Giao dịch chứng khoán phiên sáng 13/4: Nỗi sợ chưa qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù VN-Index đã hồi phục trở lại sau 3 phiên lao dốc liên tiếp, nhưng phiên hồi nhẹ sáng nay (13/4) chủ yếu do kéo trụ, trong khi lực bán ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có tính đầu cơ vẫn chưa dừng lại.

Sau các vụ khởi tố lãnh đạo một số doanh nghiệp, nhiều tin đồn liên quan tới các doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trong đó có nhiều doanh nghiệp trên sàn đã gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhà đầu tư, khiến thị trường chao đảo với 3 phiên lao dốc liên tiếp, đẩy VN-Index từ vùng đỉnh 1.530 điểm về 1.455 điểm và thử thách vùng hỗ trợ 1.440 điểm.

Không chỉ các cổ phiếu của doanh nghiệp nằm trong tin đồn thất thiệt như KBC, GEX, HSG bị bán mạnh, mà hàng loạt mã cổ phiếu có tính đầu cơ cao, nhất là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nhóm bất động sản, xây dựng cũng chịu cảnh bán tháo với nhiều phiên “múa bên trăng”. Hiệu ứng domino sau đó đã xảy ra khi lệnh bán lan sang nhóm cổ phiếu bluechip, kéo hàng loạt mã giảm mạnh.

Ngay khi có những tin đồn không có căn cứ, Chính phủ và Bộ Công an đều lên tiếng trấn an dư luận. Trong đó, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an đánh giá, những tin đồn nêu trên là thất thiệt và chưa được kiểm chứng, cơ quan chức năng sẽ thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm người đăng thông tin thất thiệt.

Ngoài ra, các doanh nghiệp như HSG, GEX…, cũng đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ và khẳng định, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn bình thường. Đây được xem là những phản hồi thông tin kịp thời từ phía doanh nghiệp, đem lại sự an tâm cho cổ đông, nhà đầu tư.

Trong khi đó, về mặt kỹ thuật, trong phiên hôm qua (12/4), dù giảm mạnh, nhưng nhóm VN30 cũng phát tín hiệu tích cực hơn khi chỉ số này hồi trở lại khi xuống dưới đường MA20. Trong khi đó, VN-Index cũng về vùng hỗ trợ mạnh 1.440 điểm - vùng điểm VN-Index luôn hồi trở lại mỗi khi lùi về kể từ cuối năm ngoái.

Với các thông tin và tín hiệu trên, đúng như dự đoán, thị trường đã hồi phục trở lại khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay với mức tăng hơn 3 điểm ngay khi mở cửa. Trong đó, hỗ trợ chính cho đà hồi phục này đến từ nhóm VN30 khi sắc xanh chiếm thế áp đảo trong nhóm này, dù đà tăng của các mã không quá mạnh.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa thật sự vững tâm trở lại, nên lực bán ra ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, có tính đầu cơ vẫn khá lớn, khiến nhiều mã trong nhóm này vẫn giảm sàn và trắng bên mua, như nhóm FLC, hay OGC, TGG, NVT, TSC, PTL… Một số mã thoát mức sàn, nhưng vẫn còn giảm mạnh và chỉ cần một lệnh bán vừa đủ có thể trở lại mức sàn như HAR, MCG, VRC…

Trong đó, FLC còn lượng dư bán sàn gần 19 triệu đơn vị, ROS còn hơn 12,7 triệu đơn vị, TSC còn gần 7,2 triệu đơn vị, OGC còn hơn 2 triệu đơn vị, PTL còn gần 1,8 triệu đơn vị, HAI và AMD còn hơn 1 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HQC có lực cầu bắt đáy khá tốt nên đã thu hẹp đà giảm, đóng cửa chỉ còn giảm 2% xuống 6.840 đồng, khớp 9,13 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sàn HOSE. Thậm chí, có lúc HQC đã hồi phục trở lại trên tham chiếu.

HAG dù gặp rung lắc, nhưng cũng nhận lực cầu lớn nên đã đảo chiều thành công, đóng cửa tăng 1,3% lên 11.700 đồng, khớp 8,79 triệu đơn vị.

Trên bảng điện tử, sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế, dù có lúc chớm đỏ, nhưng VN-Index vẫn giữ được sắc xanh khi bước vào giờ nghỉ trưa nhờ sự hỗ trợ của nhóm VN30, đáng kể là MSN, GVR, VNM và FPT.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 3,77 điểm (+0,26%), lên 1.459,02 điểm với 157 mã tăng (chỉ duy nhất CNG trần), trong khi có tới 287 mã giảm (16 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 369 triệu đơn vị, giá trị 12.816,3 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng tăng nhẹ về giá trị giao dịch so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 25 triệu đơn vị, giá trị 1.967,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, VN30-Index tăng 6,74 điểm (+0,45%), lên 1.513,94 điểm, hạ nhiệt so với nửa đầu phiên sáng do gặp chút lực cản tại đường MA50. Trong 30 mã, có tới 18 mã tăng, trong khi chỉ có 8 mã giảm và 4 mã đứng giá.

Trong nhóm VN30, tăng mạnh nhất là BVH tăng 4,2% lên 62.500 đồng, khớp gần 1,2 triệu đơn vị; GVR tăng 3,3% lên 34.100 đồng, khớp hơn 1,2 triệu đơn vị; MSN tăng 2,7% lên 128.800 đồng, khớp 0,8 triệu đơn vị; FPT tăng 2,6% lên 112.700 đồng, khớp 1,77 triệu đơn vị…

Nhóm ngân hàng sắc xanh chiếm chút ưu thế, nhưng mức tăng giảm của nhóm này không lớn. Trong đó, VPB là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 16,86 triệu đơn vị, vượt trội so với phần còn lại, nhưng đóng cửa giảm 1,4% xuống 38.450 đồng, mức giảm mạnh nhất nhóm.

Trong khi nhóm chứng khoán chỉ có 3 sắc xanh tại VND, VCI và TVB, trong đó VND có thanh khoản tốt thứ 2 sàn sau VPB với 9,4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,8% lên 33.250 đồng.

Các mã bị giảm mạnh do liên quan tới tin đồn trước đó như GEX, KBC đều hồi trở lại, dù không quá mạnh, còn HSG cũng không còn giảm khi đứng ở tham chiếu. Trong đó, GEX tăng 1,5% lên 34.350 đồng, khớp 6,57 triệu đơn vị; KBC tăng 2,7% lên 50.200 đồng, khớp 2,52 triệu đơn vị.

Việc HSG không tăng có thể là do chung xu hướng của nhóm thép khi nhóm này không có một sắc xanh nào khi chốt phiên sáng nay. Ngoài HSG, chỉ có thêm DTL đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm, trong đó VIS giảm kịch sản xuống 12.600 đồng, POM giảm hơn 3% xuống 12.700 đồng.

Trong khi đó, trên HNX, do nhóm HNX30 yếu hơn nhiều so với VN30, nên kéo HNX-Index giảm theo, dù đà giảm được hãm trong ít phút cuối phiên.

Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 2,17 điểm (-0,52%) xuống 418,84 điểm với 61 mã tăng, trong khi có 148 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 47,2 triệu đơn vị, giá trị 1.277,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Trong các mã lớn trên sàn này, chỉ có THD, IDC, PVS và PVI tăng giá. Trong đó, ngoại trừ THD vẫn biến động hẹp như thường lệ, còn lại IDC tăng 1,4% lên 66.000 đồng, khớp 2,3 triệu đơn vị; PVS tăng 2% lên 30.800 đồng, khớp 4,46 triệu đơn vị; PVI tăng 1,9% lên 53.000 đồng, thanh khoản nhỏ giọt.

Trong khi đó, giảm mạnh nhất là HUT với mức giảm 4% xuống 31.100 đồng, khớp 2,18 triệu đơn vị. Tiếp đến là CEO giảm 1,9% xuống 53.000 đồng, khớp 3,14 triệu đơn vị; VCS giảm 1,6% xuống 107.400 đồng.

Trong khi đó, 2 mã họ FLC thoát sàn khi KLF đóng cửa giảm 4,2% xuống 4.600 đồng, khớp 3,92 triệu đơn vị. ART giảm 8,3% xuống 6.600 đồng, khớp 2,76 triệu đơn vị.

UPCoM cũng có diễn biến giống HNX khi chỉ chớm xanh đầu phiên, sau đó chỉ dao động dưới tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,63 điểm (-0,56%), xuống 111,9 điểm với 70 mã tăng, trong khi có tới 201 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,2 triệu đơn vị, giá trị 806,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đã đóng góp tới 14,4 triệu đơn vị, giá trị 316,1 tỷ đồng.

Ngoại trừ C4G tăng nhẹ 0,4% lên 23.300 đồng sau thông tin đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận đột biến năm 2022, còn lại các mã đáng chú ý, có thanh khoản tốt trên UPCoM đều giảm sáng nay. Trong đó, BSR giảm 1,2% xuống 25.400 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị. VHG giảm 4,8% xuống 7.900 đồng, khớp 2,39 triệu đơn vị. ABB giảm 3,3% xuống 14.800 đồng, khớp 1,73 triệu đơn vị. VGT giảm 2% xuống 24.500 đồng, khớp 1,35 triệu đơn vị. BOT giảm 5,7% xuống 13.300 đồng, khớp 1,18 triệu đơn vị…

Tin bài liên quan