Giao dịch chứng khoán phiên sáng 12/5: Lực bán gia tăng, VN-Index lại giảm sâu

Giao dịch chứng khoán phiên sáng 12/5: Lực bán gia tăng, VN-Index lại giảm sâu

(ĐTCK) Những thông tin thiếu tích cực từ thị trường thế giới gồm cả chứng khoán và thị trường tiền điện tử lao dốc mạnh khiến nhà đầu tư trong nước lại bất an sau 2 phiên VN-Index phục hồi.

Trong phiên hôm qua, VN-Index biến động khá mạnh, khi có thời điểm giằng co quanh mốc 1.290 điểm, và lao xuống 1.280 điểm với thanh khoản gần như cạn kiệt.

Tuy nhiên, lực mua được kích hoạt ở cuối phiên, với dòng tiền hướng chủ yếu vào nhóm cổ phiếu thị trường với ROS, DIG, NBB, CII, NVT, LDG… đều tăng kịch trần.

Bên cạnh đó, nhóm VN30 cũng hoạt động tích cực hơn và là tác nhân chính kéo VN-Index tăng gần 8 điểm khi đóng cửa.

Tuy nhiên, khi tâm lý mới bình ổn trở lại thì các nhà đầu tư trong nước lại phải hướng sự chú ý ra thị trường quốc tế khi giá chứng khoán toàn cầu giảm điểm và đặc biệt là thị trường tiền điện tử lao dốc không phanh phiên đầu tuần. Lạm phát có vẻ không còn là "bóng ma" mà thực sự đã tác động sâu rộng tới thị trường tài chính khiến lãi suất tăng và nhà đầu tư không còn có thể phiêu liêu với thị trường chứng khoán hay các tài sản ảo.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 12/5, VN-Index bị bán ngay từ khi mở cửa và đà giảm tăng dần về cuối phiên sáng. Chỉ số lao dốc nhanh và và rời khỏi vùng 1.290 điểm và tiếp tục lùi sâu hơn về gần 1.280 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Sắc đỏ phủ rộng với gần 350 mã trên HOSE, trong khi ở rổ VN30 có thời điểm 27 mã chìm dưới tham chiếu.

Dù vậy, nếu có điểm tích cực nào đáng kể thì đó là lực bán tuy trải rộng, nhưng không bằng mọi giá, khi hiếm có cổ phiếu nào về sàn như trong các phiên lao dốc trước đó.

Một số cổ phiếu đáng chú ý như AAM, HDC, FIR nhích hơn 4%, và các cổ phiếu logistics như STG, GSP, GMD tăng trên dưới 3%.

Thanh khoản trở về trạng thái rất thấp cho thấy sự thận trọng tăng cao, thị trường giảm mạnh nhưng lực mua giá thấp xuất hiện nhỏ giọt.

Càng giao dịch, lực bán càng gia tăng, trong khi các điểm đỡ không xuất hiện khiến VN-Index lùi dần và chỉ khi về gần 1.270 điểm mới bật lên đôi chút về cuối phiên, thanh khoản toàn thị trường vẫn đứng ở mức thấp.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 51 mã tăng và 381 mã giảm, VN-Index giảm 25,24 điểm (-1,94%), xuống 1.276,29 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 212,7 triệu đơn vị, giá trị 5.854,4 tỷ đồng, tương đương cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 15,1 triệu đơn vị, giá trị 495,7 tỷ đồng.

Thị trường giảm sâu, ngoài do lực cầu yếu, trong khi lực bán thắng thế thì các bluechip cũng “góp phần” không nhỏ, với rổ VN30 có tới 28 mã giảm, chỉ còn GVR về tham chiếu 24.600 đồng và SAB nhích nhẹ 0,1%.

Giảm đáng kể có STB -4,9% xuống 22.400 đồng, BVH -3,9% xuống 56.200 đồng, SSI -3,6% xuống 26.700 đồng, MSN -3,5% xuống 108.000 đồng.

Nhóm ngân hàng theo sau với HDB -3,3% xuống 23.450 đồng, VPB -3,3% xuống 32.300 đồng, CTG -3,2% xuống 25.850 đồng, BID -3% xuống 35.000 đồng, các cổ phiếu TPB, MBB, ACB đều mất 2,7%...

Phần còn lại, nhóm TCB, PLX, HPG, GAS, VJC, MWG, VHM, NVL, PDR, FPT mất từ 1,7% đến 2,4%.

Trong đó, STB là cổ phiếu thanh khoản cao nhất và đồng thời dẫn đầu HOSE với hơn 13,5 triệu đơn vị khớp lệnh, HPG khớp 6,36 triệu đơn vị, VPB khớp 4,54 triệu đơn vị, SSI khớp 3,75 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lác đác một vài cổ phiếu đi ngược dòng thị trường như FIR +5,9% lên 41.200 đồng, HDC +3,1% lên 59.600 đồng, GMD +2,7% lên 58.000 đồng, VGC +2,5% lên 41.000 đồng, cùng một số mã khác như PTB, MSH, VCG, TTF, PSH, OGC, LIX, CII, STG, FCN, REE, EIB…nhưng mức tăng khiêm tốn, phần lớn chỉ trên dưới 1%, với CII và GMD thuộc top thanh khoản cao nhất sàn, khớp 3,45 triệu và 3,29 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sắc đỏ bao phủ phần còn lại, với những mã giảm sâu như ITC, BIC, DAG, AGR, DXS, FLC, FTS, HAI, AGM, FRT, với mức giảm từ 5% đến gần 7%...

Mất hơn 4% cũng có ở nhiều nhóm ngành cổ phiếu như VCI, CKG, TNH, DPM, HQC, TDC, VND, FTM, DCM, ACM, CTS, MIG…

Ở nhóm cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao, các cổ phiếu DIG, ROS, HAG, GEX, HSG, ITA, BCG, DXG, NKG…cũng đều chìm trong sắc đỏ, với đa số giảm trên dưới 3%, trừ phần nào đó là DIG khi -2,1% xuống 55.500 đồng và ROS giảm nhẹ 0,6% xuống 5.130 đồng.

Trên sàn HNX, diễn biến không khác biệt, khi HNX-Index lao dốc từ sớm, tạo đáy ở gần cuối phiên và hồi phục sau đó.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 38 mã tăng và 151 mã giảm, HNX-Index giảm 4,97 điểm (-1,49%), xuống 328,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,7 triệu đơn vị, giá trị 609,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,3 triệu đơn vị, giá trị 10,7 tỷ đồng.

Những cổ phiếu còn xanh trên HNX không nhiều, như CEO +0,3% lên 36.400 đồng, APS, BNA, HDA cũng nhích lên với biên độ tương tự.

Các mã khác đều giảm, như PVS -1,2% xuống 24.700 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 4,2 triệu đơn vị, SHS -4,9% xuống 15.500 đồng, KLF -2,1% xuống 4.600 đồng, ART -3% xuống 6.400 đồng, TNG -3,5% xuống 30.000 đồng, HUT -3% xuống 22.600 đồng, BII -4,4% xuống 6.500 đồng…

Đáng kể có NRC, khi giảm hết biên độ -9,7% xuống 17.600 đồng, khớp lệnh hơn 0,55 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index có nhịp tăng khá tốt ngay khi mở cửa, nhưng sau đó yếu dần và lùi về dưới tham chiếu khi kết phiên.

Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao, ngoài PAS, DDV, SSH, CEN nhích nhẹ, cùng BSR, VTP, QTP đứng tham chiếu, thì các cổ phiếu còn lại đều giảm.

Trong đó, ABB -1,7% xuống 11.500 đồng, khớp lệnh cao nhất UPCoM với 1,19 triệu đơn vị. Nhóm BVB, VGI, OIL, SBS, VGT, C4G, VHG, LMH giảm từ 0,7% đến hơn 2%.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,5%), xuống 98,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,1 triệu đơn vị, giá trị 187,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,24 triệu đơn vị, giá trị 14,7 tỷ đồng.

Tin bài liên quan