Giao dịch chứng khoán phiên chiều 31/3: Bắt dao rơi

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 31/3: Bắt dao rơi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư bắt đáy các cổ thị trường trong các phiên gần đây dường như đang bắt phải dao rơi. Trong khi đó, thị trường đã đứng vững trong phiên cuối cùng tháng 3 nhờ nhóm bluechip, đặc biệt là VNM.

Thị trường bước vào phiên chiều với sức ép gia tăng khiến số mã giảm trên bảng điện từ lấn át, VN-Index giảm dần về dưới tham chiếu và phải nhờ tới sức bật từ VNM mới giúp chỉ số nảy nhẹ trở lại sắc xanh khi đóng cửa.

Trong 3 phiên gần đây, khi nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ bị xả và lao dốc mạnh, lực cầu bắt đáy nhập cuộc mạnh ở nhiều mã với kỳ vọng đón sóng trong vòng chơi mới.

Mỗi nhịp giảm sàn của các mã thị trường như HQC, HAR, SJF, LDG, JVC, tậm chí cả các mã thuộc nhóm FLC (ngoại trừ FLC và ROS) như AMD, HAI, KLF, ART đều nhận lực cầu bắt đáy lớn.

Tuy nhiên, dường như các nhà đầu tư tham gia bắt đáy trong 3 phiên gần đây đã tính sai thời điểm. Bởi lực cầu bắt đáy mạnh có thời điểm kéo một số mã tăng trong phiên, nhưng các nhà đầu tư muốn thoát hàng cũng rất lớn, nên ngay khi nhận thấy có người mua, lập tức ra hàng, khiến các mã này quay đầu giảm trở lại và đóng cửa với mức sàn. Phiên hôm nay cũng không ngoại lệ khi HQC, JVC, HAR có lúc có sắc xanh, HAI cũng có lúc được kéo về tham chiếu, nhưng đều đóng cửa với mức sàn.

Những nhà đầu tư mua đuổi HQC trong phiên thứ Ba (29/3) giờ đã mất hơn 13% khi cổ phiếu chưa kịp lên kệ. Tương tự, với những nhà đầu tư nhảy vào SJF cũng mất hơn 12% trong cùng thời gian.

Với nhóm FLC (ngoại trừ FLC và ROS gần như không có lực cầu), những ai tham gia bắt đáy AMD trước đó 2 phiên cũng mất từ 13,4 - 15,6% giá trị tài khoản. Ngay trong phiên nay, nhiều nhà đầu tư cũng đã lỗ hơn 5% khi tham gia bắt đáy.

Với HAI, những nhà đầu tư bắt đáy trong phiên 29/3 đến nay cũng mất từ 13,4 - 16,6% giá trị, còn nếu chỉ tính phiên hôm nay, nhiều nhà đầu tư cũng lỗ 7%...

Nhìn chung, lực bán tại nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao vẫn còn rất mạnh, việc tham gia bắt đáy khi thị trường hoảng loạn theo chiết lý "tham lam khi người khác sợ hãi" của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett có thể giúp nhiều nhà đầu tư gặt hái thành công, nhưng trong trường hợp này, với bối cảnh thị trường hiện nay, dường như nhiều nhà đầu tư đã bắt phải dao rơi, có người đã bị đứt tay, ít nhất là cho tới thời điểm này.

Dù lực bán vẫn lớn và số mã giảm vẫn chiếm ưu thế, nhưng VN-Index đã đứng vững trong phiên giao dịch cuối tháng 3 cũng là cuối quý đầu tiên của năm nhờ sự hỗ trợ của một số mã bluechip, trong phiên hôm qua là nhóm ngân hàng, còn hôm nay đặc biệt là VNM. Tình trạng này khiến nhiều người nghĩ đến kịch bản các nhà tạo lập đang kéo bluechip để xả nhóm đầu cơ.

Chốt phiên, sàn HOSE có có 179 mã tăng và 261 mã giảm, VN-Index tăng 1,64 điểm (+0,11%), lên 1.492,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 684,5 triệu đơn vị, giá trị 21.803.9 tỷ đồng, giảm 24% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 51,2 triệu đơn vị, giá trị 1.800,3 tỷ đồng.

Kết thúc tháng 3 này, chỉ số VN-Index chỉ nhích hơn 2 điểm và trong quý I/2022, chỉ số này giảm hơn 6 điểm, mức đỉnh đạt được cao nhất trong quý tại trên 1.535 điểm trong những ngày đầu năm và thấp nhất tại 1.424 điểm cũng chỉ sau mức đỉnh không lâu sau đó.

Trở lại với phiên giao dịch cuối cùng của quý I/2022, cổ phiếu VNM phiên này là điểm tựa chính của thị trường, khi đóng góp tới hơn 2,6 điểm tích cực cho VN-Index với mức tăng 6,2% lên 80.900 đồng, khớp lệnh hơn 9,65 triệu đơn vị, mức thanh khoản cao nhất kể từ phiên 22/9/2021.

Các bluechip khác đáng kể chỉ còn VRE +2,9% lên 33.450 đồng, PNJ +2% lên 110.500 đồng, và ngược lại là STB -1,7% xuống 31.700 đồng, GAS -1,6% xuống 108.300 đồng. Đây cũng là những cổ phiếu “biến động” mạnh nhất trong số các bluechip.

Phần còn lại, với các cổ phiếu VIC, VCB, NVL, HDB, TPB, PLX, SAB, TCB, MBB, FPT nhích từ 0,1% đến 0,9%, MWG +1%, VPB +1,1%, CTG +1,2%, ACB +1,4% và BVH, POW, SSI, HPG PDR, MSN giảm nhẹ từ 0,3% đến 1,3%.

Thanh khoản nhóm này tương đối cao, ngoài VNM nêu trên thì HPG khớp hơn 18,8 triệu đơn vị, nhóm ngân hàng STB với 9 triệu đơn vị, VPB khớp 9,1 triệu đơn vị, MBB khớp 12,8 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số là điểm sáng như OGC, VGC, SMA, HVT khi tăng kịch trần.

Tương tự phiên sáng, một số cổ phiếu khu công nghiệp có hiệu suất tốt hơn phần còn lại, với TIP đứng vững ở sắc tím +7% lên 55.200 đồng, LHG +4,4% lên 57.400 đồng, D2D +2,1% lên 62.900 đồng, BCM +1,9% lên 73.400 đồng, SZC và KBC hạ nhiệt khi chỉ còn nhích nhẹ trên dưới 1%.

Ở nhóm thanh khoản cao và còn tăng, các cổ phiếu bất động sản chiếm phần lớn với DXG, GEX, ITA, ASM, CII, PC1, KDC, trong đó, ASM tăng 3,3% lên 24.800 đồng, còn lại chỉ nhích nhẹ, khớp từ 1,81 triệu đến 12,89 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu cao su đồng loạt tăng với TNC tăng trần, DRC +3,2% lên 35.500 đồng, SRC +1,8% lên 19.600 đồng, PHR +1,6% lên 80.800 đồng…

Ở chiều ngược lại, áp lực bán mạnh khiến HQC rơi về mức giá sàn -7% xuống 8.700 đồng, thanh khoản khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 25,3 triệu đơn vị.

Hai cổ phiếu họ nhà FLC là AMD và HAI cũng quay trở lại nằm sàn tại 5.360 đồng và 5.090 đồng, khớp 17 triệu và 14,7 triệu đơn vị và trắng bên mua.

Hai mã còn lại là FLC và ROS tương tự, với số lượng dư bán sàn tại FLC là hơn 83,2 triệu đơn vị, ROS là 70,7 triệu đơn vị.

Ngoài ra, các cổ phiếu khác như JVC, MCG, DQC, MCG, UDC, LCM, HAR, VRC, CIG, NVT cũng chịu áp lực bán mạnh và đều giảm về mức giá sàn.

Trong số này, đáng kể là NVT, khi phi thẳng từ mức giá trần xuống mức giá sàn khi đóng cửa, -6,94% xuống 30.150 đồng, khớp hơn 0,3 triệu đơn vị, kết thúc chuỗi 5 phiên gần nhất tăng trần. Nhưng với 12 trên 14 phiên gần nhất tăng trần, cổ phiếu này vẫn có hiệu suất sinh lời vượt trội trên thị trường.

Cặp đôi HAG-HNG giảm sâu, với HAG -4% xuống 13.100 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau HQC trên sàn, với 21 triệu đơn vị, HNG -2,9% xuống 10.100 đồng, khớp 11,3 triệu đơn vị.

Giảm sâu khác còn tại SFG, HID, TSC, TNI, DLG, HHS, LDG, APG, TTB, QBS, PTC, QCG, TGG, TNT, với mức giảm từ 4% đến 6,7%, trong đó, LDG khớp lệnh cao nhất với hơn 9,72 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép ngoài HPG và TLH may mắn chịu thiệt hại thấp nhất, thì SMC -6,5% xuống 41.150 đồng, NKG -4,2% xuống 47.150 đồng, HSG -3,6% xuống 35.000 đồng, POM -1,8% xuống 13.750 đồng.

Trên sàn HNX, lực bán cũng gia tăng mạnh trong phiên chiều, khiến HNX-Index rơi về dưới tham chiếu và kết phiên ở ngay sát mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 83 mã tăng và 156 mã giảm, HNX-Index giảm 1,58 điểm (-0,35%), xuống 449,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 120 triệu đơn vị, giá trị 3.279,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,88 triệu đơn vị, giá trị 57,7 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu rơi dần về giá sàn như ART, HUT, PVL, VKC, VC9. Trong khi giảm sâu cũng không ít như KLF -7,4% xuống 5.000 đồng, DST -7% xuống 13.200 đồng, BCC -6,1% xuống 23.000 đồng, HOM -5% xuống 9.600 đồng.

Các cổ phiếu DL1, KVC, DVG, SRA, PV2, PLC, VC7, PVS, TNG, AMV, TAR, CEO mất từ hơn 2% đến hơn 3%.

Tăng điểm vẫn có cặp đôi SVN, KSD đáng chú ý, khi đóng cửa ở giá trần 11.000 đồng và 12.200 đồng.

Cổ phiếu IDC vẫn là điểm tựa lớn nhất cho chỉ số không rơi sâu hơn, tăng 6,8% lên 80.100 đồng, NVB +2,5% lên 36.700 đồng, IDJ +2,6% lên 31.400 đồng.

Phiên này, thanh khoản cao nhất là KLF với 19,7 triệu đơn vị khớp lệnh, IDC khớp 10,59 triệu đơn vị, ART khớp 10,34 triệu đơn vị, PVS khớp 7,65 triệu đơn vị, HUT khớp 7,6 triệu đơn vị, CEO khớp 3,3 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau phiên sáng khá tích cực cũng đã rơi dần về dưới tham chiếu, nhưng may mắn kịp trồi lên sắc xanh ở những phút cuối.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,14%), lên 117,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60,5 triệu đơn vị, giá trị 1.379,77 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 61,8 triệu đơn vị, giá trị 2.597 tỷ đồng/

Sắc xanh còn lác đác tại VGT, VGI, QNS, trong khi SBS, ABB, PAS, BVB, QTP về tham chiếu.

Còn lại đều chìm trong sắc đỏ như VHG, BSR, C4G, OIL, DDV, TVN, CEN, BOT, G36...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm, với VN30F2204 tăng 6,2 điểm (+0,42%), lên 1.496 điểm, khớp lệnh hơn 91.800 đơn vị, khối lượng mở hơn 30.500 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, cổ phiếu CHPG2114 phiên này thanh khoản cao nhất với 1,47 triệu đơn vị, giảm 20% xuống 120 đồng/cq.

Các mã tiếp theo như CVNM2201, CVNM2202, CVNM2111, CVNM2112 khớp từ 0,97 triệu đến 1,47 triệu đơn vị thì đều tăng điểm.

Tin bài liên quan