Giao dịch chứng khoán phiên chiều 7/9: Lực bán gia tăng, VN-Index quay đầu điều chỉnh

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 7/9: Lực bán gia tăng, VN-Index quay đầu điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cung giá thấp ồ ạt được tung vào thị trường ở nửa sau của phiên đã khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nhưng nhờ sự vững chắc của nhóm ngân hàng, thị trường tránh được phiên giảm sâu.

Sau phiên sáng giằng co, rung lắc, thị trường bước vào phiên chiều đã nhích dần lên trên 1.350 điểm điểm nhờ động lực đến từ nhóm ngân hàng. Tại vùng điểm này, áp lực chốt lời gia tăng ở nhiều nhóm ngành khác khiến VN-Index quay đầu mất hơn 10 điểm, xuống đáy của ngày ở vùng 1.340 điểm.

Tuy nhiên, phiên điều chỉnh sâu đã không xảy ra khi nhóm cổ phiếu trụ ngân hàng đã trở lại. Dòng tiền đã chuyển hướng trở lại dòng bank sau một thời gian xa lánh, giúp nhóm dẫn dắt này đồng loạt tăng giá, ngoại trừ "anh cả" VCB đứng tham chiếu.

Thị trường bị chốt lời, nhất là nhóm cổ phiếu midcap tăng mạnh trước đó là điều dễ hiểu vì nhiều cổ phiếu đã tăng nóng trước đó. Tương tự, VN-Index điều chỉnh cũng không quá ngạc nhiên, chỉ số sau khi vượt lên đường MA20 cần có phiên test lại ngưỡng này, và việc giữ được điểm số cuối phiên nằm trên MA20 mở ra cơ hội tăng tiếp của thị trường trong vài phiên tới.

Tuy nhiên, việc dòng tiền chốt lời nhóm midcap để trở lại với dòng ngân hàng sau thời gian ngó lơ cho thấy, nhiều khả năng thị trường sẽ có những đột biến trong thời gian tới. Điều này vẫn cần chờ xác nhận thêm bởi phiên hôm nay dù cổ phiếu ngân hàng tăng khá tốt nhưng dòng tiền mua vẫn chưa thực sự quyết liệt.

Chốt phiên, sàn HOSE có 125 mã tăng và 294 mã giảm, VN-Index giảm 4,49 điểm (-0,33%), xuống 1.341,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 869,37 triệu đơn vị, giá trị 26.659,9 tỷ đồng, giảm 8% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 19,8 triệu đơn vị, giá trị 927,3 tỷ đồng.

Phải nói rằng, phiên này thị trường chỉ giảm nhẹ chủ yếu nhờ lực đỡ đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, khi phần lớn đã nới rộng đà tăng và trong số 11 mã còn xanh ở VN30 thì có đến 9 mã thuộc về các cổ phiếu ngân hàng.

Cụ thể, TPB là cổ phiếu dẫn đầu mức tăng +4,6% lên 36.400 đồng, VPB +3,9% lên 63.500 đồng, CTG +1,9% lên 32.650 đồng, BID +1,5% lên 39.700 đồng, các mã MBB, STB, HDB, TCB, ACB tăng từ 1,1% đến 1,4% và ngoại trừ VCB khi chỉ có giá tham chiếu 100.000 đồng.

Ở chiều ngược lại, giảm mạnh nhất là PDR, mất 3,5% xuống 83.000 đồng, VRE -3,2% xuống 27.200 đồng, POW -2,8% xuống 12.050 đồng, BVH -2% xuống 55.300 đồng, GAS -1,9% xuống 88.700 đồng.

Các mã MSN, HPG, GVR, VIC, PLX, FPT giảm từ 1% đến 1,5%, còn lại SAB, PNJ, MWG, VNM, VJC, KDH giảm nhẹ.

Thanh khoản HPG vẫn như phiên sáng, như tiếp nối dẫn đầu nhóm với hơn 31,2 triệu đơn vị khớp lệnh, SSI khớp hơn 24,5 triệu đơn vị.

Nhóm ngân hàng hút mạnh tiền trở lại với ACB, VPB, CTG, TPB, STB, khớp từ 7,96 triệu đến 13,7 triệu đơn vị và riêng MBB vượt trội với hơn 20,3 triệu đơn vị.

Trên bảng chính, sắc xanh lác đác tại một số cổ phiếu trong nhóm chứng khoán đầu ngành, ngoài SSI +0,7% thì VND +2,8% lên 52.000 đồng, VCI +4,9% lên 64.300 đồng, HCM +1,3% lên 56.300 đồng, và sắc tím được bảo toàn tại APG và VIX. Ngược lại là AGR, CTS, VDS, TSI chìm trong sắc đỏ.

Ở nhóm vận tải, cảng biển, sự phân hóa mạnh cũng diễn ra với TCO tăng trần +6,8% lên 25.050 đồng, VNL +6,8% lên 28.450 đồng, VOS +5,3% lên 17.800 đồng, HAH nhích nhẹ, còn TCL -4,1% xuống 40.000 đồng, MHC -3,6% xuống 12.000 đồng, CLL -2,9% xuống 35.000 đồng, STG -4,7% xuống 28.200 đồng…

Đặc biệt ở nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, khi nhiều mã đã nới rộng đà giảm rất nhanh, với BCG, ASM, SJF, PHC giảm sàn.

Các cổ phiếu IDI, ROS, QCG, DLG, HAR, BCE, CCL, VGC, HPX giảm từ 5,1% đến 6,4%. Nhóm FLC, HTI, TCD, NHA, HHS, HBC, IJC, VRC, HCD, HQC, DIG mất 4% đến 4,6%...

Chỉ còn KBC, FIT thoát hiểm tăng nhẹ 1,7% và 0,5% lên 42.500 đồng và 19.600 đồng.

Nhóm thép cũng tạo gánh nặng lớn, với HPG -1% xuống 50.700 đồng, HSG -1,8% xuống 42.100 đồng, NKG -2,4% xuống 40.600 đồng, TLH -5,1% xuống 20.300 đồng, POM -2,3% xuống 17.000 đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX cũng dần đi lên ngay sau khi bước vào phiên chiều, nhưng áp lực bán chung cũng đã gia tăng khiến chỉ số hạ độ cao, và vẫn phải nhờ đến các lực đỡ của phiên sáng là NVB, cặp đôi SHB-SHS mới giữ cho chỉ số không về dưới tham chiếu.

Đóng cửa, sàn HNX có 66 mã tăng và 133 mã giảm, HNX-Index tăng 0,85 điểm (+0,25%), lên 346,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 169 triệu đơn vị, giá trị 3.562 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 11 triệu đơn vị, giá trị 167 tỷ đồng.

Như đã đề cập, các mã tạo lực đỡ chính là SHB +0,4% lên 26.600 đồng, SHS +3,1% lên 40.300 đồng, NVB tăng trần +9,7% lên 31.600 đồng. Cùng với đó là BAB +4,5% lên 23.200 đồng, MBS +1,9% lên 37.200 đồng.

Nhóm các cổ phiếu lớn khác đa số giảm sâu như PVS -3,8% xuống 25.600 đồng, TNG -6,8% xuống 30.000 đồng, CEO -4% xuống 9.700 đồng, IDJ -8,3% xuống 22.200 đồng, IDC -2,8% xuống 41.300 đồng, LAS -5,5% xuống 17.200 đồng, NDN -3,1% xuống 22.100 đồng…

Thanh khoản phiên này cặp đôi SHB và SHS cao nhất sàn với 15,84 triệu và 11,94 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng nhích lên nhờ cặp đôi ngân hàng ABB và BVB đã nới đà tăng, nhưng áp lực bán tại phần còn lại gia tăng đã đẩy chỉ số về dưới tham chiếu khá nhanh và may mắn bật trở lại vào những phút cuối, đóng cửa gần như không đổi.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,04%), lên 94,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 124,9 triệu đơn vị, giá trị 2.151,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12 triệu đơn vị, giá trị 241,4 tỷ đồng.

Trong số các cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất, ngoài KHB giữ mức giá trần +12,1% lên 3.700 đồng và thanh khoản vẫn dẫn đầu với 10,8 triệu đơn vị, thì cặp đôi ngân hàng kể trên trở thành lực đỡ chính.

Theo đó, BVB +5,8% lên 20.200 đồng, khớp 4,11 triệu đơn vị và ABB +3,4% lên 21.000 đồng, khớp 3,92 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa dưới tham chiếu, trong đó, VN30F2109 giảm 3,6 điểm (-0,25%), xuống 1.441 điểm, khớp lệnh đạt hơn 167.800 đơn vị, khối lượng mở hơn 30.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, nhưng CHPG2111 phiên này giao dịch sôi động nhất với 2,38 triệu đơn vị khớp lệnh đã tăng 1,3% lên 2.380 đồng/cq.

Tin bài liên quan