớp hơn 12,7 triệu đơn vị, VTP và DPG khớp 1-1,5 triệu đơn vị thì còn lại cũng khớp lệnh còn khiêm tốn.

Ngược lại thì cũng như nhiều phiên gần đây, lực cung giá thấp không xuất hiện nhiều và giúp các mã giảm hầu như chỉ mất điểm nhẹ.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự HOSE, khi HNX-Index sau ít phút đầu rung lắc đã gần như bò ngang quanh tham chiếu cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 81 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 0,06 điểm (+0,02%), lên 248,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,6 triệu đơn vị, giá trị 811,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,18 triệu đơn vị, giá trị 28,7 tỷ đồng.

Các cổ phiếu hút giao dịch nhất đều biến động nhẹ, với SHS, MST, CTP đứng tham chiếu. Trong khi CEO, TNG, IDC, AAV tăng nhẹ, cùng NRC +4,2% lên 4.900 đồng, C69 +4,3% lên 7.300 đồng và HBS tăng trần +9,2% lên 9.500 đồng.

Trong khi đó, PVS, MBS, TIG, IDJ, HUT, DTD, PVC, AMV, API chìm trong sắc đỏ, nhưng biên độ giảm cũng chỉ ở mức thấp.

Thanh khoản phiên này SHS vẫn là cái tên dẫn đầu với hơn 9 triệu đơn vị, CEO khớp 4,1 triệu đơn vị, PVS khớp 2,37 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nửa đầu phiên cầm cự đã lùi về dưới tham chiếu sau đó, dù mức giảm cũng không đáng kể.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,08%), xuống 99,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,8 triệu đơn vị, giá trị 495,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,65 triệu đơn vị, giá trị 20,1 tỷ đồng.

Cổ phiếu AAH phiên này vượt trội với hơn 7,7 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng hơn 12,7% lên 6.200 đồng.

Các mã khác như BVB, VGI, BCR, BOT, DSC tăng hơn 3%, các mã HHG, AMS, CLX tăng 5-6% và PFL tăng trần lên 2.800 đồng.

Tin bài liên quan