Trong phiên sáng, thông tin Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã ảnh hưởng ít nhiều tới thị trường. Trong nửa đầu phiên, thị trường chịu sức ép lớn, VN-Index bị đẩy xuống vùng 1.510 điểm, nhưng nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu công nghệ, thị trường đã dần hồi phục trở lại. Tuy nhiên, lực bán vẫn quá lớn khiến VN-Index vẫn bước vào phiên nghỉ trưa với sắc đỏ.
Bước vào phiên giao dịch chiều, sau ít phút đầu khả quan khi đà giảm được thu hẹp dần, VN-Index hướng trở lại tham chiếu, nhưng chỉ 15 phút sau, lực bán đã ồ ạt diễn ra, nhất là tại nhóm cổ phiếu FLC và các mã có tính đầu cơ cao khác như HQC, TTF, TGG, ASM, NVT, COM, OGC, DIG… khiến VN-Index lao mạnh xuống dưới ngưỡng 1.510 điểm, xuyên thủng đáy của phiên sáng.
Tưởng chừng lệnh bán tháo ở nhóm cổ phiếu đầu cơ sẽ lan rộng ra các nhóm khác, khiến thị trường có phiên giảm sâu thì nhóm “đại gia” đã ra tay nâng đỡ kịp thời. Lực mua được thúc đẩy ở nhóm VN30 và một lần nữa dòng bank lại đóng vai trò chính để nâng đỡ thị trường trong những lúc hoảng loạn, kéo VN-Index tăng thẳng đứng 15 điểm, đóng cửa với sắc xanh nhạt, dù sắc đỏ nhiều gấp hơn 1,6 lần sắc xanh, trong đó số mã giảm sàn nhiều gấp hơn 4 lần số mã tăng trần (18 mã giảm sàn so với chỉ 4 mã tăng trần).
Như vậy, Gap tạo ra trong phiên 4/4 đã được lấp xong trong phiên hôm nay. Không chỉ tránh khỏi phiên giảm thứ 2 liên tiếp, hôm nay thị trường cũng chứng kiến thanh khoản tăng mạnh, lên mức cao nhất từ đầu tháng 4 và cũng là phiên đầu tiên của tháng có thanh khoản trên sàn HOSE vượt ngưỡng 30.000 tỷ đồng, cho thấy nhà đầu tư vẫn tin vào xu hướng uptrend của thị trường, nên tranh thủ các nhịp điều chỉnh để vào hàng.
Chốt phiên hôm nay, VN-Index tăng 2,87 điểm (+0,19%), lên 1.522,9 điểm với 173 mã tăng, trong khi có tới 279 mã giảm và 42 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 944 triệu đơn vị, giá trị 30.016,7 tỷ đồng, tăng 34,5% về khối lượng và 38,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 31,3 triệu đơn vị, giá trị 1.309 tỷ đồng.
Trong khi đó, VN30-Index ghi nhận phiên tăng điểm mạnh 17,91 điểm (+1,16%), lên 1.557,11 điểm, một lần nữa vượt ra ngoài dải trên của bolliger bands với 20 mã tăng, 1 mã đứng giá và 9 mã giảm.
Như đã đề cập, một lần nữa nhóm ngân hàng được sử dụng để làm bệ đỡ cho thị trường trong những lúc tâm lý nhà đầu tư không tích cực. Trong phiên hôm nay, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng giúp nhóm này đồng loạt có sắc xanh, ngoại trừ SSB đứng giá tham chiếu, thanh khoản cũng tăng mạnh.
Trong đó, tăng mạnh nhất là LPB với mức tăng hơn 5% lên 20.850 đồng, thanh khoản 4,45 triệu đơn vị. Tiếp đến là VPB tăng 4,3% lên 39.950 đồng, là mã tăng mạnh nhất trong nhóm VN30, thanh khoản 41 triệu đơn vị, đứng thứ 3 thị trường. MBB tăng hơn 2,1% lên 33.350 đồng, khớp 16,79 triệu đơn vị. VCB tăng hơn 1,9% lên 84.600 đồng. TCB và STB tăng hơn 1,7% lên 49.900 đồng và 32.350 đồng, khớp hơn 9 triệu đơn vị và hơn 12 triệu đơn vị...
Riêng 4 mã ngân hàng hôm nay là VCB, VPB, MBB, TCB đã đóng góp cho VN-Index hơn 5 điểm.
Trong khi đó, VIC lại là mã gây sức ép lớn nhất tới thị trường khi giảm 2,2% xuống 80.500 đồng, thanh khoản 5,68 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán lại không có được sự đồng lòng như ngân hàng khi sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế hơn. Trong 5 mã tăng, chỉ có FTS và VND tăng mạnh 3,5% lên 62.600 đồng và 2,6% lên 35.500 đồng, còn lại SSI, CTS và VDS tăng nhẹ, còn lại là giảm. Trong đó, VIX giảm mạnh nhất hơn 5,4% xuống 22.600 đồng. Các mã còn lại giảm không đáng kể.
Nhóm bất động sản hôm nay bị bán mạnh nên đồng loạt quay đầu giảm giá, số sắc xanh chỉ đếm trên đầu ngón tay và mức tăng cũng rất khiêm tốn.
Trong đó, nhóm bất động sản vừa và nhỏ có tính đầu cơ cao đều đồng loạt giảm sàn, như nhóm FLC (FLC, ROS), NVT, HQC, hay NHA cũng chỉ may mắn mới thoát sàn trong tích tắc.
Trong đó, FLC khớp lớn nhất thị trường với 53,2 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn nửa triệu đơn vị. ROS khớp 35,07 triệu đơn vị và còn dư bán sàn gần 3,7 triệu đơn vị. HQC khớp gần 33,5 triệu đơn vị và còn dư bán sàn 2,3 triệu đơn vị. Nhiều nhà đầu tư mua đuổi nhóm này trong phiên 4/4 đang đứng ngồi không yên. Trong khi với NVT, hình dáng cây thông noel đang dần hình thành.
Ngoài nhóm trên, các mã có tính thị trường khác cũng bị bán mạnh hôm nay có OGC giảm sàn xuống 19.100 đồng, khớp 5,7 triệu đơn vị và còn dư bán sàn gần 0,8 triệu; TTF cũng giảm sàn xuống 15.000 đồng, khớp 18 triệu đơn vị, nhưng không còn dư bán sàn. Tương tự là DIG và ASM giảm kịch sàn về 87.000 đồng và 23.100 đồng, khớp trên dưới 13 triệu đơn vị, nhưng cũng không còn dư bán sàn.
Nhóm FLC, ngoài FLC và ROS giảm sàn, các mã khác đều thoát được sắc xanh lơ mắt mèo, dù cũng có phiên giảm mạnh như AMD giảm 6,6% xuống 5.420 đồng, HAI giảm 6,8% xuống 5.220 đồng, trên HNX có KLF giảm 7% xuống 5.300 đồng và ART giảm 7,9% xuống 8.200 đồng.
Trong khi đó, không có được sự nâng đỡ của các ông lớn như trên HOSE, sàn HNX dù nỗ lực bám theo HOSE trở lại cuối phiên, nhưng không đủ sức khi đi được một đoạn ngắn đã bị đẩy giảm sâu trở lại, đóng cửa ở mức thấp gần nhất phiên, xuống dưới đường trung bình MA20.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 9,27 điểm (-2,03%), xuống 446,83 điểm với chỉ 76 mã tăng, trong khi có tới 162 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 117,3 triệu đơn vị, giá trị 3.809,1 tỷ đồng, tăng 24,5% về khối lượng và 30,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3 triệu đơn vị, giá trị 147,2 tỷ đồng.
Các mã lớn trên sàn này, NVB, VCS và PVS tăng nhẹ dưới 1%, cùng BAB và PVI đứng giá, còn lại giảm, trong đó IDC giảm tới 8,5% xuống 72.000 đồng, khớp tới 15 triệu đơn vị; CEO giảm 4,8% xuống 61.900 đồng, khớp 5,46 triệu đơn vị; mã vốn hóa lớn nhất là THD cũng giảm 1,6% xuống 168.300 đồng, khớp chỉ 0,38 triệu đơn vị. Ngoài ra, SHS giảm 0,7% xuống 42.200 đồng, khớp 4,3 triệu đơn vị. HUT giảm kịch sàn xuống 32.300 đồng, khớp 7,85 triệu đơn vị và còn dư bán sàn.
Trong khi đó, nhóm than lại khởi sắc khi đồng loạt tăng trần như NBC, TC6, TDN, MDC, TVD.
UPCoM hôm nay cũng chỉ giao dịch trong sắc đỏ, dù nỗ lực thu hẹp đà giảm trong nửa cuối phiên chiều, nhưng cũng không tránh khỏi phiên giảm sâu hơn phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,86 điểm (-0,73%), xuống 116,84 điểm với 129 mã tăng và 208 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 70,2 triệu đơn vị, giá trị 1.899,3 tỷ đồng, giảm trên dưới 20% về thanh khoản và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 17 triệu đơn vị, giá trị 642,6 tỷ đồng.
Các mã đáng chú ý, có thanh khoản cao trên thị trường này đa số giảm mạnh, trong đó VHG đứng đầu về thanh khoản với 5 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,1% xuống 9.300 đồng. VGT giảm 1,9% xuống 26.300 đồng, khớp 3,25 triệu đơn vị. PXL giảm 7,6% xuống 17.000 đồng, khớp 2,75 triệu đơn vị.
Tích cực hơn thì C4G cũng chỉ tăng nhẹ 0,4% lên 26.000 đồng, khớp 4,15 triệu đơn vị. BSR đứng giá tham chiếu 26.800 đồng, khớp 3,57 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, toàn bộ hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng theo thị trường cơ sở, nhưng mức tăng nhẹ hơn. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 4 là VN30F2204 tăng 15 điểm (+0,98%), lên 1.540,3 điểm với 189.020 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 34.709 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh lại có phần chiêm sưu thế hơn sắc đỏ, trong đó mã tăng mạnh nhất là CMWG2113 do VCSC phát hành với 47,3% lên 2.150 đồng, thanh khoản 184.800 đơn vị. Trong khi CVIC2107 do HSC phát hành là mã giảm mạnh nhất khi mất tới 66,7% xuống mức kịch sàn 10 đồng, thanh khoản gần 2,16 triệu đơn vị. Tuy nhiên, đây không phải là mã dẫn đầu về thanh khoản hôm nay, mà vị trí này thuộc về CMBB2107 cũng do HSC phát hành với 3,42 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 10,7% lên 1.550 đồng. Ngoài 2 mã trên, còn có 4 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị do HSC và KIS phát hành.