Giao dịch chứng khoán phiên chốt năm 31/12: Chào 2022, tưng bừng hơn

Giao dịch chứng khoán phiên chốt năm 31/12: Chào 2022, tưng bừng hơn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 đã khép lại, không sôi động nhưng đủ dấu ấn để đánh dấu một năm 2021 thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tổng kết lại một năm của thị trường chứng khoán, với 2021, chắc sẽ cần nhiều giấy mực bởi đây là năm sôi động nhất trong lịch sử 20 năm vận hành của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sự sôi động đó được tiếp nối từ năm 2020, với biến cố toàn cầu mang tên Covid-19. Dòng tiền giá rẻ của các nền kinh tế thế giới được bơm ra không phải dành cho thị trường chứng khoán mà dành để kinh tế trụ vững trong dịch, nhưng, bằng một tác động gián tiếp khi dòng tiền giá rẻ với lãi suất thấp đã kích thích nhu cầu đầu tư vào tài sản tài chính.

Chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam liên tiếp lập những kỷ lục mới về giá cổ phiếu cũng như điểm số của các sàn.

VN-Index, năm 2021 lập đỉnh cao lịch sử. Mở đầu năm với số điểm 1.113,77, VN-Index đạt ngưỡng lịch sử 1.511,68 điểm vào tháng 11, và kết thúc năm ở ngưỡng 1.498,28 điểm, tăng 35,73% so với đầu năm. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch tăng hơn 2,3 lần so với năm 2020.

Điểm số tăng mạnh với khối lượng lớn là vào dòng tiền từ hơn 1 triệu tài khoản mở mới trong năm. Đầu tư chứng khoán, chưa phải là phổ biến với mọi tầng lớp dân cư khi số lượng gần 4 triệu tài khoản mới chiếm chưa tới 5% dân số Việt Nam, thua xa số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và tài khoản ngân hàng, nhưng rõ ràng rằng, chứng khoán đã trở thành một kênh đầu tư đáng được quan tâm của một bộ phận dân cư có thu nhập.

Nói những điều này trong phiên giao dịch cuối năm cũng chỉ để nhắc lại một điều không mới, nếu cơ quan quản lý thị trường làm tốt, các doanh nghiệp niêm yết làm tốt thì tiềm năng mở rộng của thị trường chứng khoán là "mênh mông". Tốt là như thế nào? Rõ ràng những pha nghẽn lệnh trong năm, những quyết định xử phạt thao túng giá, xử phạt vì lỗi công bố thông tin, và cả những room bơm thổi hàng,... không phải là điều mà một thị trường chuyên nghiệp coi là điều bình thường.

Quay trở lại với giao dịch phiên cuối năm, một sự trùng hợp thú vị đã diễn ra, nếu như đầu năm cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng mở ra một năm đầy sôi động thì phiên cuối năm, cổ phiếu ngân hàng lại được nhắc ở dòng cuối trước khi chứng khoán bước sang trang 2022. NVL đại diện cho nhóm bất động sản, đi cùng với BID, VIB, TCB, SHB, cùng với đại diện nhóm thép HPG là những cổ phiếu tác động tích cực nhất giúp VN-Index tăng hơn 12 điểm phiên cuối năm.

Thanh khoản thấp hơn mức trung bình phiên cuối năm là điều dễ hiểu trước một kỳ nghỉ lễ, dù chỉ là 3 ngày, nhưng việc tăng giá của nhóm trụ đã giúp đồ thị kỹ thuật VN-Index tích cực hơn khi kéo đường MA20 cong lên, MACD cũng cắt lên và dải BolingerBands tiếp tục mở rộng.

Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy xu hướng tăng điểm sẽ tiếp diễn những ngày đầu năm mới, nhưng thị trường vẫn phải chờ thêm các thông tin khác có thể gây tác động như tình hình dịch, thông tin về kết quả kinh doanh các doanh nghiệp niêm yết sẽ công bố nhiều vào đầu năm mới,... Hy vọng, không có nhiều tin quá xấu.

Chào một năm mới 2022, chúc các nhà đầu tư sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Chốt phiên, sàn HOSE có 229 mã tăng và 242 mã giảm, VN-Index tăng 12,31 điểm (+0,83%), lên 1.498,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 747,86 triệu đơn vị, giá trị 22.029,3 tỷ đồng, cùng tăng hơn 16% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 29,2 triệu đơn vị, giá trị 1.545,5 tỷ đồng.

Nhóm VN30 tăng tốt hơn thị trường chung khi có tới 22 mã tăng và chỉ 8 mã giảm giá, chỉ số VN30-Index tăng hơn 16 điểm và vượt mốc 1.535 điểm.

Trong đó, cổ phiếu bất động sản NVL bất ngờ tăng mạnh về cuối phiên với hơn 5,4% và kết phiên tại mức giá cao nhất ngày 91.000 đồng/CP; đại diện nhóm bank là BID tăng 4,8% lên mức 37.100 đồng/CP, cổ phiếu PNJ cũng nới rộng biên độ khi tăng 4% lên 96.200 đồng/CP; BVH, VJC, HPG, SAB, VNM cùng tăng hơn 1%...

Trái lại, cổ phiếu KDH giảm sâu nhất trong rổ VN30 khi để mất 2,1% và kết phiên tại mức giá thấp nhất ngày 51.000 đồng/CP, SSI giảm 1,5% xuống 51.800 đồng/CP, VRE giảm 1,3% xuống 30.100 đồng/CP, các mã GAS, FPT, MSN, PLX, GVR đều giảm nhẹ trên dưới 0,5%.

Trái với diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip, nhiều mã vừa và nhỏ vẫn tiếp tục điều chỉnh. Đáng kể là HAG chịu áp lực xả bán ồ ạt đã kết phiên ở mức giá sàn 13.300 đồng/CP, giảm 6,7% với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt 43,16 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Các mã khác như FLC giảm 3,5%, HNG giảm 5,8%, HQC giảm 2,9%, LDG giảm 2,3%, DLG giảm 4%, SCR giảm 3,2%, ITA giảm 2,4%, TTF giảm 1,5%, HAI giảm 3,3%, AMD giảm 2%...

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm của thị trường. Ngoại trừ duy nhất EIB điều chỉnh nhẹ sau chuỗi ngày tăng nóng khi để mất chưa tới 0,5%, còn lại đều khởi sắc.

Trong đó, VIB đã lấy lại sắc tím khi kết phiên tăng 6,89% lên mức 47.300 đồng/CP; cổ phiếu đóng góp lớn cho chỉ số chung là BID tăng 4,8%; các mã khác như SHB tăng 4,21%, STB tăng 3,28%, OCB tăng 2,63%, TCB, VPB, MBB, ACB, SSB, MSB đều tăng hơn 1%.

Nhóm cổ phiếu thép có diễn biến tích cực hơn khi đồng loạt đều nới rộng đà tăng điểm, với HPG và HSG tăng 1,5%, NKG và TLH tăng 2%, SMC tăng 19%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán là điểm trừ duy nhất trong bộ 3 bank – chứng – thép khi phần lớn quay đầu điều chỉnh sau phiên bùng nổ hôm qua. Trong nhóm này chỉ còn BSI và CTS nhích nhẹ, APG đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm với các mã lớn như SSI, HCM, VND, VCI đều giảm 1-1,5%.

Nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng khép lại phiên cuối cùng của năm tích cực hơn so với phiên sáng khi nhiều mã như KBC, NLG, HDC, ROS… hồi phục sắc xanh.

Trên sàn HNX, sự tăng tốc của cổ phiếu lớn THD đã giúp thị trường bứt tốc trong phiên chiều.

Chốt phiên, sàn HNX có 105 mã tăng và 130 mã giảm, HNX-Index tăng 12,35 điểm (+2,67%), lên 473,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 102,38 triệu đơn vị, giá trị 2.632,48 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,2 triệu đơn vị, giá trị 184,17 tỷ đồng.

Cổ phiếu THD bất ngờ tăng kịch trần lên mức 277.000 đồng/CP, tăng 10%, đã đóng góp tích cực vào chỉ số chung của thị trường.

Bên cạnh đó, cặp đôi cổ phiếu ngân hàng cũng tăng tốc với NVB tăng 7,8% lên mức 31.900 đồng/CP, còn BAB tăng 1,3% lên 22.600 đồng/CP.

Ngoài ra, các mã tăng tốt khác trong rổ HNX30 có L14 tăng 4,4% lên 259.900 đồng/CP, VMC tăng 3,3% lên 27.900 đồng/CP, TAR tăng 2,9% lên 42.500 đồng/CP…

Cổ phiếu CEO đã đảo chiều hồi phục thành công sau khi điều chỉnh ở phiên sáng. Kết phiên, CEO tăng nhẹ 0,3% lên 70.900 đồng/CP và khớp 6,62 triệu đơn vị.

Trái lại, cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm HNX30 là LAS khi để mất 4,5% xuống 21.100 đồng/CP, các mã khác như PVB giảm 4,4%, VCS giảm 3%.

Nhóm chứng khoán trên HNX vẫn đi đi lùi sau phiên khởi sắc hôm qua với BVS giảm 2,9%, MBS giảm 1,5%, SHS giảm 1%, VIG giảm 3,9%, PSI giảm 2,5%... Cổ phiếu ART đã lấy lại mốc tham chiếu nhờ lực cầu sôi động. Kết phiên, ART đứng tại mức giá 16.300 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 8,49 triệu đơn vị.

Cổ phiếu nhỏ ACM vẫn là điểm sáng trên sàn HNX khi giữ vững đà tăng trần tại mức giá 3.400 đồng/CP và thanh khoản chỉ thua ART, đạt 7,4 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng tăng vọt về cuối phiên và xác lập vùng đỉnh của ngày.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,13 điểm (+1,01%), lên 112,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 169,14 triệu đơn vị, giá trị 1.976 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thỏa thuận có thêm 5,96 triệu đơn vị, giá trị 128,17 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu nhỏ là tâm điểm trên UPCoM với hàng loạt mã như PVX, HVG, AVF, KSH, PFL, GTT… tăng kịch trần với thanh khoản sôi động. Trong đó, PVX dẫn đầu khi khớp 9,54 triệu đơn vị và dư mua trần tới hơn 14,36 triệu đơn vị; tiếp theo là HVG khớp 9,51 triệu đơn vị, AVF khớp 8,72 triệu đơn vị, KSH khớp gần 8 triệu đơn vị…

Bên cạnh đó, nhiều mã lớn giao dịch khởi sắc, hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường như VGI tăng 3,2%, ACV tăng 5,5%, LTG tăng 2,3%, và các cổ phiếu ngân hàng như SGB tăng 1,1%, PGB tăng 1,2%, KLB tăng 4,2%, VAB tăng 1,1%, BVB tăng 3,1%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa tăng, với VN30F2201 tăng 11,5 điểm (+0,8%), lên 1.537 điểm, khớp lệnh 106.190 đơn vị, khối lượng mở gần 30.770 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền giao dịch phân hóa, trong đó, CHPG2111 có thanh khoản tốt nhất khi khớp 441.920 đơn vị và kết phiên giảm 54,5% xuống 50 đồng/CQ.

Tiếp theo là CSTB2110 khớp 190.880 đơn vị và kết phiên tăng 12,5% lên 720 đồng/CQ.

Tin bài liên quan