Giao dịch chứng khoán phiên chiều 6/1: Dàn Suv điện khẳng định VIC không thể giá 5 USD

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 6/1: Dàn Suv điện khẳng định VIC không thể giá 5 USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các dự báo về một nhịp điều chỉnh nhẹ đã không diễn ra, thay vào đó là những biến động ngay trong phiên cho thấy sức nóng của thị trường chưa giảm bớt.

Sau phiên sáng tăng khá đẹp, VN-Index đi từ mức giá đỏ mở cửa và tăng dần về cuối phiên thì sang phiên chiều, sự hưng phấn chỉ duy trì được hơn 1h đồng hồ để sau đó lao dốc khá nhanh và mạnh.

Nhóm cổ phiếu lớn như MSN và một số mã ngân hàng như CTG, TCB cùng với HPG, GAS giảm điểm đã khiến VN30-Index lao dốc và kéo theo thị trường chung giảm điểm trong thời gian ngắn.

Chiều hỗ trợ thị trường của nhóm này vẫn gọi tên VIC, riêng cổ phiếu này đóng góp tới hơn 4 điểm tăng trong tổng số hơn 6,06 điểm mà VN-Index có được phiên chiều nay. Ngoài VIC, thì cổ phiếu thị giá thấp nhất của họ nhà VIC là VRE hôm nay cũng khoe sắc tím.

Vingroup hôm nay có sự kiện trọng đại khi ra mắt toàn cầu dàn xe SUV điện VF5,6,7,8,9 trải toàn phân khúc dòng xe gầm cao. Với “điều thần kỳ” mà một hãng xe mới giới thiệu sản phẩm đầu tiên cách đây 4 năm làm được thì nhà đầu tư có quyền kỳ vọng, một khi Vinfast thành công thì giá cổ phiếu sẽ ở mức…?

Rất khó nói, nhưng nhìn cổ phiếu của hãng xe điện hàng đầu thế giới Tesla đang ở ngưỡng 1.088 USD/CP (tương đương 25 triệu đồng/CP) thì giá cổ phiếu VIC nếu chỉ vượt trên con số lẻ kể trên cũng là mức lợi nhuận siêu tưởng với mức giá chưa đên 5 USD/CP hiện tại của VIC.

VIC rõ ràng không phải là Alibaba của Trung Quốc năm 1999, nhưng nếu nhà đầu tư dám nhận rủi ro như Benson Tam đã dàn xếp khoản đầu tư 500.000 USD để sau đó thu lời 20.000%, thì đây là thời điểm cổ đông của VIC có thể kỳ vọng.

Trên bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Bloomberg ngày hôm nay, ông Phạm Nhật Vượng đang xếp thứ 275 với tổng giá trị tài sản 9,05 tỷ USD, ngành nghề kinh doanh là bất động sản. Nếu, phải dùng từ nếu, Vinfast thành công thì có thể ngành nghề kinh doanh của ông sẽ thay đổi trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và cả Việt Nam.

Hy vọng rằng, điều đó sẽ xảy ra trong thời gian ngắn!

Những chiếc xe điện nhãn VF ra mắt sáng nay

Những chiếc xe điện nhãn VF ra mắt sáng nay

Quay lại với thị trường phiên chiều nay, trong khi các cổ phiếu lớn phân hóa thì nhóm cổ phiếu nhỏ vẫn nóng, trên HOSE có tới 38 cổ phiếu tăng trần, đa phần trong số đó liên quan tới bất động sản và hạ tầng, nhóm dược dự đoán là hưởng lợi nhờ gói kích thích kinh tế. Ngoài ra cũng không ít mã được coi là có nhà tạo lập, VHG là mã có kết quả kinh doanh khá tệ hôm nay cũng rực một màu tím nối dài chuỗi tăng tiềm bằng lần trong hơn tháng vừa qua!

Nhóm cổ phiếu họ FLC hạ nhiệt phiên chiều khi FLC và ROS không giữ được giá trần nhưng AMD và HAI vẫn “đóng cứng” trong màu tím.

Nói về VIC mà không nói về FLC là một sự thiên lệch, ông chủ của FLC với những gì tạo dựng được từ bất động sản, hàng không chắc hẳn cũng có thể tự tin khi việc mở cửa du lịch, hàng không đang dần trở lại bình thường. Có lẽ cần một chút thời gian, nhưng cổ đông FLC đã có thể định giá cổ phiếu của mình ở một khía cạnh tích cực hơn trước, nhất là những sản phẩm dịch vụ của FLC so sánh trên mặt bằng thị trường không tệ chút nào, nếu không nói là khá vượt trội.

Về mặt kỹ thuật, thị trường hôm nay diễn biến vẫn khá tích cực, VN-Index hạ độ cao cuối phiên chiều nay thậm chí là tín hiệu tốt giúp thị trường tăng không quá nóng, tạo điều kiện cho dòng tiền lỡ nhịp có cơ hội tham gia vào thị trường. Thanh khoản cho thấy dấu hiệu tích cực với tổng giá trị giao dịch trên HOSE lên tới hơn 35.000 tỷ đồng, các chỉ báo kỹ thuật cũng khá lạc quan trừ RSI phát tín hiệu thị trường sắp đi vào vùng quá mua.

Đóng cửa, sàn HOSE có 223 mã tăng và 225 mã giảm, VN-Index tăng 6,07 điểm (+0,40%), lên 1.528,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.333,7 triệu đơn vị, giá trị 35.394,4 tỷ đồng, tăng 26% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 46,4 triệu đơn vị, giá trị 2.364,8 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu nhà Vin là VRE là VIC vẫn là những cái tên sáng nhất ở nhóm bluechip, với VRE trở lại mức giá trần +6,9% lên 35.600 đồng và VIC +4,5% lên 104.500 đồng, cổ phiếu còn lại trong nhóm là VHM +1,5% lên 85.300 đồng. Bộ ba này của nhóm Vingroup cũng là những cái tên đóng góp lớn nhất cho VN-Index với hơn 7,5 điểm tích cực.

Bên cạnh đó, hai cổ phiếu tăng đáng chú ý khác là BID +2,6% lên 38.000 đồng và KDH +2% lên 56.800 đồng. Trong khi các sắc xanh khác cũng xuất hiện tại VCB, VJC, GVR, STB, MWG, ACB…

Ở chiều ngược lại, MSN và CTG là gánh nặng lớn, với MSN -4,5% xuống 153.800 đồng và CTG -2,2% xuống 34.000 đồng. Các mã giảm khác đa số chỉ mất trên dưới 1,5% như SAB, HPG, SSI, MBB, CTB, NVL, GAS…

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với những mã nổi bật với tâm điểm vẫn là dòng bất động sản, xây dựng với GEX, ITA, SCR, DXG, HHS, KHG, SAM, OGC, MCG, HAR, VNE, CTD đều tăng kịch trần, khối lượng khớp lệnh cao, với GEX khớp 36,4 triệu đơn vị, ITA khớp 32,5 triệu đơn vị, SCR khớp 20 triệu đơn vị…

Các mã khác trong nhóm như HQC, LDG, TCH, FIT, CII, DLG, KBC, HBC, FCN, IJC, ASM, DRH cũng kết phiên trong sắc xanh, với không ít cũng tăng khá tốt, khớp từ 4,1 triệu đến 28,7 triệu đơn vị.

Họ FLC với AMD và HAI giữ sắc tím, FLC +5,5% lên 21.100 đồng, ROS +2% lên 15.200 đồng, trong đó, FLC khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 40,6 triệu đơn vị.

Trái lại, dòng thép vẫn chịu áp lực cao, ngoài HPG -1,5%, còn có HSG -3,2% xuống 35.800 đồng, NKG -4% xuống 37.000 đồng, TLH -1,7% xuống 19.950 đồng, SMC -1,8% xuống 41.550 đồng, VIS -4,2% xuống 17.250 đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục nhích dần lên ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều và cũng chịu áp lực từ vùng đỉnh và hạ nhiệt về vùng gần với mức đóng cửa của phiên sáng.

Chốt phiên, sàn HNX có 113 mã tăng và 131 mã giảm, HNX-Index tăng 4,53 điểm (+0,94%), lên 484,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 139,7 triệu đơn vị, giá trị 3.900,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,47 triệu đơn vị, giá trị 89,4 tỷ đồng.

Tương tự phiên sáng, khi KSF và NVB là hai cổ phiếu chính nâng đỡ thị trường khi KSF vững sắc tím tại 87.500 đồng và NVB +9,1% lên 39.600 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu khác, KLF phiên này vượt trội với khối lượng khớp lệnh bỏ xa phần còn lại với 19,2 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng trần +9,3% lên 9.400 đồng.

Các cổ phiếu khác phân hóa với CEO, ART, PVS, PVL, DL1, HUT, AMV nhích lên và MBG lên sắc tím, trong khi SHS, TVC, APS, IDC, VIG, TAR chìm trong sắc đỏ.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index dần hạ nhiệt trong phiên chiều, thậm chí có thời điểm đã về dưới tham chiếu, trước khi bật trở lại và giằng co nhẹ cho đến khi đóng cửa.

Phiên này, cổ phiếu VHG hút mạnh dòng tiền nhất khi khối lượng khớp lệnh cao nhất với 13,6 triệu đơn vị, giá cổ phiếu tăng hết biên độ +14,1% lên 11.300 đồng.

Hai mã tiếp theo là HHV và BSR với khối lượng khớp lệnh hơn 13,2 triệu và 12,95 triệu đơn vị chỉ nhích nhẹ 0,4%.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,13 điểm (+0,11%), lên 114,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 112 triệu đơn vị, giá trị 2.482,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,64 triệu đơn vị, giá trị 144,9 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều kết phiên trong sắc đỏ, với VN30F2201 giảm 3,9 điểm (-0,25%), xuống 1.545,1 điểm, khớp lệnh hơn 94.300 đơn vị, khối lượng mở hơn 28.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này CMSN2110 hút thanh khoản nhất với hơn 2,22 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm 25% xuống 2.400 đồng/cq.

Tin bài liên quan