Giao dịch chứng khoán phiên chiều 6/1: Nhiều mã bị chốt lời, VN-Index quay đầu giảm nhẹ

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 6/1: Nhiều mã bị chốt lời, VN-Index quay đầu giảm nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường trải qua tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2023 tương đối khả quan, với mức tăng gần 45 điểm với VN-Index, thanh khoản vẫn chỉ ở quanh ngưỡng thấp 10.000 tỷ đồng, nhưng điều này có thể hiểu được khi thời gian Tết Âm lịch đã cận kề, thời điểm không nhiều nhà đầu tư hành động quá mạo hiểm.

Sau phiên sáng tăng chạm 1.060 điểm, thị trường bước vào phiên chiều đã yếu đà, khi bảng điện tử đảo chiều với sắc đỏ chiếm ưu thế, nhóm bluechip cũng hạ nhiệt, kéo theo VN-Index lùi dần về tham chiếu và có thời điểm giảm về dưới 1.050 điểm, trước khi kịp lấy lại mốc này ở những phút cuối.

Đóng cửa, sàn HOSE có 121 mã tăng và 274 mã giảm, VN-Index giảm 4,38 điểm (-0,41%), xuống 1.051,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 689,5 triệu đơn vị, giá trị 11.946,6 tỷ đồng, tăng gần 29% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 83,95 triệu đơn vị, giá trị 1.826,6 tỷ đồng.

Như vậy, trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023, VN-Index với 3 trên 4 phiên tăng điểm đã tăng tổng cộng 44,35 điểm, tương đương +4,4%.

Nhóm bluechip, cổ phiếu lại được “kéo” lên và tăng tốt nhất là SAB khi +3,7% lên 180.700 đồng. Theo sau là bốn cổ phiếu ngân hàng, với VIB +2,5% lên 20.600 đồng, BID +2,2% lên 41.650 đồng, ACB +1,3 và CTG +0,4%.

Các mã xanh còn lại chỉ còn VRE, TCB, MBB, HDB, VHM, STB, KDH với mức tăng khiêm tốn, chỉ từ 0,2% đến 0,4%.

Trái lại, không ít cổ phiếu đều lùi về dưới tham chiếu gây sức ép, với MSN -3,7% xuống 95.800 đồng, GVR -3,4% xuống 14.400 đồng, PDR -2,6% xuống 14.750 đồng, SSI -2,1% xuống 18.900 đồng, các mã VJC, PLX và HPF đều giảm 2%.

Các cổ phiếu lớn khác như VIC, FPT, MWG, VNM, GAS giảm từ 0,2% đến 1,8%.

Thanh khoản trong nhóm cao nhất thuộc về VPB với hơn 31,4 triệu đơn vị và cổ phiếu này chỉ có giá tham chiếu tại 18.950 đồng khi đóng cửa.

Theo sau là STB với 25,66 triệu đơn vị, HPG khớp 19,63 triệu đơn vị, NVL khớp 16 triệu đơn vị, POW khớp 15 triệu đơn vị, SSI khớp 13,1 triệu đơn vị…

Cổ phiếu đáng chú ý nhất hôm nay vẫn là LPB, khi giữ vững sắc tím từ phiên sáng, +6,6% lên 14.450 đồng, thanh khoản cũng dẫn đầu toàn thị trường với hơn 46,2 triệu đơn vị khớp lệnh.

Một cổ phiếu khác trong nhóm ngân hàng là SHB với khối lượng khớp lệnh cũng chỉ đứng sau LPB với hơn 33,9 triệu đơn vị, nhưng giá cổ phiếu chỉ còn +1,9% lên 10.550 đồng.

Cổ phiếu IBC ghi nhận phiên tăng trần thứ sáu liên tiếp +6,8% lên 3.600 đồng, khớp 0,93 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần tới hơn 6,09 triệu đơn vị.

Không còn nhiều cổ phiếu tăng tốt đi kèm thanh khoản tốt, ngoài trừ một vài cái tên như ANV +4,5% lên 27.700 đồng, khớp 2,08 triệu đơn vị, TEG +4,5% lên 9.590 đồng, khớp 0,55 triệu đơn vị, BMI +3,8% lên 23.450 đồng, khớp 0,63 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, PVT bị chốt lời mạnh và giảm sàn -6,9% xuống 20.300 đồng, khớp hơn 5,81 triệu đơn vị.

Cổ phiếu của công ty đang có sự kiện thu hút nhà đầu tư gần đây là HBC giảm mạnh -6,3% xuống 8.650 đồng, khớp hơn 6,31 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng khác có mức giảm khá mạnh có CII, HHV, FCN, GEX, CTD, SCR, KBC, CTI, TDH, VCG, ITA, DIG, NHA, với mức giảm từ hơn 3% đến gần 5%. Trong đó, GEX khớp lệnh cao nhất với 15,9 triệu đơn vị, DIG khớp 9,49 triệu đơn vị, VCG khớp 9,39 triệu đơn vị…

Hai thép HSG và NKG sau phiên tăng tốt hôm qua cũng đã giảm khá mạnh, với HSG -4,2% xuống 12.650 đồng, khớp 12,6 triệu đơn vị và NKG -4,3% xuống 13.250 đồng, khớp 8,65 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán ngoài TVB nhích nhẹ 1,1%, thì còn lại đều quay đầu giảm, trong đó, APG dẫn đầu khi -6,7% xuống 5.820 đồng, VDS -2,8%, VND -2,1%, VCI -1,9%...

Bộ ba cổ phiếu hóa chất lớn cũng có phiên suy yếu, với DCM -2,6% xuống 26.500 đồng, DGC -3,8% xuống 58.600 đồng, DPM -4,9% xuống 42.400 đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đuối sức trong phiên chiếu và lao xuống dưới tham chiếu khá nhanh và cũng thu hẹp đôi chút đà giảm ở những phút cuối.

Đóng cửa, sàn HNX có 57 mã tăng và 110 mã giảm, HNX-Index giảm 2,45 điểm (-1,15%), xuống 201,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,6 triệu đơn vị, giá trị 809 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,1 triệu đơn vị, giá trị 172 tỷ đồng.

Trong số những cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn, gần như chỉ còn MBS tăng, với mức tăng 2,2% lên 13.700 đồng, khớp 4,34 triệu đơn vị, các mã KLF, NRC, BII, MBG, TIG đứng tham chiếu.

Còn lại đều chìm trong sắc đỏ, trong đó, những cổ phiếu CEO, PVS, PVC, IDC, IDJ, HUT, APS, BCC, VGS, L14, PVB giảm từ 3% đến hơn 5%, khớp từ 0,45 triệu đến 6,31 triệu đơn vị.

Cổ phiếu SHS -1,1% xuống 8.900 đồng và là mã có khối lượng giao dịch cao nhất sàn với hơn 16 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, nhiều cổ phiếu hạ độ cao cũng đã khiến UpCoM-Index lùi về tham chiếu, giằng co và đóng cửa giảm nhẹ.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,1%), xuống 72,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42 triệu đơn vị, giá trị 435 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 14,2 triệu đơn vị, giá trị 351 tỷ đồng.

Những cổ phiếu còn tăng có BSR, PVX, OIL, ABB VGI, TCI, VOC, BVB, nhưng phần lớn chỉ nhích nhẹ. Trong đó, BSR +2,8% lên 14.600 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 14 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, ngoài VN30F2302 đáo hạn vào giữa tháng 2 tới đứng tham chiếu, thì ba mã còn lại đều giảm.

Trong đó, VN30F2301 đáo hạn vào 19/1 tới giảm 2,8 điểm, tương đương -0,27% xuống 1.051 điểm, khớp lệnh hơn 333.700 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.400 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, nhưng CSTB2218 với khối lượng giao dịch cao nhất khi có 3,52 triệu đơn vị đã tăng 16,7% lên 350 đồng/cq.

Theo sau là CHPG2221 với 2,5 triệu đơn vị, giảm 18,2% xuống 90 đồng/cq.

Tin bài liên quan