Áp lực bán gia tăng ngay khi giao dịch trở lại đầu phiên chiều, khiến VN-Index lùi về gần vùng đáy của phiên sáng quanh 1.070 điểm và rung lắc, trước khi nhận thêm một nhịp rơi mạnh mất gần 35 điểm về dưới 1.060 điểm sau thời điểm 14h.
Tại thời điểm này, nhiều cổ phiếu đã rơi sâu và không ít đã về giá sàn khiến lực mua bắt đáy gia tăng mạnh mẽ, kéo chỉ số về lại ngưỡng trên 1.070 điểm.
Tuy nhiên, áp lực chốt lời thêm một lần được tung mạnh vào thị trường khiến VN-Index quay đầu giảm và lần giảm này còn sâu hơn khiến VN-Index mất 40 điểm so với tham chiếu ngay trước phiên ATC với gần 400 mã, trong đó hơn 80 mã giảm sàn và tiếp tục mất thêm gần 10 điểm về dưới 1.050 điểm trong những phút cuối.
Diễn biến rơi mạnh phiên hôm nay có một sự trùng hợp là tin tích cực về room tín dụng vừa được công bố chiều qua, quy luật "tin ra - giá xuống" dường như phát huy giá trị.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống
Về mặt kỹ thuật, trong mỗi con sóng tăng thường có những phiên được gọi là phân phối để làm giảm nhiệt đà tăng, đặc trưng của các phiên này là điểm số mất đi lớn và thanh khoản tăng vọt so với các phiên trước. Đây là kết quả của một đợt chốt lời diện rộng khi nhiều nhà đầu tư có được sự đồng thuận "bảo vệ thành quả" có được trước đó của mình.
Một con sóng tăng thường có nhiều nhịp phân phối chứ không thể chỉ sau 1 phiên thị trường đã bẻ gãy được xu hướng, sau những phiên phân phối thì thị trường có thể vẫn tiếp tục tăng tiếp, nhưng chắc chắc đây sẽ là dấu hiệu cảnh báo cần thiết để các nhà đầu tư thận trọng hơn.
Trong con sóng hồi từ đáy hiện nay, bắt đầu từ phiên 16/11, đã có 2 phiên được gọi là phân phối gồm phiên 1/12 và phiên hôm nay. Điểm đáng lưu ý là khoảng cách giữa 2 phiên này khá ngắn, báo hiệu rủi ro đảo chiều xu hướng có thể đến sớm.
Đóng cửa, sàn HOSE có 87 mã tăng và 391 mã giảm (93 mã giảm sàn), VN-Index giảm 44,98 điểm (-4,11%), xuống 1.048,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.481,8 triệu cổ phiếu, giá trị 23.533 tỷ đồng, tăng 18% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 125 triệu đơn vị, giá trị 1.803 tỷ đồng. Trong đó, đáng kể có hơn 54,3 triệu cổ phiếu VIX, trị giá hơn 442 tỷ đồng và 35,2 triệu cổ phiếu LPB, trị giá gần 473 tỷ đồng.
Hầu hết các nhóm ngành đã tăng mạnh trong đợt phục hồi vừa qua đều giảm sâu như bất động sản, xây dựng, công ty chứng khoán và thép, cũng như sức ép từ nhóm vốn hóa lớn, ngân hàng góp thêm phần vào phiên lao dốc hôm nay.
Theo đó, ở các mã bất động sản, hai cổ phiếu được giải cứu gần đây là NVL và PDR đều đã giảm sàn về 20.600 đồng và 15.500 đồng. Trong đó, NVL khớp 52,3 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 11 triệu đơn vị, còn PDR khớp 43,7 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 1,7 triệu đơn vị.
Các mã khác trong nhóm bất động sản, xây dựng cũng đua nhau nằm sàn, đáng kể như bluechip VRE về 29.350 đồng. Tương tự là BCG, DIG, DXG, DXS, HHV, IDJ, CII, CTD, DLG, HBC, HTN, QCG, NTL, VCG, CRE, HQC, NBB, NHA…Trong đó, DIG là cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất với hơn 44,2 triệu đơn vị khớp lệnh, DXG khớp hơn 31,7 triệu đơn vị, VCG khớp hơn 20 triệu đơn vị…
Các cổ phiếu công ty chứng khoán với những cái tên VIX, VCI, HCM, APG, BSI AGR, TVB, VDS cùng giảm hết biên độ, SSI -6% xuống 19.550 đồng, FTS -5,2% xuống 20.000 đồng, VND -3,7% xuống 14.300 đồng, ORS may mắn chỉ giảm nhẹ 0,9% và CTS là cổ phiếu duy nhất tăng +0,8% lên 12.900 đồng. Trong số này, cổ phiếu VND khớp lệnh tới hơn 63,5 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.
Các cổ phiếu thép cũng rơi về giá sàn với HPG, HSG, NKG, TLH, SMC và duy chỉ có POM bất ngờ đi ngược thị trường, thậm chí còn tăng trần +6,9% lên 5.290 đồng. Cổ phiếu HPG phiên này khớp lệnh chỉ đứng sau VND trên sàn với 62,77 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng “đóng góp” những cái tên giảm sàn là STB, SHB VPB MBB và VIB, cổ phiếu TCB, TPB, EIB giảm về sát mức giá sàn, anh cả VCB -5,9% xuống 80.000 đồng, CTG -5,6% xuống 27.000 đồng, ACB -5,5% xuống 22.300 đồng, MSB -5,4%, BID -5,2%, HDB -3,2%, OCB -0,3% và duy nhất sắc xanh tại LPB, nhưng cũng chỉ nhích nhẹ 0,4%.
Ở các bluechip, ảnh hưởng xấu còn có GVR khi cũng giảm sàn về 14.550 đồng, MWG -6,8%, PLX -5,8%, VHM -5,7%, BVH -5%, GAS -3,3%, MSN, VNM và FPT cùng giảm 2,9%, VIC -2,2%, trong khi VJC và SAB giảm nhẹ chưa đến 1%.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu nông nghiệp, thủy sản duy trì sức hút từ cuối phiên sáng, với các cổ phiếu HAG, VHC, ABT, ANV, HNG, IDI, TSC, ACL đều đã tăng kịch trần, CMX +5,3%, FMC +5,2%, DBC +4,2%. Trong đó, HAG thuộc top thanh khoản cao nhất sàn với 37,7 triệu đơn vị khớp lệnh.
Các cổ phiếu hóa chất với BFC tăng trần lên 19.300 đồng, DCM +4,3% lên 30.050 đồng, DPM +3%, CSV +2,9%, DGC đảo chiều giảm nhẹ 1,6%.
Một số cổ phiếu vận tải, logistics cũng hoạt động tốt với HAH tăng trần lên 33.000 đồng, HTV +5,5%, VNL +5,4%, VSC +3,5%, VOS thu hẹp đáng kể đà tăng, từ giá trần về chỉ còn +1,3%.
Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng trong phiên chiều khiến HNX-Index lao dốc và lùi về các mức thấp hơn, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Chốt phiên, sàn HNX có 51 mã tăng và 131 mã giảm (40 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 7,16 điểm (-3,25%), xuống 212,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 186,7 triệu đơn vị, giá trị 2.716 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,72 triệu đơn vị, giá trị 160,1 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu cũng đã nới đà giảm hoặc đảo chiều giảm mạnh về giá sàn như SHS, CEO, IDJ, NRC, MBS, APS, MWG, MST, MBG API, TVC, DL1, VGS…khớp lệnh từ 1,1 triệu đến 6,96 triệu đơn vị. Riêng CEO khớp 26,88 triệu đơn vị và SHS khớp 49,67 triệu đơn vị, cao nhất sàn.
Mất điểm khác còn có IDC -8,2%, TNG -3,3% PVC -5%, PVL -2,8% TIG -7,5%, L14 chỉ giảm nhẹ 0,6% xuống 68.000 đồng.
Các cổ phiếu PVS, HUT, BII, KVC về giá tham chiếu. Trong khi đó, sắc xanh lác đác tại TAR +4,7%, LAS +1,1%, VC3 +1,2%.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng giảm mạnh và lùi về các mức thấp, trước khi có nhịp nảy nhẹ ở những phút cuối từ mức đáy.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 2,22 điểm (-3,03%), xuống 71,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 67,77 triệu đơn vị, giá trị 685,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,2 triệu đơn vị, giá trị 22,7 tỷ đồng.
Các cổ phiếu nhỏ đua nhau nằm sàn với VHG, SBS, PAS, PXS, BDT, DTE, còn lại cũng giảm sâu từ hơn 5% đến gần 12%.
Trong đó, BSR -8,3% xuống 14.400 đồng và là cổ phiếu hút thanh khoản nhất với 16,5 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm mạnh, với VN30F2212 giảm 58 điểm, tương đương -5,25% xuống 1.046 điểm, khớp lệnh hơn 476.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 45.300 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền cũng không có mấy sự lạc quan và các mã thanh khoản tốt nhất đều chìm trong sắc đỏ, riêng CHPG2218 và CMBB2209 đứng tham chiếu tại 10 đồng/cq và 30 đồng/cq, khớp lệnh lần lượt 2,01 triệu và 1,23 triệu đơn vị.
Phiên này, CHPG2221 và CHPG2220 khớp lệnh tốt nhất với 2,74 triệu và 2,48 triệu đơn vị và cả hai đều giảm sâu, với CHPG2221 giảm 17,6% xuống 140 đồng/cq còn CHPG2220 giảm 44,4% xuống 50 đồng/cq.