Sau phiên sáng nhích nhẹ với thanh khoản suy giảm, thị trường bước vào phiên chiều với giao dịch tích cực hơn, bảng điện tử thêm một lần đổi sắc với những mã tăng chiếm ưu thế.
Cùng với đó, nhóm VN30 cũng khởi sắc hơn đã giúp VN-Index dần tiến lên thử thách mốc 1.060 điểm, tuy nhiên, khi chưa kịp chạm mốc này, áp lực bán đã gia tăng tại các bluechip khiến nhiều mã hạ độ cao, VN-Index theo đó lùi nhẹ về gần 1.055 điểm khi đóng cửa với thanh khoản thêm một lần không đạt 10.000 tỷ đồng.
Về tổng thể thị trường, sau phiên tăng điểm khá tốt đầu năm giúp VN-Index vượt trở lại đường MA20 đã duy trì đà tăng điểm ngắn hạn. Các chỉ số kỹ thuật đang cho thấy sự tích cực, tuy nhiên thanh khoản vẫn là điểm trừ, cho thấy đà tăng khó có thể kéo dài.
Chốt phiên, sàn HOSE có 241 mã tăng và 159 mã giảm, VN-Index tăng 9,47 điểm (+0,91%), lên 1.055,82 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 535 triệu đơn vị, giá trị 9.184,8 tỷ đồng, giảm hơn 17% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,5 triệu đơn vị, giá trị 1.036 tỷ đồng.
Các bluechip trong rổ VN30 có tới 25 mã tăng, 4 cổ phiếu NVL -2,1%, KDH, VJC và BID giảm nhẹ cùng CTG đứng tham chiếu.
Trong những mã tăng, ấn tượng nhất phiên này là POW, khi đã tăng kịch trần +6,8% lên 11.750 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 23,6 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1,7 triệu đơn vị.
Theo sau là hai cổ phiếu ngân hàng STB +3,9% lên 24.200 đồng và TPB +2,5% lên 22.550 đồng, khớp lệnh lần lượt 19,2 triệu và 7,5 triệu đơn vị.
Hỗ trợ thêm cho chỉ số là VNM +2,4% lên 81.200 đồng, HPG +2,1% lên 19.800 đồng, VRE +2,1% lên 29.200 đồng.
Cổ phiếu SAB bị chốt lời, sau khi tăng kịch trần đã lùi nhanh và chỉ còn +1,6% lên 174.200 đồng, khớp 0,25 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu còn lại nhích hơn 1% còn VIB, PDR, TCB, VHM, VCB, MBB, GAS, SSI và PLX.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, IBC và C47 đứng vững ở sắc tím tại 3.370 đồng và 8.630 đồng, trong đó, IBC khớp hơn 4,5 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 4 triệu đơn vị.
Tăng mạnh khác còn ở các cổ phiếu nông nghiệp, thủy sản với IDI +6,2% lên 12.900 đồng và ANV +6% lên 26.500 đồng, DBC +5% lên 15.900 đồng, HAG +3,7% lên 9.350 đồng.
Nhóm cổ phiếu thép, với HPG nhích nhẹ ở trên, thì HSG và NKG vượt trội hơn khi tăng lần lượt 4,3% và 3,7% lên 13.200 đồng và 13.850 đồng, với HSG khớp 14,8 triệu đơn vị, NKG khớp 9,74 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu điện đồng loạt khởi sắc, với VSH +5,7% lên 34.350 đồng, PC1 +5,1% lên 23.500 đồng, VNE +5% lên 9.650 đồng, TV2 +4,8% lên 23.850 đồng, GEG +4% lên 15.600 đồng, PPC +3,8% lên 13.600 đồng…
Một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng, nguyên vật liệu cũng có mức tăng khá, với những cái tên GEX, HDG, THG, DHM, VGC, KSB, VCG, DRH, với mức tăng từ 3% đến 6%.
Trái lại, đại diện giảm giá đáng chú ý nhất có lẽ là YEG, khi lùi về giá sàn -7% xuống 8.700 đồng, DXS -6,2% xuống 6.300 đồng, HBC -4% xuống 9.230 đồng, HPX -3,2% xuống 4.600 đồng…
Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu cũng đảo chiều tăng sau giờ nghỉ trưa cũng giúp HNX-Index bật lên từ dưới tham chiếu, dù vậy, áp lực bán gia tăng ở cuối phiên cũng đã khiến chỉ số này lùi về và đóng cửa gần như không đổi.
Chốt phiên, sàn HNX có 76 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index tăng 0,05 điểm (+0,02%), lên 213,11 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,7 triệu đơn vị, giá trị 773,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,13 triệu đơn vị, giá trị 46,7 tỷ đồng.
Các cổ phiếu CEO, PVS, TNG, PVC, MBS, VGS, BCC, MST, PLC đều đã đảo chiều tăng, với TNG +4,3% lên 14.700 đồng, CEO +2,6% lên 21.000 đồng là hai cổ phiếu tăng tốt nhất, trong đó, CEO khớp hơn 9,3 triệu đơn vị.
Trong khi đó, IDC, NRC, PVL, L14, TAR, MBG, NAG, BII chìm trong sắc đỏ, với NRC bị bán mạnh nhất -6,5% xuống 4.300 đồng.
Các cổ phiếu còn lại như SHS, IDJ, APS, HUT, AMV đều dừng chân ở tham chiếu, với SHS phiên này khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 11,92 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giao dịch giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong phiên chiều trong biên độ hẹp và đóng cửa cũng chỉ nhích nhẹ.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,06 điểm (+0,08%), lên 72,82 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,4 triệu đơn vị, giá trị 306,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,91 triệu đơn vị, giá trị 25,4 tỷ đồng.
Chỉ một số ít cổ phiếu còn tăng ở các mã thanh khoản tốt nhất là VFS, MPC, ABB, QTP, với QTP +4,4% lên 14.200 đồng, còn lại chỉ nhích nhẹ.
Trái lại, nhiều cổ phiếu giảm giá, như SBS, VOC, DDV, VGI, G36, LMH… và NHV vẫn ở giá sàn -14,7% xuống 19.200 đồng, khớp 0,44 triệu đơn vị.
Đáng kể là ba cổ phiếu thanh khoản cao nhất UpCoM là BSR, C4G, VHG đều đứng tham chiếu, với BSR khớp 7,18 triệu đơn vị C4G khớp 3,3 triệu đơn vị, VHG khớp 1,43 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2301 đáo hạn gần nhất đã tăng 11,1 điểm, tương đương +1,06% lên 1.053,8 điểm, khớp lệnh hơn 262.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 46.500 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn, với phiên này hai mã khớp lệnh cao nhất là CSTB2218 với 2,12 triệu đơn vị đã tăng 11,1% lên 300 đồng/cq, trong khi CHPG2221 khớp 2,01 triệu đơn vị lại không đổi tại 110 đồng/cq.